Thảm cảnh 300.000 nạn nhân khốn khổ nhất vì Covid-19 ở Singapore
Các nhà hàng và trung tâm mua sắm ở đảo quốc sư tử đang nhộn nhịp trở lại, cuộc sống dần từng bước trở về điểm trước dịch ở Singapore nhưng vẫn có 300.000 người bị bỏ lại phía sau.
Họ là những công nhân nhập cư, những người nghèo khổ nhất tại Đảo quốc sư tử. Họ chiếm phần đông trong số những lao động được trả lương thấp nhất tại Singapore. Kể từ tháng 4, họ đã không thể rời khỏi nhà ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ vì công việc.
Sau một chiến dịch xét nghiệm và cách ly quy mô lớn, Chính phủ Singapore đã dọn dẹp sạch sẽ ký túc xá, nơi ở của hầu hết những người lao động này, cho phép họ rời đi để thực hiện "một số việc cần thiết", chẳng hạn như hầu tòa hoặc gặp bác sĩ.
Tháng trước, Chính phủ Singapore cho biết họ đang nỗ lực nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội với người lao động. Tuy nhiên, kế hoạch đó hiện đang bị đe dọa với một đợt dịch mới xuất hiện trong các ký túc xá của lao động nhập cư. Ở trong đó, những công nhân tới từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và các nơi khác phải chia sẻ cuộc sống trong những không gian chật hẹp, yếu tố hoàn hảo cho Covid-19 lây lan.
Mohd Al Imran, một công nhân người Bangladesh làm việc cho một công ty kỹ thuật ở Singapore, mô tả: "Có những ngày tôi cảm thấy rất buồn như thể không thể chịu nổi. Ở ký túc xá, bạn không thể bước ra khỏi phòng của mình. Người ta coi chúng như một nhà tù vậy".
Sau nhiều tháng mắc kẹt trong chính căn phòng của mình, Imran được xác định mắc Covid-19. Anh ta được đưa tới một cơ sở chăm sóc y tế cho những người nhiễm bệnh và nói rằng mình rất tự do so với thời gian bị giãn cách xã hội trước đó.
Singapore cho biết họ đang thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn Covid-19, nhất là khi 95% số ca nhiễm ở quốc gia này là các lao động nhập cư. Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội đối với cả các khu ký túc không có người mắc Covid-19 đang làm dấy lên những câu hỏi về sự phân biệt đối xử của Singapore với lực lượng lao động nhập cư.
Peter Collignon, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm kiêm giáo sư tại Trường Y Đại học Quốc gia Australia, cho biết: "Nếu bạn đặt những người yếu thế trong những khu nhà đông đúc, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 có thể cao hơn". Ông Collignon cũng nói rằng việc đối xử khác với những nhóm có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao hơn là "không phù hợp".
Trong khi đó, các chuyên gia nói rằng việc cách ly, phong tỏa các khu vực cụ thể để ngăn dịch bệnh lây lan là hợp lý nhưng điều kiện trong các ký túc xá là hoàn hảo để dịch bệnh có thể lây lan. Hệ thống thông gió chập chờn cùng việc sử dụng chung các phòng tắm là điều khiến virus có thể lây lan dễ dàng giữa người này với người khác.
"Tiêu chuẩn của Chính phủ Singapore hiện nay quy định không gian cá nhân tối thiểu của một người tương đương 1/3 diện tích của một chỗ đỗ xe nhưng nó luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh", Giáo sư Raina Macintyre, chuyên gia về an toàn sinh học toàn cầu tại Đại học New South Wales, Australia, cho biết.
Thực tế, người nghèo và người yếu thế trên khắp thế giới đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của đại dịch toàn cầu, làm nổi bật những bất bình đẳng về kinh tế và xã hội, vốn đã tồn tại rất lâu trước khi đại dịch bùng phát. Ngay kể cả ở những thời điểm tốt nhất, lao động nhập cư ở Singapore cũng phải sống trong các điều kiện tồi tệ hơn rất nhiều so với công dân hay những người lao động "cổ cồn trắng".
Với việc số người sống trong các ký túc xá ngày càng lớn, tình trạng cách ly phong tỏa kéo dài tạo ra những căng thẳng tâm lý mới cùng với những cuộc tranh luận mới về sự phụ thuộc sâu sắc của Singapore vào lực lượng lao động này.
Trên truyền thông địa phương và mạng xã hội, xuất hiện các thông tin về việc những lao động nhập cư tự làm hại bản thân, thậm chí là cố gắng tự tử trong tình trạng bị cách ly kéo dài. Khi được hỏi, Bộ Nhân lực Singapore nói rằng điều này có xu hướng nhưng có lẽ vẫn chỉ là những sự cố đơn lẻ với bệnh lý có sẵn hoặc những vấn đề phát sinh nơi quê nhà. Tuy nhiên, dù thế nào, các nhóm dịch vụ xã hội cho biết họ đang ngập trong những lời kêu gọi trợ giúp từ lao động nhập cư.
Alex Au, Phó Chủ tịch một nhóm viện trợ người nhập cư ở Singapore, cho biết: "Tình hình chắc chắn đã trở nên tồi tệ hơn trong hai tháng qua. Giọng điệu trong các cuộc trò chuyện đã thay đổi rất nhiều. Chúng tôi nghe nhiều cầu như ‘tôi không quan tâm ngay cả việc ông không trả lương cho tôi, chỉ cần ông đưa tôi ra khỏi đây là được, tôi muốn về nhà’".
Thực tế, ngay cả khi làm thêm giờ, một công nhân nhập cư cũng chỉ có thể kiếm được 438 USD đến 650 USD/tháng, ít hơn nhiều so với tiền thuê một căn hộ 3 phòng thông thường. Chính vì vậy, với giá chỉ vào khoảng 200 USD, các ký túc xá vẫn là lựa chọn hàng đầu và gần như là duy nhất của các lao động nhập cư. Ở đó, mỗi người có một chiếc giường tầng và chia sẻ căn phòng với từ 12 đến 16 người khác.
Tính tới tháng 6, Chính phủ Singapore đã chuyển hơn 32.000 công nhân tới các nơi ở tạm thời để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong dài hạn, họ có kế hoạch xây dựng 11 ký túc xá mới với 10 giường/phòng, 5 người chung 1 nhà vệ sinh, phòng tắm và bồn rửa, giảm so với 15 người như hiện nay. Covid-19 sẽ góp phần đẩy nhanh kế hoạch này.