Thành phố trực thuộc trung ương mới nhất dự kiến chỉ thành lập 2 quận

29/09/2024 12:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Địa phương sẽ sáp nhập, thành lập các đơn vị hành chính trực thuộc.

Thành phố trực thuộc trung ương mới nhất dự kiến chỉ thành lập 2 quận- Ảnh 1.

Tại Nhà Quốc hội, sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 37 để cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Báo Thừa Thiên Huế , Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày tóm tắt tờ trình về các đề án. Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra. Các đại biểu cũng thảo luận và cho ý kiến về đề án.

Cho ý kiến tại phiên họp, đa số ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định hồ sơ, trình tự, thủ tục lập đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thành phố trực thuộc trung ương mới nhất dự kiến chỉ thành lập 2 quận- Ảnh 2.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang được xem xét trở thành TP Huế trực thuộc trung ương.

Theo đó, việc t hành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế đã bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan theo quy định.

Đồng thời, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương với yếu tố đặc thù về bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tại hội nghị, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tán thành về mặt nguyên tắc đối với các nội dung liên quan đến việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Thành phố trực thuộc trung ương mới nhất dự kiến chỉ thành lập 2 quận- Ảnh 3.

TP Huế hiện tại sẽ được thành lập quận Phú Xuân và Thuận Hoá thuộc TP Huế (mới).

Cụ thể: Thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa; thành lập thị xã Phong Điền và các phường thuộc thị xã Phong Điền; sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các cơ quan thẩm tra, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 (tháng 10/2024).

TP Huế tương lai được tổ chức hành chính ra sao?

Theo đề án, thành lập TP Huế trực thuộc trung ương được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời với thành lập TP Huế trực thuộc trung ương, thành lập 2 quận, 1 thị xã, 1 huyện và 11 phường, 1 xã, 1 thị trấn thuộc thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có liên quan.

Cụ thể, thành lập 2 quận (Phú Xuân, Thuận Hóa) thuộc TP Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở TP Huế hiện hữu. Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở nguyên trạng huyện Phong Điền.

Thành phố trực thuộc trung ương mới nhất dự kiến chỉ thành lập 2 quận- Ảnh 4.

TP Huế được thành lập trên nền tảng bảo tồn, phát huy di sản cố đô.

Nhập huyện Nam Đông với huyện Phú Lộc để thành lập huyện Phú Lộc mới. Thành lập 11 phường, 1 thị trấn và 1 xã trên cơ sở sắp xếp 21 đơn vị cấp xã (2 phường, 1 thị trấn, 18 xã).

Như vậy, TP Huế (tương lai) có 9 đơn vị cấp huyện, gồm 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện (không thay đổi số lượng đơn vị cấp huyện nhưng có giảm 1 thành phố, 2 huyện và tăng 2 quận, 1 thị xã).

Việc xây dựng đề án thành lập TP Huế trực thuộc trung ương có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ ý chí, khát vọng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Tạo động lực để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, góp phần hiện thực hóa nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng, góp phần phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Theo Dy Khoa

Cùng chuyên mục
XEM