Thành phố Thủ Đức - Dự án chưa từng có tiền lệ và giấc mơ tăng gấp đôi thu nhập cho người dân Tp.Hồ Chí Minh

20/08/2020 14:54 PM | Bất động sản

“Thành phố Thủ Đức (còn gọi là Thành phố phía Đông) là dự án đầu tiên có mục tiêu phát triển hẳn thành một thành phố lớn. Nhưng phát triển khu đô thị mới hiện đại văn minh cần phải gắn kết với chỉnh trang đô thị. Không nên phát triển khu đô thị hiện đại mà bên cạnh là khu ổ chuột” – KTS Ngô Viết Nam Sơn.

Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chính thức đồng ý thực hiện chủ trương thành lập TP. Thủ Đức (hay còn gọi là Thành phố Phía Đông) thuộc TP.HCM. Đây là lần đầu tiên có dự án "thành phố trong thành phố" tại Việt Nam.

Nhưng ngoài việc là một dự án chưa từng có tiền lệ, thành phố Thủ Đức còn có gì và cần có gì?

Dưới đây là những chia sẻ của KTS Ngô Viết Nam Sơn về Thành phố Thủ Đức - Giấc mơ cho động lực tăng trưởng mới của TP. HCM.

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là Chủ tịch NgoViet Architects & Planners. Ông có trên 30 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, quy hoạch kiến trúc tại châu Á và Bắc Mỹ; từng tư vấn thiết kế quy hoạch phố Đông và phố Tây Thượng Hải, Trung Quốc và là thành viên nhóm tư vấn thiết kế SOM lập quy hoạch khu Nam Sài Gòn.

Ông Ngô Viết Nam Sơn là con trai của kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ - tác giả nhiều công trình kiến trúc hiện đại "để đời" như Đại Học Nông Lâm, Dinh Độc Lập, Viện Đại học Huế, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, Viện Nguyên tử Đà Lạt, …

 Thành phố Thủ Đức - Dự án chưa từng có tiền lệ và giấc mơ tăng gấp đôi thu nhập cho người dân Tp.Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Sự ra đời của Thành phố Thủ Đức

TP.HCM luôn có định hướng phát triển thành thành phố cực lớn. Theo đó, thành phố sẽ phát triển khu đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, các đô thị Đông, Tây, Nam, Bắc.

Trong đó, đô thị trung tâm sẽ bao gồm quận 1, quận 3, quận 4, quận Bình Thạnh. Đô thị phía Tây sẽ bao gồm Củ Chi, phía Nam sẽ bao gồm Nam Sài Gòn. Và phía Đông bao gồm quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9.

Năm 2019, muốn phát triển các khu đô thị tiềm năng, dự án còn dang dở trên các quỹ đất trống, TPHCM tổ chức một cuộc thi quốc tế và chọn được phương án quy hoạch cho một số khu vực trọng điểm của đô thị phía Đông. Lúc đó, chưa tính đến chuyện xây dựng hẳn một thành phố.

Đến đầu năm 2020, thành phố quyết định xin chủ trương Trung ương thành lập hẳn một thành phố phía Đông, được Trung ương chấp thuận chủ trương và đổi tên là Thành phố Thủ Đức.

Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chính thức đồng ý thực hiện chủ trương thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Thử thách đặt ra là phương án quy hoạch đoạt giải cần phải được nâng tầm lên mức cao hơn rất nhiều, tương ứng với nhiệm vụ quy hoạch mới. Năm ngoái, đồ án đề xuất chỉ tập trung vào 6 khu vực tiềm năng trên 6 khu vực còn quỹ đất rộng. Còn bây giờ là phải làm quy hoạch trọn vẹn cho cả 3 quận: quận 9, quận 2 và quận Thủ Đức.

Trong đó khoảng một nửa là đất đô thị hiện hữu, nhiều khu đang phát triển tự phát, đường hẹp, thiếu hạ tầng. Nếu thiếu sự quan tâm ngay từ đầu thì tình trạng phát triển tự phát có thể trở nên mất kiểm soát, khiến cho các khu vực này có thể trở thành những khu ổ chuột mới khi mật độ tăng cao, khi mà những cư dân mới không có điều kiện kinh tế để sinh sống ở những khu đô thị hiện đại.

Do đó, để quy hoạch một Đô thị mới hiện đại thì cũng phải lưu ý tạo động lực phát triển nhằm chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu còn lộn xộn, không để sự khác biệt quá lớn giữa các khu vực cao cấp và bình dân trong cùng một thành phố.

Theo dự kiến, cuối sang năm 2021 quy hoạch này sẽ hoàn thành.

Vì sao thành phố Thủ Đức là dự án chưa có tiền lệ?

Đây là lần đầu tiên có dự án hình thành và phát triển hẳn một thành phố lớn của Tp HCM. Trước đây, nhà nước chủ yếu chỉ làm những dự án khu đô thị. Còn đây là dự án công, chủ đầu tư khởi xướng là chính quyền thành phố.

Trước đây, chúng ta đã có dự án Nam Sài Gòn - một dự án công tư hợp tác, liên danh đơn vị nhà nước với đơn vị Đài Loan. Nhưng thành phố Thủ Đức là dự án chưa có tiền lệ, hoàn toàn vốn nhà nước. Quy mô 3 thành phố khá lớn, hơn 200 km2 nên khó khăn đầu tiên là chúng ta chưa có kinh nghiệm.

Về vốn và hạ tầng, thành phố Thủ Đức đòi hỏi phải đầu tư xây nhiều hạ tầng mới trong hoàn cảnh bị hạn chế về ngân sách của thành phố. Bài toán là phải tìm ra ngân sách để phát triển dự án. Nếu chỉ dựa vào ngân sách công thì chưa chắc đã làm được.

Bên cạnh đó, thành phố Thủ Đức đang có 1 triệu dân. Thành phố mới sẽ thu hút hơn 1 triệu dân nữa, chưa kể dân vãng lai. Vậy yếu tố nào có thể thu hút được người dân có tri thức và thu nhập cao đến đây an cư lạc nghiệp? Đây là thử thách. Phải có yếu tố thu hút người dân đến ở. Nếu không sẽ dễ rơi vào tình trạng đô thị không có người ở.

Thứ nữa là vấn đề còn bị trói buộc bởi cơ chế cũ, nặng về tư duy kinh tế tập trung. Thành phố cũng đã xin cơ chế đặc thù cho thành phố phía Đông nhưng cũng chưa có sự trả lời cụ thể. Cơ chế đặc thù là rất quan trọng, vì nếu không thể dựa vào vốn ngân sách nhà nước mà có sự hợp tác của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thì rất cần cơ chế thoáng hơn, để thu hút nhà đầu tư.

Những công trình trụ cột

Theo phương án quy hoạch của Công ty Sasaki - enCity - đơn vị được UBND TP HCM chấm giải Nhất, Khu Đô thị phía Đông có 6 khu đô thị động lực:

- Thủ Thiêm – khu kinh tế tài chính: Khu trung tâm mới, không chỉ của thành phố phía Đông mà là của cả thành phố HCM

- Đại học quốc gia: Khu công nghệ giáo dục

- Khu công nghệ cao: Khu sản xuất tự động

- Khu đô thị Tam Đa: Khu phát triển phát triển công nghệ sinh thái

- Khu Rạch Chiếc: Khu trung tâm sức khỏe, thể thao

- Khu Trường Thọ: Khu dân cư cao cấp cao tầng.

 Thành phố Thủ Đức - Dự án chưa từng có tiền lệ và giấc mơ tăng gấp đôi thu nhập cho người dân Tp.Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Khu Rạch Chiếc. Ảnh: Sasaki - enCity

 Thành phố Thủ Đức - Dự án chưa từng có tiền lệ và giấc mơ tăng gấp đôi thu nhập cho người dân Tp.Hồ Chí Minh - Ảnh 3.

