Thanh khoản ngân hàng: Vẫn “ăn ngon, ngủ tốt”

26/03/2016 09:03 AM | Kinh tế vĩ mô

Thanh khoản của hệ thống NH được các chuyên gia đánh giá vẫn duy trì ổn định.

Việc lãi suất liên NH tăng liên tiếp trong ba tuần cuối tháng 2, đầu tháng 3 cộng với động thái các NHTM tăng lãi suất huy động đã khiến thị trường nghi ngại về khả năng thanh khoản của một số NH. Tuy nhiên, đến tuần từ 14 - 18/3 lãi suất liên NH đã giảm nhẹ. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm đã giảm 0,45% về mức 4,1%/năm; kỳ hạn một tuần giảm 0,26% về mức 4,39%/năm; và kỳ hạn hai tuần giảm 0,26% về mức 4,51%/năm.

Theo chia sẻ của một chuyên gia kinh tế, thị trường liên NH được xem là cơ sở để các TCTD xác định lãi suất cũng như triển khai thực hiện các nghiệp vụ phái sinh nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình. Việc lãi suất thị trường liên NH trung tuần tháng 3/2016 giảm nhẹ hơn so với trước phần nào cho thấy thanh khoản của hệ thống NH vẫn được duy trì tương đối ổn định.

Bên cạnh đó, thông tin việc Fed quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất đã làm giảm áp lực lên tỷ giá, củng cố thêm cho sự ổn định của thị trường tài chính trong nước.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là sau khi NHNN đưa ra Dự thảo sửa đổi Thông tư 36, thị trường ngày càng trở nên “nhạy cảm” hơn.

Chuyện tăng - giảm của lãi suất liên NH cộng với động thái tăng lãi suất huy động của các NHTM đã khiến các nhà đầu tư trở nên cảnh giác. Nhất là khi việc tăng lãi suất huy động đã bắt đầu lan sang cả các NHTM nhà nước. Và mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường được một NHTMCP nhỏ niêm yết là 8,38%/năm. Dù có nhiều NHTM tăng lãi suất huy động nhưng cụ thể mặt bằng lãi suất chung tăng chưa nhiều.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,5 - 5,4%/năm, thấp hơn trần cho phép của NHNN (6%/năm).

Các NH chủ yếu tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn trên 12 tháng. Song, để hưởng lãi suất cao khách hàng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Vì thế, có thể thấy mức lãi suất cao mà nhiều NHTM đưa ra chủ yếu mang tính… quảng cáo. Như vậy, NH không thực sự thiếu vốn đến mức phải tăng mạnh lãi suất huy động.

Cùng với việc giảm lãi suất liên NH, sự an tâm về thanh khoản của hệ thống NH còn từ động thái hút ròng của NHNN trên thị trường mở (OMO). Thông qua kênh này, trong tuần từ 14 - 18/3, đã có 369 tỷ đồng được rót vào, trong khi vốn đáo hạn là 1.298 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đã hút ròng 929 tỷ đồng qua OMO.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định: Động thái hút ròng của NHNN kết hợp với xu hướng giảm trở lại của lãi suất liên ngân hàng cho thấy trạng thái thanh khoản của các ngân hàng đã bớt căng thẳng so với tuần trước đó.

Theo dự báo, thị trường OMO sẽ diễn biến ổn định với giá trị bơm/hút ròng vốn không quá lớn. Thanh khoản của hệ thống NH được các chuyên gia đánh giá vẫn duy trì ổn định.

Đơn cử, theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, tháng 3/2016, huy động vốn của các TCTD trên địa bàn đã tăng 0,5% so với cuối năm 2015 và tăng 1,2% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng của các TCTD tăng 1,2% so với cuối năm 2015; tăng 1,2% so với cùng kỳ. Nhu cầu vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản được đáp ứng, thanh khoản của hệ thống NHTM không có quá nhiều lo lắng.

Trước đó, chia sẻ xung quanh việc lãi suất huy động VND được NHTM đồng loạt tăng trên thị trường, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đã khẳng định rằng, đây không phải là xu hướng. Và NHNN luôn điều hành lãi suất thị trường II (thị trường liên NH) phù hợp với tương quan lãi suất thị trường I (thị trường các NHTM huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân) để neo giữ thanh khoản cho các TCTD.

Qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD, không gây áp lực lên tỷ giá. Cũng thông qua nghiệp vụ OMO, chắc chắn NHNN sẽ tiếp tục sử dụng một cách hài hoà, điều tiết dòng tiền hợp lý cùng với các công cụ điều hành CSTT khác để duy trì thanh khoản ổn định, hỗ trợ cho các TCTD có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế.

Theo Khuê Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM