Thái y được phép ra vào hậu cung, vì sao các Hoàng đế Trung Hoa xưa chưa bao giờ sợ bị họ "cắm sừng"?
Việc các Hoàng đế Trung Hoa không lo sợ tầng lớp thái y có mưu đồ bất chính với phi tử của mình thực chất bắt nguồn từ nhiều lý do đặc biệt.
Vào thời cổ đại, vì để bảo toàn cho hậu cung của mình, các Hoàng đế Trung Hoa thường không cho phép những nam tử khác tiến vào nơi đây.
Cũng bởi vậy mà ngay tới những người phục vụ cho các phi tần như thái giám, hoạn quan đều phải trải qua quá trình tịnh thân đầy đau đớn.
Tuy nhiên trên thực tế, quy định này của các Thiên tử thời xưa vẫn có những ngoại lệ, và tầng lớp thị vệ, thái y cũng nằm trong số đó.
Về tầng lớp thái y nói riêng, họ là những danh y phục vụ cho hoàng cung với chức trách là chẩn bệnh, trị bệnh.
Mang trên mình trách nhiệm bảo đảm sức khỏe cho các thành viên trong hoàng tộc, những thái y này thường xuyên được ra vào hoàng cung. Và hậu cung của các phi tần, mỹ nữ cũng không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn lại nằm ở chỗ: Lẽ nào các Hoàng đế Trung Hoa xưa chưa từng lo lắng sẽ bị một vài thái y có dã tâm "cắm sừng" hay sao?
Theo quan điểm của chuyên trang phân tích lịch sử Trung Quốc Qulishi, sở dĩ các vị vua thời xưa không bận tâm đến điều này là bởi 4 nguyên nhân dưới đây.
Nguyên nhân thứ nhất: Cách thức xem bệnh hạn chế tối đa việc tiếp xúc cơ thể
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Thông qua ghi chép của các nguồn sử liệu cũng như những thước phim tái hiện trên truyền hình, hậu thế ngày nay dường như đã không còn xa lạ với hình ảnh các thái y buộc chỉ trên cổ tay của phi tần mỗi khi chẩn bệnh cho họ.
Phương thức này được biết tới với tên gọi "huyền ti chẩn mạch". Theo đó, người bắt mạch sẽ dùng sợi chỉ buộc vào cổ tay bệnh nhân, còn mình thì cầm đầu còn lại để theo dõi mạch đập.
Bên cạnh phương thức nói trên, các thái y thời xưa còn thường phủ lên tay phi tần một chiếc khăn lụa rồi mới đặt tay của mình lên trên để bắt mạch.
Từ hai cách làm này, không khó để nhận thấy các thái y thời xưa mặc dù được ra vào hậu cung, được trực tiếp gặp gỡ với các phi tử của nhà vua, nhưng ngay tới bắt mạch cũng không được đụng chạm trực tiếp.
Điều này cũng phần nào cho thấy khả năng mà họ có thể "cắm sừng" nhà vua là vô cùng ít ỏi.
Nguyên nhân thứ hai: Quá trình làm việc không có sự riêng tư
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Vào thời phong kiến, phương thức làm việc của các thái y khác hoàn toàn so với tầng lớp thái giám
Nếu như các hoạn quan, thái giám thời xưa có thể thường xuyên túc trực cả ngày lẫn đêm bên cạnh các phi tử, thì những ngự y thời bấy giờ chỉ khi nào được truyền gọi mới có thể tiến cung.
Hơn nữa, quá trình từ chẩn mạch, bốc thuốc đến sắc thuốc của họ luôn có không ít các thái giám, cung nữ ở bên để hỗ trợ và kiểm tra.
Do đó, cơ hội để cho những thái y có dã tâm làm việc mờ ám trong hậu cung có thể xem là vô cùng ít ỏi.
Nguyên nhân thứ ba: Áp lực công việc quá lớn
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Nói về vấn đề áp lực, các thái y thời xưa cũng phải chịu nhiều sức ép không thua gì so với các bác sĩ ngày nay.
Đối với nghề nghiệp của họ mà nói, cứu chữa người bệnh có thể xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hơn nữa đối tượng mà họ phục vụ đều là những nhân vật trong hoàng cung, vì vậy áp lực đương nhiên sẽ càng thêm nặng nề.
Thậm chí, nếu hoàn thành không tốt nhiệm vụ, tiền đồ của họ chẳng những sẽ tiêu tan mà ngay tới tính mạng cũng khó giữ, có khi còn có thể liên lụy tới gia đình, dòng họ.
Cũng bởi lý do này mà các thái y thời xưa đa số đều phải ngày đêm nỗ lực để có thể làm vừa lòng tầng lớp thống trị, lại còn phải đau đầu suy nghĩ xem làm cách nào để bảo toàn tính mạng cho bản thân và gia tộc nếu gặp phải sự cố bất ngờ.
Những nỗi lo về tiền đồ, sự nghiệp và an nguy đã khiến họ vừa phải bạt mạng làm việc, lại phải bo bo giữ mình, hầu như không còn thời gian và tâm trí để mưu toan những chuyện ngoài lề khác.
Nguyên nhân thứ tư: Tuổi tác của các thái y được phục vụ trong hoàng cung đa số đều không còn trẻ
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Theo quan điểm của Qulishi, các thái y có đủ trình độ và năng lực để xem bệnh cho những phi tần trong hậu cung đa số đều có độ tuổi dao động từ 45 đến 50.
Những người này mặc dù tuổi tác đã cao, nhưng đều sở hữu chức vụ, kinh nghiệm và địa vị hơn người, vì vậy mới có cơ hội được chăm lo cho sức khỏe của các phi tần, mỹ nữ.
Do tuổi thọ của cổ nhân không cao, vì vậy độ tuổi của các thái y nói trên đã có thể xem là già. Cũng bởi vậy mà Qulishi cho rằng, ở vào độ tuổi ấy, những thái y này dù cả gan có tư tình với những mỹ nhân của nhà vua thì cũng chỉ có thể "hữu tâm vô lực".
Đó là chưa kể tới một sự thật rằng: Khi đã bước qua đội tuổi tứ tuần, họ sẽ càng trở nên tỉnh táo hơn với mỗi hành động của mình, càng cân nhắc nhiều hơn tới sự nghiệp và an nguy của bản thân cũng như gia tộc chứ không dễ dàng bị mờ mắt bởi nữ sắc mà đi làm ra những chuyện hoang đường.
Xuất phát từ những nguyên nhân nói trên, có thể thấy rằng việc các Hoàng đế Trung Hoa xưa hoàn toàn an tâm khi để cho tầng lớp thái y ra vào hậu cung của mình cũng không hẳn là điều khó hiểu.
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).