Thảm kịch của nhân viên ngân hàng phố Wall: Tiền là thứ duy nhất tốt đẹp, mọi điều khác đều tồi tệ!
Niềm hăng hái ban đầu khi trở thành nhân viên ngân hàng Goldman Sachs đã bị chôn vùi giữa đống công việc chồng chất, nhiều giờ làm việc căng thẳng kéo dài và những ông chủ không khoan nhượng.
Uống một chút bia sau giờ làm vào một buổi tối mùa xuân, hai nhân viên trẻ tuổi của ngân hàng Goldman Sachs bắt đầu luyên thuyên xem cách nào tốt nhất để tự giết chết chính bản thân họ.
"Nếu mục tiêu là làm thế nào gây tổn hại đến tâm lý nhất, tôi nghĩ chỉ cần đến bàn làm việc của anh và tự bắn một phát vào chính giữa đầu vào giữa ngày", Jeremy Miller-Reed - 23 tuổi nói.
"Uh. Rồi cậu biết chuyện gì sẽ xảy ra không? Tất cả những chuyên gia phân tích khác sẽ nhận được một email từ các phòng ban nói rằng: Liệu ai đó có thể dọn dẹp chỗ này không? Và sau đó mọi người sẽ quay trở lại làm việc bình thường".
Jeremy và Samson - tên nhân vật đã được thay đổi đang là nhân viên phân tích năm nhất tại ngân hàng Goldman. Họ đều tốt nghiệp từ những trường đại học Ivy từ gần một năm trước, mặt non choẹt và đầy ý tưởng. Jeremy tham gia mảng hàng hoá, còn Samson gia nhập vào mảng tín dụng của ngân hàng.
Họ trở thành bạn tốt kể từ kỳ thực tập hè năm trước. Ban đầu cả hai đều rất thích thú khi trở thành nhân viên của một trong những ngân hàng hàng đầu, được làm việc và kiếm tiền. Tuy nhiên thật nhanh chóng sau đó, sự hăng hái đã bị chôn vùi giữa đống công việc chồng chất, nhiều giờ làm việc căng thẳng kéo dài và những ông chủ không khoan nhượng. Trong những giây phút trống vắng, họ thậm chí gọi trụ sở của Goldman là "Azkaban" - nhân vật giám ngục nguy hiểm, không có tình cảm và cảm xúc chuyên đi hút linh hồn con người xuất hiện trong truyện Harry Potter.
Qua nhiều năm nghiên cứu, phóng viên tờ The Atlantic đã kết luận rằng những công việc như của Jeremy và Samson được trả lương cực kỳ cao trong năm đầu, từ 90.000 USD - 140.000 USD bao gồm cả thưởng cuối năm. Với mức lương đó, nhiều người cho rằng những người này sẽ có cuộc sống tốt. Tuy nhiên sau 3 năm nghiên cứu, những người này đã tự thú nhận cuộc sống bị trầm cảm, gặp nhiều vấn đề về sức khoẻ, muốn bỏ việc và phàn nàn rằng làm việc trong lĩnh vực tài chính đã cướp đi hầu hết những thú vui trong cuộc sống thường ngày của họ.
Vậy vì sao có nhiều nhân viên ngân hàng trẻ khốn khổ đến vậy? Sau khi giành thời gian nghiên cứu trực tiếp tại các công ty của nhóm 8 nhân viên ngân hàng, phóng viên tờ The Atlantic đã tìm ra ít nhất 3 yếu tố giải thích về vấn nạn này.
Thời gian
Phố Wall nổi tiếng là nơi vắt kiệt sức lực của nhân viên suốt nhiều giờ liền. Một nhân viên ngân hàng thậm chí còn chia sẻ họ bị gọi là "banker 9 to 5" - ám chỉ những người phải làm việc từ 9 giờ sáng tới 5 giờ sáng ngày hôm sau. Điểm đặc thù mà các nhân viên ngân hàng phải chịu đựng là công việc có thể đến vào bất kỳ lúc nào, không được thông báo trước và yêu cầu sự giải quyết ngay lập tức. Nếu khách hàng cần bài thuyết trình vào 4 giờ sáng của ngày Lễ Giáng sinh, một nhân viên bình thường chắc chắn sẽ phải thức dậy và chạy tới văn phòng luôn và ngay.
