“Thanh – Minh: Để Thanh âm dẫn lối”: Khi “giọng nói” trở thành nguồn sáng vô hình, mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho người khiếm thị
Buổi workshop đã diễn ra với nhiều cảm xúc, tạo nên một trải nghiệm đáng nhớ cho người tham dự, khách mời. Dự án đồng thời cũng mở ra thêm những cơ hội nghề nghiệp cho người khiếm thị với “thanh âm” của mình.
Vừa qua, ngày 11/8/2024 tại Hà Nội, sự kiện “Workshop: Thanh – Minh: Để Thanh âm dẫn lối” do Unique Voice tổ chức với sự dẫn dắt của Founder, MC Xuân Quỳnh đã chính thức diễn ra, với mục đích giúp những người khiếm thị phát triển kỹ năng sử dụng giọng nói một cách truyền cảm và năng lực diễn đạt truyền cảm hứng, để từ đó phát triển bản thân, mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho chính họ. Đồng thời, giúp họ tự xây dựng nên các hoạt động hữu ích khác lan tỏa giá trị thiết thực cho cộng đồng bằng giọng nói bản sắc của mình, như Radio, Podcast, Audiobook, các dịch vụ đọc phóng sự, phim tài liệu, đọc “thư thanh”...
Tại workshop, nhân vật chính là 5 bạn trẻ, voice talent khiếm thị: Bạn Đỗ Thanh Tùng, Lê Thảo Nguyên, Nghiêm Vũ Thu Loan, Vũ Hải Anh, Đào Thùy Linh lan tỏa “thanh âm” của mình. Bên cạnh đó còn có các khách mời là những nhân vật có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực riêng, như MC, BTV Hồng Nhung - Đài THVN, MC/ BTV Vũ Trang - Đài THVN, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bảo Ngọc, MC Mai Anh, MC, Content Creator Phùng Việt Anh, Chị Đào Hương (người khiếm thị đầu tiên hiện đang công tác tại UNDP)...
Nói về khởi nguồn của dự án, chị Xuân Quỳnh chia sẻ: “ Khi thấm thía hơn về tính độc đáo, bản sắc và riêng có trong giọng nói của mỗi người cũng như ý nghĩa và sứ mệnh của giọng nói. Quỳnh tha thiết muốn mang lại điều gì thật sự có giá trị giúp mỗi người “Mượn giọng sửa mình, chọn THANH làm NHÂN”.
“Khi xây dựng các hoạt động với lý tưởng đó, Quỳnh vô tình được xem bộ phim “All the Light We Cannot See - Ánh sáng vô hình” chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Anthony Doerr, mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Quỳnh nhận thấy đây chính là giá trị, là sứ mệnh chân thực của tiếng nói. Khi nó có thể là nguồn sáng dẫn lối mỗi người, kết nối chúng ta đến gần với nhau, cùng dìu nhau qua ngày gian khó. Đây là điều mình có thể làm, thật sự tha thiết làm bằng cả tấm lòng, giúp cho những người bị mất đi ánh sáng nhưng họ hoàn toàn có thể dùng 1 thứ ánh sáng vô hình khác có sức mạnh không kém, chính là ánh sáng của Thanh Âm, sự truyền cảm, yêu thương và nâng đỡ của Tiếng Nói”, chị Quỳnh nói thêm.
Trong buổi workshop, 5 nhân vật chính lần lượt diễn đọc các trích đoạn của tiểu thuyết “Ánh sáng vô hình”, đan xen cùng phần dẫn truyện của Host Xuân Quỳnh. Với giọng đọc truyền cảm, các phần đọc truyện đã diễn ra trong không khí lắng đọng và cảm xúc, đưa các khách mời chìm vào không gian hình ảnh của câu chuyện. Các phần diễn đọc sẽ được thu âm lại và sau đó được in vào băng cassette tạo thành những hộp quà thanh âm và gửi đến người tham dự đã tham gia gây quỹ trực tiếp tại sự kiện.