Khu công nghệ giáo dục. Ảnh: Sasaki - enCity

Nhưng ở tầm vóc của thành phố Thủ Đức, sẽ cần chú trọng quy hoạch nhiều khu vực trọng điểm khác. Từ nay đến cuối năm sau, cần phải bổ sung thêm để tạo ra bức tranh hoàn chỉnh hơn. Ví dụ các khu đô thị logistics gắn liền với cảng Cát Lái, với ga xe lửa Dĩ An-Sóng thần… và các đầu mối giao thông quan trọng.

Bên cạnh đó, khu đô thị tiềm năng như An Phú chưa thấy nhắc đến trong bản quy hoạch Khu Đông. Khu này đang phát triển tự phát và xem như khu dân cư cao cấp nhưng kẹt xe và ngập lụt. Khu này cần phải chỉnh trang lại. Tương lai khu này có thể kết nối với Thanh Đa, với quốc lộ 13 và có tiềm năng rất lớn.

Kế tiếp là khu công nghệ giáo dục, nếu chỉ tính Đại học Quốc gia thì chưa hoàn chỉnh.

Tôi nghĩ, nên nhìn nhận là khu đô thị đại học theo nghĩa rộng hơn. Nghĩa là không chỉ là Đại học Quốc gia mà còn kết nối với những đại học trong khu vực như Sư phạm Kỹ Thuật, Fulbright, chi nhánh đại học của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… kết nối với nhau và với khu dân cư lân cận, thành một cộng đồng dân cư tri thức với mấy trăm ngàn giảng viên, sinh viên, nhà nghiên cứu, nhân viên, dịch vụ.

Khu hiện hữu hiện giờ còn khá lộn xộn, giao thông còn kém. Ví dụ, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã quy hoạch khu kinh tế tài chính rất lớn, nhưng lại bỏ qua việc chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu dọc theo Lương Định Của.

Khu đó từ năm 2003 đến nay hạ tầng và kiến trúc vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể. Đây là thiếu sót lớn của quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, là điều không nên lặp lại khi lập các dự án phát triển về phía Đông.

TP. HCM có thể tham khảo mô hình vùng đô thị Paris của Pháp.

Vùng đô thị Paris của Pháp có quy mô dân số hơn 12 triệu dân, diện tích 17.000km2. Thủ đô Paris có diện tích không lớn, chỉ 105 km2 với dân số khoảng 2,3 triệu người. Nhưng ba tỉnh ráp ranh thuộc vùng đô thị Pari là Seine Saint Denis, Val de Marne và Hauts de Seine, mặc dù là độc lập nhưng phát triển theo hướng chỉ đạo chung của trung tâm thủ đô Paris.

Nếu làm tốt thì thành phố Thủ Đức phía Đông của TP. HCM tương lai sẽ giống với khu Hauts de Seine phía Tây của Paris, là nơi bao gồm khu trung tâm mới cao tầng La Défense với những cao ốc kinh tế - tài chính, hạ tầng hiện đại và thu hút dân cư trí thức có thu nhập cao. Còn khu trung tâm hiện hữu với bề dày lịch sử sẽ được bảo tồn và đẩy mạnh phát triển du lịch.

Nếu TP. HCM xây dựng được thành phố Thủ Đức thì trong tương lai, thu nhập của người dân thành phố có thể sẽ gấp đôi hiện tại và đóng góp ngân sách thành phố cho Trung ương cũng gấp đôi.

Người dân được hưởng lợi gì?

Thu hút dân đến thành phố Thủ Đức an cư lạc nghiệp là nhiệm vụ nhóm quy hoạch thành phố phải nghiên cứu để đệ trình cho Ủy ban nhân dân thành phố. Theo đó, phải điều tra nghiên cứu kinh tế xã hội và phải trả lời được câu hỏi: Phát triển như thế nào để người dân đến an cư, lạc nghiệp.

Nhiều đô thị đã gặp tình trạng xây thành phố xong người dân không đến ở hoặc người dân đến ở nhưng thực sự không sống ở đó, tức là người dân chỉ về đó ngủ.

