"Thấm đòn" Covid-19, nhiều doanh nghiệp thủy sản sẽ không thể trụ nổi
Hiện nay chỉ có 30-50% tỷ lệ các đơn hàng vẫn tiến hành giao cho khách đúng tiến độ, trong khi đó tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng là 20-40%, yêu cầu hủy là 20-30%.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp hội viên của VASEP, do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn hai tuần đầu tháng 3/2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều doanh nghiệp đưa ra nhận định rằng, tháng 1/2020 mới là thời điểm bắt đầu cho giai đoạn ách tắc trong hoạt động thương mại thủy sản. Từ tháng 3 này khi dịch bệnh tăng tốc và lan tỏa ở mức độ chóng mặt sẽ kéo theo những hệ quả nặng nề ngày càng trầm trọng hơn.
Trước tình hình này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) để hiểu rõ tác động của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động của các doanh nghiệp và ngành thủy sản.
Ảnh minh họa.
PV: Dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như hoạt động tiêu thụ, giá cả nhiều ngành, trong đó có ngành thủy sản. Phía Hiệp hội đánh giá dịch Covid-19 sẽ tác động như thế nào đến ngành thủy sản trong thời gian tới thưa ông?
Ông Trương Đình Hoè: Dịch covid-19 đã lây lan và ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nó đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và nền kinh tế thế giới. Đặc biệt dịch đã bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ,… đây là cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Vì vậy ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã bị những ảnh hưởng rõ rệt, ước tính xuất khẩu thủy sản riêng trong tháng 3/2020 chỉ đạt 549 triệu USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ, trong đó tại các thị trường trọng điểm đều giảm mạnh, lần lượt là: Châu Âu giảm sâu nhất (-40%), Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24% và Nhật Bản giảm 19%, riêng tại thị trường Mỹ do dịch Covid-19 bùng phát trễ hơn các thị trường khác nên kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm tương đối nhẹ hơn -8,6% và tạm thời các sản phẩm thủy sản Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ.
Tuy nhiên với diễn biến dịch bệnh còn đang phức tạp tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, do vậy trong vài tháng tới đây tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm. Doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng xuất khẩu sụt giảm, bị hoãn hoặc hủy các đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán không thuận lợi, sẽ có nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ) sẽ không thể trụ nổi.
PV: Dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu xuất khẩu ngành thủy sản năm nay thưa ông?
Ông Trương Đình Hoè: Như đã nói, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục sụt giảm. Do đó với kế hoạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD trong năm 2020 cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp, hiện nay chỉ có 30-50% tỷ lệ các đơn hàng vẫn tiến hành giao cho khách đúng tiến độ, trong đó tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng là 20-40%, yêu cầu hủy là 20-30%, và các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng thường là: Trung Quốc, Châu Âu và Hàn Quốc.,.. Đặc biệt tại thị trường EU chủ yếu các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy, sản phẩm cá tra ít bị ảnh hưởng một phần do giá cả rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị.
PV: Để giảm bớt những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, phía Hiệp hội có khuyến cáo gì với doanh nghiệp hay không?
Ông Trương Đình Hoè: Những tác động bởi dịch Covid-19 đối với tình hình xuất khẩu thủy sản là không thể tránh khỏi và các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu tình hình dịch bệnh không thể được kiểm soát tốt. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay các doanh nghiệp hoàn toàn bị động, cách tốt nhất là doanh nghiệp phải tự tổ chức lại (từ kế hoạch sản xuất, lao động, thị trường xuất khẩu…) để giảm chi phí và tiếp tục hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, cố gắng duy trì các hoạt động sản xuất của nhà máy nhằm tiếp tục đáp ứng các đơn hàng đúng theo tiến độ.
Phía VASEP vẫn thường xuyên tập hợp ý kiến doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc do ảnh hưởng của Covid-19 để có thể đề xuất lên Chính phủ những giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này.
PV: Ông dự báo bức tranh của ngành thủy sản năm nay thế nào: Về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, về tình hình sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ trong nước?
Ông Trương Đình Hoè: Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát tốt tại các nước lớn cũng là thị trường lớn của xuất khẩu thủy sản thì trong năm 2020 dự đoán tất cả các ngành nghề không lạc quan cho lắm, trong đó có ngành thủy sản. Dù cho dịch bệnh có thể được kiểm soát tốt trong cuối quý II/2020 thì các thị trường cũng cần có thời gian để hồi phục trở lại. Người dân cũng cần phải ổn định lại đời sống của họ, mặc dù nói thực phẩm là cần thiết nhưng lúc này người tiêu dùng sẽ cân nhắc hơn và những sản phẩm giá rẻ sẽ có cơ hội mở rộng thị phần tiêu thụ.
Nhìn chung trong năm 2020 này, các doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động sản xuất và xuất khẩu cầm chừng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó khăn hơn nếu dịch bệnh còn kéo dài thêm vài tháng nữa. Đối với thị trường nội địa cũng không dễ dàng khi có rất nhiều doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động duy trì, tình trạng công nhân bị mất việc, giảm lương,…do đó tình hình tiêu dùng trong nước cũng sẽ sụt giảm đáng kể.
Với hy vọng đến cuối quý II/2020 toàn thế giới có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, không còn lây lan, để các thị trường có thời gian hồi phục trở lại và hy vọng ngành thủy sản Việt Nam có thể dần khôi phục trở lại vào những tháng cuối năm.