Tham dự workshop, chị Đào Hương từ UNDP chia sẻ : “Cảm ơn Quỳnh đã tổ chức ra workshop để có thể giúp mình trả lời cho trăn trở: Người khiếm thị có cơ hội để có việc làm với giọng nói của mình không? Mình rất cảm động khi ý tưởng này đã thành hiện thực. Với thông điệp mà các bạn diễn đọc trong cuốn tiểu thuyết, quả thực giọng nói có sức mạnh to lớn… Buổi workshop này cũng chính là cơ hội để các em khiếm thị được thể hiện tài năng của mình và kết nối với cơ quan truyền thông biết đâu sẽ mở ra cơ hội việc làm cho các bạn…”
Là một voice talent khiếm thị cũng là nhân vật chính của workshop, bạn Đào Thùy Linh, hiện là bạn Đào Thùy Linhsinh viên năm II khoa truyền thông chuyên nghiệp đại học quốc tế RMIT Việt Nam, chủ nhiệm Mạng lưới Sinh viên Khiếm thị Việt Nam, đồng sáng lập câu lạc bộ Step (Hành động vì người khiếm thị) cho biết: “Với vai trò là chủ nhiệm của Mạng lưới Sinh viên, em thấy những sự kiện như workshop Thanh Minh đã đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng nói chung và cho người khiếm thị, đặc biệt là học sinh, sinh viên khiếm thị nói riêng. Với khoản quỹ mọi người trao tặng, Mạng lưới có thể tổ chức được những khóa học bổ ích, từ đó giúp trang bị những kỹ năng cho các bạn học sinh, sinh viên giúp các bạn có cơ hội tìm được việc làm phù hợp và làm giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp của các bạn sinh viên khiếm thị hiện nay”.
“Với những buổi workshop như vậy, người khiếm thị sẽ nhìn nhận được cơ hội việc làm của bản thân, mở ra một con đường sáng cho người khiếm thị. Khẳng định rằng người khiếm thị nếu được trao cơ hội thì hoàn toàn có thể trở thành những phát thanh viên, trở thành những voice talent… Và em tin rằng những sự kiện như như vậy sẽ truyền cảm hứng cho cộng đồng có một góc nhìn mới về khả năng của người khiếm thị. Từ đó, em mong rằng sẽ có nhiều thực nhiều những thanh âm trong trẻo của người khiếm thị được cất lên trong những sân khấu như vậy”, bạn Thùy Linh bày tỏ.
Bạn Vũ Thị Hải Anh, sinh viên năm 2 ngành Quan hệ Công chúng tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đang giữ vị trí Phó chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam, cũng là voice talent khiếm thị tham gia workshop. Hải Anh chia sẻ: “ Với mình, giọng nói và thanh âm chính là công cụ quan trọng giúp mình kết nối với thế giới và thể hiện bản thân. Tại workshop, mình đã được khám phá thêm về sức mạnh của giọng nói, không chỉ là một phương tiện giao tiếp, mà còn là công cụ để thể hiện cảm xúc và nội tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh mất đi khả năng nhìn, thanh âm trở thành ánh sáng dẫn đường, giúp mình vượt qua những bóng tối của cuộc sống. Thanh âm không chỉ là những âm thanh đơn thuần, mà còn là sự kết nối đầy mạnh mẽ giữa mình và thế giới”.
Hải Anh cho biết, những cơ hội được thể hiện “thanh âm” của mình có ý nghĩa rất lớn với bản thân. Hải Anh bày tỏ cảm xúc của mình: “Khiếm thị bẩm sinh, tôi đã từng nghe những lời nói tiêu cực, rằng không có trường nào sẽ đón nhận một người khiếm thị. Lúc đó, tôi chỉ là một đứa trẻ 5 tuổi, nhưng chính thanh âm đã hồi sinh tôi. Đó là tiếng nói của phát thanh viên trên làn sóng radio, là tiếng mẹ đọc bài, những âm thanh đã giúp tôi vượt qua nỗi đau và hoài nghi. Thanh âm đã trở thành ánh sáng đẹp đẽ nhất, giúp tôi tự tin đập tan những định kiến của cộng đồng và khẳng định giá trị của bản thân. Workshop Thanh - Minh là nơi giúp mình nhận diện rõ hơn về sức mạnh của giọng nói, giúp mình không chỉ thấy được bản thân mà còn làm cho mọi người thấy được khả năng của những người khiếm thị”.
Buổi workshop đã diễn ra với nhiều cảm xúc, thanh âm giọng nói của các bạn khiếm thị vang lên truyền cảm, kết hợp hài hòa với không gian lắng đọng đã tạo ra một trải nghiệm đáng nhớ cho người tham dự, khách mời. Dự án đồng thời cũng mở ra thêm những cơ hội nghề nghiệp cho người khiếm thị với “thanh âm” của mình.