Thanh niên FA đang thay đổi nền kinh tế Hàn Quốc như thế nào?

06/06/2017 13:55 PM | Kinh tế vĩ mô

Các chuyên gia nêu ra 3 ngành được lợi nhất từ sự phát triển cực nhanh của kinh tế độc lập, đó là: cửa hàng tiện dụng, hàng điện tử dân dụng và ngành công nghiệp thú cưng.

Chaeseondang, một quán lẩu ở Trung tâm Thương mại Lotte, đông nghịt những vị khách "honbap" (đi ăn một mình) trong giờ ăn trưa.

Bí quyết thành công của quán này rất đơn giản: Phục vụ những người đi ăn một mình các món ăn vốn dành cho nhiều người hoặc một nhóm khách hàng đi cùng nhau.

Các quán bar cũng được tu sửa lại để hợp với các khách hàng "honsul" (đi uống một mình) và các rạp phim được thiết kế lại cho các khách hàng "honyeong" (đi xem một mình). Trong tiếng Hàn Quốc, tiền tố "hon" có nguồn gốc ở từ "honja", có nghĩa là "một mình".

Đặt trong bối cảnh người Hàn Quốc chuyên làm mọi việc theo nhóm, thì xu hướng mới này có vẻ rất lạ lẫm, và các nhà xã hội học cho rằng đó là hệ quả của việc các hộ gia đình một người tăng lên và chiếm đến 1/4 tổng số hộ gia đình ở Hàn Quốc ngày nay.

Những người làm mọi việc một mình có thể thấy ở khắp mọi nơi.

Một nhân viên văn phòng có họ là Chung đến một quán bar gần nhà mình ít nhất mỗi tuần một lần để uống rượu một mình. "Tôi có thể gọi bạn bè nhưng tôi thích đến đây một mình vì không phải nói chuyện với người khác và tìm cách nói chuyện cho hợp với tâm trạng của họ".

Chung nói rằng đôi khi anh cũng đến các quán karaoke một mình và hát hò thoải mái trong một giờ liền. "Ban đầu tôi cũng thấy ngượng nhưng tôi nhận ra là người ta chẳng chú ý mấy đến mình nhiều như tôi tưởng".

Những người độc thân trong độ tuổi 20 và 30 thường được trang bị các phương tiện và kiến thức kinh tế, họ sẵn sàng tiêu tiền để được hưởng thụ, và tạo ra một khái niệm mới là "solo economy" (tạm dịch: kinh tế độc lập), nhằm ám chỉ tầm ảnh hưởng của những người như họ đối với nền kinh tế.

Trong khi chi tiêu của các hộ gia đình chạm đáy vào lúc kinh tế suy thoái, thì tỉ lệ chi tiêu ở các hộ gia đình một người lại tăng đến 77,6% vào quý 2 năm 2016, tăng 3,3% so với một năm trước. Điều này có nghĩa là khi các hộ gia đình một người có 1 triệu won, họ sẽ tiêu đến 776 ngàn won trong đó. Mặt khác, các hộ gia đình có từ 2 người trở lên trung bình chỉ tiêu khoảng 70,9% thu nhập, mức thấp nhất kể từ năm 2003.

Theo giáo sư Kim Sang-hak của Đại học Hanyang thì, "Người trẻ thường cảm thấy sẽ là gánh nặng nếu làm phiền đến thời gian của người khác nếu họ thực hiện một số hoạt động cùng nhau, họ thậm chí còn tránh một số hoạt động tập thể".

Tuy nhiên hình thức kinh tế độc lập không chỉ giới hạn ở người trẻ. Theo nghiên cứu nội bộ của ngân hàng Shinhan, tỉ lệ "honbap" chiếm đến 7,3% số người đi ăn ngoài vào năm ngoái, gấp hơn 2 lần so với tỉ lệ 3,3% vào năm 2011. Tỉ lệ "honyeong" tại các rạp chiếu phim cũng tăng từ 191% lên 24,4% trong cùng khoảng thời gian nêu trên.

Theo độ tuổi, nam giới ngoài 20 tuổi đi ăn một mình chiếm tỉ lệ lớn nhất (31,9%), cho thấy hầu hết những người đi tìm việc đều có xu hướng ăn một mình. Tuy nhiên, với phụ nữ, tỉ lệ những người đi ăn một mình ở độ tuổi 40 và 50 trở lên lại tăng đáng kể từ 31,6% lên 40,6%, nghĩa là phụ nữ trung niên cũng gia nhập đội ngũ "honbap" với số lượng lớn. Đối tượng này trong số những người đi xem phim một mình cũng tăng lên 23,3% từ 19,4%.

"Ngoài các hộ gia đình một người, những người trung niên có kinh tế ổn định cũng tăng mức tiêu thụ văn hóa cho mình", Namkung Seol, người chỉ đạo nghiên cứu cho biết.

Các chuyên gia nêu ra 3 ngành được lợi nhất từ sự phát triển cực nhanh của kinh tế độc lập, đó là: cửa hàng tiện dụng, hàng điện tử dân dụng và ngành công nghiệp thú cưng.

"Từ bây giờ, cơm hộp ở các cửa hàng tiện dụng sẽ trở nên tốt hơn nhiều về chất lượng và đắt hơn trong khi các đồ gia dụng sẽ có kích thước nhỏ hơn nhưng tiện dụng hơn", các chuyên gia cho biết. "Ngành công nghiệp thú cưng cũng sẽ mở rộng đến một mức độ mà chó và mèo được những người độc thân hoặc giàu có nuôi nấng sẽ có cuộc sống còn xa hoa hơn nhiều so với con người ở những tầng đáy của xã hội".

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM