Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt sai phạm trong cổ phần hóa và quản lý đất đai tại ACV
Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) trong quá trình cổ phần hóa và quản lý đất đai.
Ngày 13/11/2024, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 419/KL-TTCP về việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn), việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Theo kết luận thanh tra, ACV không thuộc diện phải cổ phần hóa hóa (theo Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/03/2011 và Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ) do 21/22 cảng hàng không do ACV quản lý được sử dụng cho mục đích lưỡng dụng (hàng không dân dụng và quân sự).
Việc cổ phần hóa xuất phát từ chỉ đạo của Bộ GTVT nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đặc biệt về xử lý tài sản trong khu bay và ngoài khu bay, đất đai và cơ chế chính sách, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng không. Và thực tế, việc cố phần hóa ACV cũng không đạt được kết quả như phương án cố phần hóa được phê duyệt.
Ngoài ra, Bộ GTVT đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ACV khi chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý của 29 cơ sở nhà đất, chưa có phương án sử dụng đất được UBND tỉnh/thành phố phê duyệt và chưa xử lý dứt điểm quyền sở hữu tài sản cố định trong khu bay nằm trên đất do Cảng vụ hàng không quản lý và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp.
Chưa hết, việc xác định lợi thế kinh doanh không đúng quy định dẫn đến thiếu 581 triệu đồng phải nộp ngân sách nhà nước.
“Để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT, Ban chỉ đạo cổ phần hóa, ACV và đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp", báo cáo kết luận thanh tra nêu.
Ngoài ra, ACV còn chậm thực hiện quyết toán, xác định lại giá trị phần vốn nhà nước và chậm lập báo cáo tài chính khi chuyển thành công ty cổ phần, vi phạm các quy định tại Thông tư 127/2014/TT-BTC và Nghị định 59/2011/NĐ-CP.ACV cũng vi phạm về vấn đề quản lý, sử dụng đất đai khi thực hiện cổ phần hóa.
Cụ thể, Tổng công ty vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đối với 20 cơ sở nhà đất (ngoài khu vực cảng hàng không, sân bay) với diện tích khoảng 35,124m2.ACV cũng bị quy trách nhiệm về vấn đề chuyến đối đất sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở tại dự án số 108-112B-114 đường Hồng Hà (quận Tân Bình, TP.HCM). Tại đây, Sasco (công ty có phần vốn lớn của ACV) đã hợp tác với một doanh nghiệp bất động sản xây dựng và bán căn hộ khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
"Như vậy, Dự án xây dựng khu thương mại căn hộ cao cấp chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và xác định giá đất, chưa nộp tiền sử dụng đất đã hợp tác liên doanh và đầu tư xây dựng, bán căn hộ cho người dân và người dân đã vào ở là chưa chấp hành đúng trình tự đầu tư xây dựng theo quy định. Để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc Bộ GTVT, UBND TPHCM, Công ty TNHH Nova Sasco, Sasco và ACV", kết luận thanh tra nêu rõ.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã ck: ACV) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024, với doanh thu đạt 5.655 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 3.631 tỷ đồng, tăng 9,2%, đưa biên lợi nhuận gộp lên mức 64,2%.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế giảm 15,7% xuống còn 2.878 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cũng giảm 18,3%, chỉ còn 1.977 tỷ đồng. Như vậy, ACV đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận kéo dài suốt 7 quý trước đó.
Trong quý, doanh thu tài chính của ACV giảm mạnh 70% xuống còn 294 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng vọt từ 20 tỷ lên 809 tỷ đồng, do lỗ tỷ giá gần 800 tỷ đồng.
Khoản lỗ tỷ giá lớn của ACV trong quý này không hẳn là điều bất ngờ. Trước đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã nêu lên mối lo ngại đối với lợi nhuận của ACV do xu hướng tăng giá mạnh của đồng Yên.
ACV đang có nợ dài hạn xấp xỉ 63,5 tỷ Yên từ nguồn vốn ODA, do đó, xu hướng tăng giá của đồng Yên sẽ tạo nên những tác động tiêu cực đối với lợi nhuận doanh nghiệp. Đây cũng là thế khó của ACV trong bối cảnh hiện nay, nếu tỷ giá liên tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2024 sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng lỗ tỷ giá cả năm 2024.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của ACV đạt 73.258 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, công ty đang sở hữu hơn 27.241 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, chiếm 37% tổng tài sản. Tài sản dài hạn dở dang đạt 14.880 tỷ đồng, phần lớn được đầu tư vào các dự án sân bay, bao gồm 9.500 tỷ đồng cho giai đoạn 1 sân bay Long Thành và 3.700 tỷ đồng cho nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, khoản phải thu ngắn hạn của ACV đang ở mức 13.782 tỷ đồng, trong đó có 8.846 tỷ đồng là nợ xấu từ các hãng hàng không như Bamboo Airways, Vietjet và Vietnam Airlines.
Tại báo cáo tài chính quý III/2024, ACV có khoản đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp như: Công ty CP Dịch vụ Hàng Không Sân bay Tân Sơn Nhất (1.585 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (486,8 tỷ đồng), Công ty TNHH Dịch vụ Bảo Dưỡng Máy bay Cảng Hàng không Miền Nam (15,3 tỷ đồng), Công ty Cổ phần thương mại Hàng không Miền Nam (7,5 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Vận tải Hàng không Miền Nam (14,8 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (30 tỷ đồng).