Điều này có nghĩa là các nhân viên ngân hàng trẻ tuổi phải sống trong mối lo âu bất diệt và những kế hoạch lập ra từ trước trở thành bất khả thi. Bạn trai, bạn gái thì buồn rầu về những kế hoạch ăn tối bị huỷ bỏ, bạn bè bình thường và các thành viên trong gia đình thì trở nên xa lánh bởi có quá ít thời gian gặp gỡ. Công việc không thể đoán trước được kết hợp với những giờ làm việc mệt mỏi kéo dài gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Trong một nghiên cứu gần đây về những nhân viên ngân hàng trẻ của Giáo sư Alexandra Michel tới từ Đại học kinh doanh Southern California nói rằng:
Trong 1 - 3 năm đầu, các nhân viên ngân hàng để mặc những bộ phận cơ thể mình như những vật thể để trí óc kiểm soát. Họ làm việc nhiều giờ, bỏ bê gia đình và những thú vui riêng và buộc cơ thể làm việc hết mình chỉ nhằm nâng cao năng suất làm việc. Họ bỏ bê nhu cầu về những giấc ngủ kéo dài, chỉ chợp mắt lúc 11 giờ đêm và lại như vậy vào 1, 3 và 4 giờ sáng. Khi tôi hỏi: Liệu anh, chị có lo lắng việc đó sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ không? Hầu hết trả lời rằng: Trong vài năm tới đây, công việc là ưu tiên số một. Tôi sẽ lo cho sức khoẻ sau. Còn đối với câu hỏi: Vậy nếu nó mang đến những tàn phá khủng khiếp không thể thay đổi được thì sao? Nhiều người nói: Tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Gần đây, các ngân hàng phố Wall đã cố gắng thúc đẩy tinh thần các nhân viên trẻ. Nhiều nhà băng để nhân viên có kỳ nghỉ cuối tuần trọn vẹn. Tuy nhiên, liệu quy định mới có thể khiến công việc quá tải giảm bớt đi hay nó càng khiến những ngày làm việc trong tuần trở nên khốn khổ hơn?
Tiền bạc
Tất cả những sinh viên tham gia vào ngành công nghiệp tài chính sau khủng hoảng 2008 đều chứng kiến mọi thứ rất khác so với tưởng tưởng hồi đi học của họ. Hàng nghìn nhân viên ngân hàng bị sa thải, các nhà băng phải thu hẹp phạm vi lĩnh vực hoạt động còn lương dù vẫn được xem là "khá" so với các lĩnh vực khác nhưng thực ra số tiền các nhân viên ngân hàng nhận được thấp hơn so với thời kỳ trước khủng hoảng.
Đối với các nhân viên ngân hàng trẻ tuổi ở phố Wall - những người luôn tự động viên bản thân vượt qua mọi khó khăn để mong chờ khoản thưởng cuối năm thì mọi sự rất đáng thất vọng.
Nếu như trước đây, một nhân viên ngân hàng trẻ nếu làm tốt sẽ kiếm được nhiều tiền hơn qua mỗi năm và cuối cùng có thể trở thành triệu phú - trước sinh nhật tuổi 30. Thì kể từ sau năm 2008, con đường trải đầy hoa hồng này bắt đầu mờ mịt hơn. Những quy định mới được ban hành nhằm tránh một cuộc khủng hoảng tài chính khác xảy đến khiến lợi nhuận các nhà băng sụt giảm và thị trường khó khăn có nghĩa là những nhân viên ngân hàng trẻ tuổi - những người trước đây miễn nhiễm với việc bị sa thải mặc cho suy thoái thì hiện tại việc này có nguy cơ xảy ra cao hơn bao giờ hết.
