Thành viên đồng sáng lập The Coffee House: Trong thời điểm sinh tồn, càng phải tử tế và dũng cảm để mọi thứ bớt khó khăn hơn
Tử tế trong cách đối đãi với khách hàng, nhân viên, cộng đồng. Dũng cảm thay đổi và thử nghiệm các hình thức kinh doanh mới... là cách mà thương hiệu cafe Việt này đang chọn để đương đầu với áp lực kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.
Đã hơn 1 tuần nay, chả ai còn rủ nhau: "Đi cafe đi!", điều tưởng chừng như không thể xảy ra ở thành phố yêu cafe như Sài Gòn. Nhưng đó là sự thật.
Lướt qua những hàng quán từng là tụ điểm gặp gỡ, chuyện trò của giới trẻ nay chẳng còn dấu hiệu hoạt động, hàng loạt thông báo hẹn sẽ quay lại khi hết dịch... mà thấy lòng buồn tênh. Với những người lao động đang sống bằng đồng lương của ngành dịch vụ giải trí ăn uống đặc biệt là cafe, họ chắc chắn còn buồn hơn nữa.
The Coffee House (TCH) - chuỗi cafe thương hiệu Việt được nhiều người biết đến cũng không thoát khỏi cảnh đìu hiu mùa dịch Covid-19 .
Phú Võ, Giám Đốc Thương Mại và Marketing, cũng là một Co-founding member của TCH chọn nhìn về hướng sáng khi đứng trước bức tranh với nhiều gam màu trầm của kinh tế hiện nay.
Nghĩ đi đôi với làm. Ngoài việc nhanh chóng thử nghiệm và đưa ra nhiều chương trình giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng trong mùa dịch, công ty của Phú Võ còn có quỹ tương thân tương ái để các cấp lãnh đạo có thể cùng nhau san sẻ cho nhân viên, đội ngũ các bác bảo vệ già nghỉ phép có hưởng lương.
Cứ như thế, mọi người giúp nhau để không ai bị bỏ lại...
Phú Võ, Giám Đốc Thương Mại và Marketing, cũng là một Co-founding member của TCH.
Sáng suốt để chuyển mình và đưa ra những quyết định dũng cảm
Khi ngừng phục vụ khách tại cửa hàng và chuyển sang hình thức giao hàng tận nhà, chuỗi cafe do anh đồng sáng lập chắc đã gặp không ít khó khăn?
Doanh thu của chúng tôi phần lớn đến từ trải nghiệm của khách tại cửa hàng. Hiện tại TCH không phục vụ mua mang về vì cảm thấy chưa đủ khả năng đáp ứng. Ngoài ra, chủ trương nhà nước là đang khuyến khích không tụ tập quá 2-10 người nên dừng hoạt động ở các cửa hàng là lựa chọn tất yếu.
TCH hiện chỉ kinh doanh duy nhất mảng giao hàng tận nhà. May mắn là chúng tôi đã tự sở hữu và vận hành kênh này từ 3-4 năm nay. Thời gian qua, mảng này đang có những sự tăng trưởng tốt về cả số lượng đơn hàng lẫn người dùng (user).
Người ta có câu: "Trong nguy luôn có cơ", công ty anh đang có những giải pháp nào để tìm cơ hội "sinh tồn" và "giảm đau" trước đòn kinh tế mùa dịch?
Dịch Covid-19 đã và đang mang đến nhiều biến cố và thử thách chưa từng xảy ra trong lịch sử. Thời điểm này các doanh nghiệp không còn được gọi là "Too Big Too Fail" nữa, mà ngược lại, doanh nghiệp càng lớn thì càng khó sinh tồn vì các chi phí cố định quá cao. Đây là thời khắc sống còn, là chiến sự cho rất nhiều doanh nghiệp. Hoặc là sinh tồn, hoặc là chết.
Tôi luôn tự nhủ cần phải sáng suốt và sáng tạo. Sáng suốt để chuyển mình và đưa ra những quyết định dũng cảm. Sáng tạo để tự thay đổi và tìm ra các cơ hội mới trong thời khắc khó khăn.
Trong 1 thời gian ngắn, công ty chúng tôi đã triển khai được nhiều ý tưởng mới. Từ dịch vụ pick up (đến nhận nước), khách đặt và thanh toán trước qua app (ứng dụng) đến lấy trong vòng 1 phút; đến chương trình shipper nội bộ nhằm cung cấp việc làm cho nhân viên như shipper từ các nền tảng công nghệ đặt xe, xử lý hàng ngàn chuyến giao hàng mỗi ngày.
Sáng tạo ra gói subscription (bán hàng theo đăng ký), phục vụ cafe theo thói quen: 3 ngày - 5 ngày - 7 ngày cho khách. Mỗi ngày giao cho khách 1 ly cà phê sữa đá theo đúng gu của họ với giá cực kỳ cạnh tranh. Và hàng loạt giải pháp khác để cung cấp sản phẩm cho khối khách hàng doanh nghiệp.
Các cửa hàng của TCH đã tạm ngừng phục vụ khách hàng cho đến khi có thông báo mới.
Anh nghĩ sao nếu tháng sau tiền lương của anh bị giảm đi 50%?
Tôi hay thức dậy mỗi sáng và nghĩ xem nếu hôm nay TCH đóng cửa thì gia đình tôi sẽ ra sao. Nhưng cái băn khoăn đó không đủ lớn bằng việc suy nghĩ về 3.500 anh chị em khác ở công ty. Ở họ là gánh nặng cho 3.500 gia đình và hàng ngàn con người khác. Việc tôi có giảm 50% tiền lương đi chăng nữa thì tôi vẫn có thể sống sót, thậm chí sống tốt, ngày đủ ăn 3 buổi, con tôi vẫn được ăn mặc đầy đủ. Nhưng chú bảo vệ lớn tuổi ngoài kia, lương 6-7 triệu/tháng, trong thời điểm này, còn có thể đủ chu cấp cho cả gia đình?
Bởi vậy, công ty tôi đang thành lập quỹ tương thân tương ái, để các anh chị em, các cấp lãnh đạo có thể cùng nhau san sẻ cho những đồng đội cần thiết hơn. Lá lành thì đùm lá rách, lá rách thì đùm lá nát.
Thời điểm này có phải là 1 phép thử cho trách nhiệm của một công ty đối với nhân viên của họ và lòng trung thành của nhân viên đối với doanh nghiệp họ đang kề vai sát cánh?
Ở công ty tôi, mọi thứ không phải là phép thử. Tôi tin rằng, thời điểm càng khó khăn, con người càng sống thật với bản chất. Thời điểm này càng làm mạnh mẽ hơn những giá trị cốt lõi mà TCH theo đuổi từ những ngày đầu: chân thành, quan tâm, dũng cảm, sáng tạo. Khi chúng ta cùng nhau, mọi việc sẽ bớt khó khăn hơn.
Theo anh, những người chưa bị thất nghiệp trong giai đoạn này nên giữ thái độ và tinh thần thế nào cho đúng, để ít nhất là không nằm trong nhóm bị lựa chọn sa thải trong khó khăn kinh tế?
Tôi nghĩ đa số các công ty sẽ chia thành 3-5 nhóm nhân viên khác nhau. Trong đó nhóm có khả năng bị cắt giảm nhiều nhất thường là những nhóm có ít giá trị đóng góp cho tổ chức, hoặc là nhóm có ngân sách chi tiêu cao nhất, hoặc là nhóm có ít khả năng phát triển nhất.
Vậy để cho mình ít nhất không nằm trong nhóm này, thì mình nên cố gắng 120% sức mình để tạo thêm nhiều giá trị mới nữa. Ví dụ: khối cửa hàng bị giảm thì nhân viên có thể xin làm thêm khâu giao hàng, khối marketing bị giảm thì có thể xin làm thêm khâu bán hàng, khối mua hàng bị giảm thì có thể xin làm thêm khâu sản xuất.
Và lỡ chẳng may mình có nằm trong nhóm bị cắt giảm, thì việc đó cũng không phải là thảm hoạ. Vì mình sẽ biết điểm yếu mình nằm ở đâu để trau dồi, để học hỏi, và quay trở lại mạnh mẽ hơn xưa. Quan trọng mình phải giữ 1 tinh thần thật lạc quan, mạnh mẽ, không đầu hàng.
Các chú bảo vệ được nghỉ phép có hưởng lương, nhân viên luân phiên giao hàng để có thêm thu nhập
Trong mùa dịch, có những người kinh doanh áp lực đến độ mất ngủ mỗi đêm, còn anh và đội ngũ lãnh đạo công ty thì sao?
Tôi thấy áp lực lớn nhất luôn là áp lực mình tự tạo ra. Thời điểm này đa số các cửa hàng đều đóng cửa. Mình có 2 lựa chọn, hoặc đơn giản là nghỉ ngơi - hoặc có thể tiếp tục chiến đấu. TCH, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, đang chọn cách chiến đấu để mình có thể quay trở lại mạnh mẽ hơn.
Dẫu vậy, đa số thời gian tôi sẽ suy nghĩ mình chiến đấu như thế nào, mình chiến đấu ra sao, khi nào thì mình quay trở lại, khi nào thì dịch Covid qua đi? Nhưng bản thân tôi thấy thời điểm này là thời điểm tốt nhất để trả lời câu hỏi: "Mình chiến đấu vì cái gì", hay nói cách khác hơn, "Why", "Vì sao mình tồn tại?".
Câu trả lời đó, cái mục đích đó là kim chỉ nam, là ngọn đèn dẫn lối toàn thể công ty hướng về phía trước, đặc biệt trong thời điểm sinh tồn.
