Thành Cát Tư Hãn - “huyền thoại” vĩ đại Mông Cổ: Tuổi thơ dữ dội, suốt đời sống trên lưng ngựa và những bài học lãnh đạo “đắt giá đến muôn đời”
Nổi tiếng bởi sự tàn bạo với đối thủ, tuy nhiên, khi cai trị đất nước, Thành Cát Tư Hãn luôn khoan dung với tôn giáo, rất trọng người tài và có những tư tưởng vô cùng tiến bộ trong thời buổi bấy giờ.
Thành Cát Tư Hãn là một Khả Hãn Mông Cổ. Ông là nhà quân sự lỗi lạc và quan trọng của lịch sử thế giới. Ông được người Mông Cổ dành cho sự tôn trọng cao nhất, là vị lãnh đạo đã kết thúc hàng thế kỷ các cuộc giao tranh, mang lại sự thống nhất cho các bộ lạc ở vùng Đông Bắc Á năm 1206.
Từ điển bách khoa toàn thư Encarta đã viết về ông: "Sự vĩ đại của Thành Cát Tư Hãn không chỉ thể hiện ở chỗ ông là nhà lãnh đạo quân đội tài ba mà còn ở việc tổ chức, kỉ luật và sự nỗ lực tuyệt vời của quân đội".
Tuổi thơ dữ dội
Thành Cát Tư Hãn suốt đời sống trên lưng ngựa, rong ruổi qua biết bao nhiêu trận chiến, nhưng cuộc đời ông cũng có những nốt trầm rung động.
Từ tấm bé, Thành Cát đã bị buộc phải đấu tranh sinh tồn một cách khắc nghiệt trên thảo nguyên Mông Cổ. Cha của ông đã bị các đối thủ Tatar đầu độc khi ông lên 9. Bộ lạc của ông sau đó đã đuổi gia đình của ông đi và khiến cho mẹ ông phải một thân một mình nuôi 7 đứa con.
Lớn lên, Thành Cát Tư Hãn phải đi săn bắn và hái lượm để kiếm ăn. Đến tuổi vị thành niên, ông có lẽ còn phải sát hại cả một người anh em cùng mẹ khác cha trong một vụ tranh giành miếng ăn.
Thời thanh niên, các bộ tộc đối thủ thậm chí còn bắt cóc ông và người vợ trẻ của ông. Thành Cát sau đó phải sống như nô lệ trước khi thực hiện một cuộc đào tẩu táo bạo.
Bất chấp những khó khăn thuở đầu, ở độ tuổi trên 20, ông đã khẳng định được vị thế của mình là một chiến binh và thủ lĩnh đáng gờm.
Sau khi tập hợp được một đội quân những người ủng hộ, Thành Cát bắt đầu xây dựng liên minh với người đứng đầu các bộ lạc quan trọng. Vào năm 1206, ông đã củng cố thành công các liên minh thảo nguyên dưới ngọn cờ Thành Cát.
Và từ đó, ông không còn mang tên là Thiết Mộc Chân (Temujin) như ban đầu được đặt mà chuyển sang cái tên quen thuộc Thành Cát Tư Hãn. Đồng thời, ông được phong làm lãnh đạo của người Mông Cổ tại một cuộc họp bộ lạc có tên là "kurultai".
Bài học lãnh đạo quan trọng từ ngàn đời
Tất cả là nhờ trí thông minh, khả năng lãnh đạo, những bài học và chiến thuật của vị thủ lĩnh này cho đến ngàn đời sau vẫn đáng để chúng ta học tập.
Mọi thứ phải trong tầm kiểm soát
Thành Cát Tư Hãn luôn tin rằng một lãnh đạo chỉ có thể phát huy năng lực tốt nhất nếu tránh được những cạm bẫy "ẩn mình" đằng sau của sự thành công. Ông từng trò chuyện cùng "hậu duệ" của mình rằng: "Ta ghét sự xa hoa. Khi anh có những bộ quần áo đắt tiền, những con ngựa tốt hay phụ nữ xinh đẹp, không phải anh đang sở hữu chúng mà đang trở thành nô lệ của chúng. Hãy tạo cho mình thói quen tiết chế cảm xúc mỗi khi đạt được thành công hay có nhiều của cải. Tập duy trì một lối sống "nhà nghèo", tập trung vào những mục đích to lớn đặt ra trước mặt nếu không anh chắc chắn sẽ mất tất cả".