Một nhân viên phân tích của Goldman Sach giải thích ảnh hưởng của việc sa thải và cắt giảm chi phí từ sau khủng hoảng như sau: "Bạn luôn làm việc trong tâm thế lo sợ không ngót. Ban đầu bước vào công ty tưởng là một bức tường thành vững chắc chống mọi khó khăn, bạn có vô số lựa chọn. Rồi đột ngột, bạn chẳng còn lựa chọn nào cả, lương thì không nhiều như bạn nghĩ và nhiều khả năng bạn có thể bị sa thải".
Dĩ nhiên kể từ sau khủng hoảng thị trường đã dần hồi phục. Nhiều công ty ở phố Wall đã có lợi nhuận trở lại. Tuy nhiên những ngân viên ngân hàng trẻ tuổi vẫn chưa thể tìm lại được cảm giác an toàn. Có lẽ sẽ phải mất một thời gian nữa.
Mục đích làm việc
Nghe có vẻ lạ nhưng nhiều người tới phố Wall với tham vọng tạo lập nên một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là một phần lỗi ở nhà tuyển dụng - những người đã tiêm nhiễm vào đầu những sinh viên mới ra trường với lời hứa về "trách nhiệm với thế giới thực" và sự huênh hoang về những khoản đầu tư có trách nhiệm xã hội.
Ngoài ra, cũng phải thừa nhận rằng đây là suy nghĩ mơ mộng của nhiều "tân binh". Jeremy là một ví dụ. Anh này tới Goldman với suy nghĩ rằng công việc ở mảng giao dịch hàng hoá phái sinh có thể khiến thế giới nhỏ bé này trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên bỗng một ngày, sếp của Jeremy kéo anh ta sang một bên và nói rằng: "Không ai đang cứu thế giới cả. Chúng ta tồn tại ở đây là để kiếm tiền".
Nhà kinh tế người Anh Roger Bootle đã viết về sự khác nhau giữa công việc "sáng tạo" và "phân chia". Công việc sáng tạo theo Bootle là làm việc mang lại những thứ mới mẻ cho thế giới, có ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Còn công việc phân chia lại chỉ liên quan tới khả năng đánh bại đối thủ và giành chiến thắng một phần lớn thị phần. Bootle giải thích rằng dù nhiều công việc trong xã hội hiện đại mang hướng "phân chia" nhưng có một thực tế là các nhân viên sẽ có cảm giác hạnh phúc hơn về mặt xã hội khi làm những công việc "sáng tạo".
"Có một vài người thích thú khi biết rằng công việc họ đang làm là để khiến một ai đó thua cuộc nhưng hầu hết mọi người không như vậy. Đa phần thích có cảm giác về giá trị tới từ niềm tin rằng họ đang đóng góp cho xã hội".
Rất nhiều nhân viên ngân hàng trẻ tuổi cũng có chung suy nghĩ này. Họ muốn làm gì đó, tạo ra gì đó và thêm thứ gì đó cho thế giới thay vì chỉ đơn thuần phục vụ cho những ngân hàng đầu tư lớn với mức lương hậu hĩnh. Thật may mắn là những công việc sáng tạo còn rất nhiều, tại những công ty công nghệ ở thung lũng Silicon chẳng hạn. Chúng được cho là hấp dẫn và dễ chấp nhận về mặt xã hội hơn là các công việc ở phố Wall - nơi vẫn còn mang dấu ấn nặng nề của các cuộc khủng hoảng tài chính. Hiện tại, Jeremy thậm chí nói rằng không muốn công khai mình là một nhân viên Goldman Sachs.
"Tôi luôn nói dối khi đi ra ngoài. Khi thì tôi nói mình là một chuyên gia tư vấn, một luật sư hay bất kỳ nghề nào ngoại trừ việc thừa nhận mình là người phố Wall".