"Mình chiến đấu vì cái gì", anh đã có lời đáp cho câu hỏi này chưa?
Là những điều tử tế. Tôi làm mọi việc đều suy nghĩ đến khách hàng, đến nhân viên, và đến cộng đồng. TCH không xem số lượng cửa hàng hay lợi nhuận là đích đến. Mà vẫn luôn mong muốn được truyền tải, lan toả, kết nối và là nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất của cộng đồng trẻ tại Việt Nam.
Bởi vậy nên, trong mùa dịch Covid này cứ mỗi khi bạn mua 1 ly cafe, chúng tôi sẽ dùng số tiền đấy để chuẩn bị một phần nước và tự tay giao đến bệnh viện, khu vực cách ly đến các người hùng thầm lặng. Khách hàng ở nhà gọi cafe dù chỉ một ly cũng được freeship.
TCH thực hiện chuỗi hoạt động trao gửi cà phê đến bác sỹ, y tá và những người hùng thầm lặng khác.
Trong thời khắc khó khăn này, đó chính là những điều nhỏ bé để tạo thêm những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Đây không phải là những hoạt động để xây dựng câu chuyện truyền thông, mà với những ai theo dõi TCH thì sẽ thấy đây là giá trị cốt lõi, là DNA của mình từ những ngày đầu.
"Look on the brighter side of life. And learn to appreciate" (Xin hãy nhìn vào phần tươi sáng của cuộc đời và học cách biết ơn những điều mình đang có), anh đang cảm thấy biết ơn về điều gì không?
Tôi luôn biết ơn vì mình vẫn còn có việc để làm, vẫn có đồng đội, vẫn có đam mê và vẫn có gia đình phía sau. Tôi thích thử thách vì nó sẽ cho mình những ý tưởng đột phá. Chẳng phải Jack Ma và nền tảng thương mại điện tử Alibaba vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh dịch SARS hoành hành năm 2003. Steve Job vươn lên mạnh mẽ sau khi bị đuổi ra khỏi chính công ty Apple của mình.
Bộ phận văn phòng chắc hẳn đang Work from home (WFH - làm việc ở nhà) mỗi ngày, anh quản lý họ từ xa thế nào để công việc trôi chảy?
TCH đã làm việc WFH được 3 tuần. Ban đầu cũng có nhiều bỡ ngỡ, nhưng đến hiện tại mọi công việc đang được vận hành suôn sẻ. Mỗi phòng ban đều có những kế hoạch riêng, mỗi ngày đều có những buổi gặp gỡ nhanh chóng cập nhật nhau. Ứng dụng họp online luôn bật, camera luôn nhìn mặt nhau. Ứng dụng chat và email nội bộ thì hoạt động không ngừng. Tính ra Work From Home có khi còn bận bịu hơn cả Work From Office đó chứ.
Work From Home có thể còn bận hơn cả Work From Office.
Với những nhân viên (nhất là ở các tỉnh) đã nghỉ việc (hoặc nghỉ không lương) vì cửa hàng đóng, công ty có chính sách gì hỗ trợ họ hay không?
TCH vẫn đang cố gắng đảm bảo thu nhập cho người lao động. Nhân viên khối cửa hàng như cửa hàng trưởng các bạn làm việc fulltime và các chú bảo vệ, đang được nghỉ phép có hưởng lương, đồng thời, công ty cũng có hỗ trợ một số ngày lương cơ bản cho nhân viên. Các bạn cũng luân phiên làm việc tại các cửa hàng delivery để có thu nhập. Nhân viên khối văn phòng thì chưa có nhân sự nào bị nghỉ việc.
Nếu có thể gặp tất cả họ, anh sẽ nói gì?
Nhà mình sẽ cùng nhau vượt qua và tiến về phía trước.
Cảm ơn những chia sẻ của anh Phú Võ!
Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn khi sắp xếp cho nhân sự làm việc online như: Không kiểm soát được thời gian, tiến độ công việc, chất lượng công việc của nhân viên, nguy cơ rò rỉ thông tin, quy trình làm việc bị đảo lộn,...
Thay vì tìm kiếm một phần mềm theo dõi, giám sát nhân viên đắt đỏ, VCCorp đã đưa ra một số giải pháp như BizFly CRM, BizFly Chat, Ticket, Carecenter vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả:
+ Các giải pháp sử dụng online giúp nhà quản lý và nhân viên truy cập được bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu.
+ Đảm bảo công việc của nhân viên không bị gián đoạn nhờ tính năng phân việc tự động cho nhân viên.
+ Giúp doanh nghiệp quản lý được hiệu quả làm việc của nhân viên, truy xuất lịch sử hoạt động và đánh giá kết quả công việc mỗi ngày.
+ Chống rò rỉ, mất thông tin nhờ tính năng bảo mật, mã hóa dữ liệu cao. Ở NHÀ KHÔNG KHÓ, ĐÃ CÓ BIZFLY. Tìm hiểu ngay tại đây.