Nhiều vị nhà lãnh đạo nổi tiếng ngày nay như Mark Zuckerberg, Warren Buffett... cũng học tập theo lối suy nghĩ này. Họ luôn đã được giới báo chí ca ngợi về lối sống đơn giản đến mức tối giản, kiểm soát mọi thứ liên quan đến sự giàu có của họ. Đối với Warren Buffett - Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway, ông trùm kinh doanh Mỹ sống tiết kiệm và hào phóng làm từ thiện. Warren không cho rằng mình là người thanh đạm mà chỉ là người có nhu cầu đơn giản và tìm hạnh phúc từ những điều đơn giản. Ông nói: "Tôi có những niềm vui đơn giản như chơi game trực tuyến 12 giờ mỗi tuần với người bạn thân thiết".
Học hỏi không ngừng để thay đổi mọi thứ
Không một ai sinh ra đã là thiên tài, có tất cả các kỹ năng cần thiết để chiến thắng. Thành Cát Tư Hãn đạt được thành công là bởi cả một quá trình dài học tập, thích nghi với thực tế, sống kỷ luật và có ý chí mạnh mẽ.
Học hỏi không ngừng các chiến thuật quân sự, tham khảo những cuộc chiến vang dội từ trước, tập trung phát triển trí tuệ và học các kỹ năng thực tế như gây ảnh hưởng, truyền cảm hứng, ngoại giao và xây dựng chiến thuật. Thành Cát Tư Hãn đã biến những việc làm này thành thói quen hàng ngày và thực hiện theo quy củ, nghiêm ngặt.
Ông nói: "Một nhà lãnh đạo có tầm nhìn sẽ không bao giờ lãng quên đi sự dạy dỗ của các bậc tiền bối. Nói cách khác, chúng ta học tốt nhất và chùn bước ít hơn khi tích cực noi gương các bậc thầy, cố vấn thay vì cố gắng tự mình tìm ra tất cả".
Nhờ vậy, ông đã tạo ra một trong các hệ thống thư tín quốc tế đầu tiên.
Cùng với cung tên và ngựa, vũ khí mạnh nhất của Mông Cổ có thể là mạng lưới liên lạc rộng khắp của họ. Một trong các sắc lệnh sớm nhất của Đại Hãn là về việc hình thành một dịch vụ đưa tin bằng ngựa, có tên gọi là "Yam".
Dịch vụ này bao gồm một chuỗi các chú ngựa và trạm bưu chính được tổ chức chặt chẽ trải rộng trong đế chế Mông Cổ. Những người cưỡi ngựa này có thể đi xa tới 322km mỗi ngày. Hệ thống nói trên cho phép chuyển hàng hóa và thông tin với tốc độ nhanh chưa từng có tiền lệ. Ngoài ra, hệ thống đó còn đóng vai trò tai mắt cho Đại Hãn.
Nhờ có Yam, Thành Cát Tư Hãn có thể dễ dàng theo kịp với các diễn biến quân sự - chính trị và duy trì liên lạc với mạng lưới gián điệp và do thám. Yam cũng có vai trò bảo vệ các quan chức và nhà buôn nước ngoài trong quá trình đi lại.
Chịu trách nhiệm trước mọi quyết định
Mặc dù các nhà lãnh đạo nên cố gắng hết sức để tìm kiếm và xem xét các quan điểm khác nhau nhưng khi đưa ra quyết định, trách nhiệm chỉ thuộc về một người, đó chính là "đầu tàu".
Thành Cát Tư Hãn khuyên rằng: "Không có người bạn nào tốt hơn chính bạn, không ai đáng tin cậy hơn chính bạn. Một khi bạn đưa ra quyết định, bạn phải chịu trách nhiệm và kiểm soát nó". Ông nhấn mạnh thêm rằng mỗi người đều có quan điểm khác nhau và mọi quyết định được đưa ra phải phù hợp với địa điểm và tình huống.
Chịu trách nhiệm cho kết quả của quyết định đó cũng rất quan trọng. Lãnh đạo có khả năng tốt sẽ không có lời bào chữa hoặc đổ lỗi. Các thủ lĩnh nên hiểu rằng chịu trách nhiệm sẽ tạo ra sự khác biệt.