"Người dân sẽ được hưởng lợi gì từ TP Thủ Đức" là câu hỏi mà lãnh đạo, những người khởi xướng dự án phải đặt lên hàng đầu. Nếu không cẩn thận, dự án phía Đông có thể dễ sa vào tình trạng chỉ làm lợi cho nhà đầu tư địa ốc, mà lại tăng gánh nặng cho ngân sách, không mang lại lợi ích cho người dân, như tiện ích đô thị, công ăn việc làm, môi trường sống, hạ tầng xã hội…

TPHCM cần quan tâm đến việc gắn kết trách nhiệm của nhà đầu tư. Nghĩa là nhà đầu tư không thể chỉ phát triển dự án nhà mà phải song song tạo ra hạ tầng xã hội, tiện ích phục vụ cho dân cư. Nhà nước trong vai trò là nhà điều phối để đảm bảo đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

Với vai trò nhà đầu tư, không có lợi họ sẽ không đầu tư. Nhà nước đứng ra điều phối lợi ích này, tránh việc để cho lợi ích đổ về một hướng nhà đầu tư mà không chia sẻ cho người dân, không đóng góp cho ngân sách. Những doanh nghiệp dịch vụ, thương mại thì được mức thuế ưu đãi. Những doanh nghiệp tạo công ăn việc làm sẽ có những chính sách.

Muốn phát triển giáo dục thì phải nâng cao đời sống của giáo viên và sinh viên để môi trường sống được thoải mái hơn. Phải giúp người dân địa phương được cải thiện đời sống. Đây là những người xứng đáng được hưởng nhất vì họ sống ở khu vực này lâu đời. Cuộc sống của họ phải được nâng cao hơn trước. Không để ngập nước, kẹt xe ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Điều tôi muốn nhấn mạnh, TP Thủ Đức đang muốn xây dựng thành phố công nghệ cao, tri thức cao thì cần dân cư có chất lượng cao, trình độ cao. Do đó phải tạo ra môi trường sống sao cho có thể thu hút được họ.

Một thành phố Thủ Đức mang đậm dấu ấn thế kỷ 21

Về mặt tiềm năng, đây là vùng đất có nhiều thuận lợi, có nhiều hạ tầng quan trọng, nhiều khu đất trống để phát triển dự án mà không khó khăn về đền bù, giải tỏa. Do đó, phát triển một thành phố mang đậm dấu ấn thế kỷ 21 với hạ tầng kỹ thuật tiên tiến và công trình hiện đại rất khả thi.

Để thực hiện được dự án xây dựng thành phố phía Đông văn minh hiện đại, đóng góp cho trên 1/3 GDP thành phố như lãnh đạo thành phố kỳ vọng, thì Tp HCM phải xây dựng được một chiến lược phát triển tốt, và tổ chức phân kỳ kế hoạch thực hiện các dự án với tính khả thi cao.

Đây là dự án dài hạn, không phải hoàn thành được trong 1 hay 2 nhiệm kỳ, mà có thể kéo dài 20 - 30 năm. Do đó cần có tư duy dài hạn, đặt ra các mục tiêu và kế hoạch thực hiện cho từng giai đoạn. Cần có kế hoạch dài hơn, tầm nhìn sâu rộng hơn. Không chỉ là quy hoạch kiến trúc mà là kinh tế, xã hội, môi trường, giao thông, hạ tầng…

Giữa ước mơ, hiện thực có làm được hay không phụ thuộc vào công tác chuẩn bị cho việc phát triển dự án này như thế nào, và sự kiên định tiếp nối thực hiện xuyên qua nhiều nhiệm kỳ. Thử thách trước mắt còn rất nhiều. Phải có sự chuẩn bị tốt để vượt qua các thử thách đó, thì ước mơ đó mới trở thành hiện thực được.

Đỗ Lan

Từ khóa:  thủ đức
Cùng chuyên mục
XEM