Thái Lan vượt qua Việt Nam trong bảng xếp hạng công nghệ, quyết tâm trở thành trung tâm sáng tạo tiếp theo ở Châu Á

09/05/2019 15:15 PM | Xã hội

Thái Lan không muốn đi theo con đường của Trung Quốc đã đi là tận dụng ưu thế nhân công giá rẻ. Quốc gia này trực tiếp định hướng "Thailand 4.0" nhằm biến nền kinh tế công nghiệp sản xuất của nước mình đi lên công nghệ cao.

Trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV, rất nhiều nước tại Châu Á đang chạy đua để bắt kịp xu thế, bao gồm cả Thái Lan. Nhờ những cố gắng không ngừng nghỉ của chính phủ, chỉ số sáng tạo công nghệ của Thái Lan (GII) năm 2018 đã nhảy vọt từ bậc 51 lên 44, vượt qua Việt Nam (từ 47 lên 45).

Với vị trí địa lý thuận lợi, các doanh nghiệp tại Thái Lan có thể dễ dàng tiếp cận 3,5 tỷ người ở Châu Á Thái Bình Dương với tổng giá trị thị trường lên đến 24 nghìn tỷ USD, tương đương 30% tổng GDP toàn cầu.

Hàng loạt những tình miền Đông của Thái Lan như Chonburi, Rayong và Chachoengsao đã trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp chính của đất nước trong vài chục năm, qua đó thúc đẩy ngành hóa dầu, xe hơi và điện tử.

Thái Lan vượt qua Việt Nam trong bảng xếp hạng công nghệ, quyết tâm trở thành trung tâm sáng tạo tiếp theo ở Châu Á - Ảnh 1.

Thái Lan vượt Việt Nam trên bảng xếp hạng GII

Thêm nữa, vị trí địa lý tốt khiến những khu vực này còn trở thành trung tâm xuất khẩu chính của đất nước Thái Lan. Hiện các sản phẩm của quốc gia này đang cạnh tranh khá tốt trên nhiều thị trường, qua đó gián tiếp quảng bá hình ảnh đất nước và thu hút hàng triệu lượt khách du lịch.

Dẫu vậy, Thái Lan không muốn đi theo con đường của Trung Quốc đã đi là tận dụng ưu thế nhân công giá rẻ. Quốc gia này trực tiếp định hướng "Thailand 4.0" nhằm biến nền kinh tế công nghiệp sản xuất của nước mình đi lên công nghệ cao.

Chính quyền Bangkok có kế hoạch nhắm đến những mảng công nghiệp chính như Robot, hàng không vũ trụ và kinh tế số để đưa Thái Lan trở thành 1 thị trường công nghệ cao, bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ lần thứ IV.

Để đạt được mục tiêu này, Thái Lan đã quyết định chi hàng tỷ USD cho xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp giao thông cũng như các mạng lưới Internet, viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ. Những dự án lớn như hệ thống đường sắt cao tốc nối 3 sân bay lớn Suvarnabhumi, Don Muenang và U Tapao rồi đến cảng biển nước sâu Laem Chabang và Map Ta Phut đều được xây dựng gấp rút nhằm thỏa mãn nhu cầu logistic của Thái Lan trên con đường phát triển công nghệ.

Thái Lan vượt qua Việt Nam trong bảng xếp hạng công nghệ, quyết tâm trở thành trung tâm sáng tạo tiếp theo ở Châu Á - Ảnh 2.

Mặc dù những dự án này chỉ có thể đưa vào sử dụng trong vòng 5-10 năm tới nhưng rất nhiều công ty lớn trên thế giới đã đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của Thái Lan trong việc định hướng nền kinh tế công nghệ cao.

Không dừng lại ở đó, Thái Lan còn cho xây dựng trung tâm dữ liệu EECd tốc độ cao, bao gồm hệ thống vệ tinh, trung tâm xử lý dữ liệu hay các cổng truy cập thỏa mãn nhu cầu của các hãng công nghệ cũng như startup.

Thậm chí, ngân hàng trung ương Thái Lan còn đang sử dụng công nghệ "Big Data" để phân tích dữ liệu và hoạch định chính sách, qua đó dần ứng dụng nhiều hơn công nghệ cho quản lý kinh tế.

Trên hết, để nhìn vào thành công của Thái Lan, ngành sản xuất ô tô có lẽ là ví dụ nổi bật nhất. Từ thập niên 1960, chính phủ Thái Lan đã có những định hướng nhất định để phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao này.

Hiện nay, Thái Lan là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ 12 trên thế giới. Quốc gia này cũng là một trong những thị trường tiêu thụ xe bán tải lớn nhất thế giới với doanh số xe bán tải chiếm hơn 50% tổng doanh số bán xe hơi nội địa. Dù đứng sau Mỹ nhưng tính doanh số bán xe bán tải bình quân đầu người lại đứng số 1 thế giới.

Thậm chí, nhiều chuyên gia còn nhận định Thái Lan đã trở thành “Detroit của Đông Nam Á”, cái nôi của ngành ô tô trong khu vực. Hàng năm, quốc gia này xuất xưởng gần 2 triệu chiếc xe, nhiều hơn cả các nước phát triển như Bỉ, Anh, Italy…

Hầu hết những sản phẩm của Thái Lan được phát triển và cấp phép bản quyền bởi những hãng xe nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản và Mỹ. Nhờ những thỏa thuận thương mại như AFTA, ngành công nghiệp xe hơi của Thái Lan tiếp cận được những thị trường tiềm năng trong khu vực để chào bán sản phẩm của mình.

Niềm tự hào của đất nước Chùa Vàng

Với một nền công nghiệp ô tô phát triển, nhiều hãng sản xuất xe hơi như Ford, Mazda hay Mitsubishi đã chọn Thái Lan là nơi lắp ráp hoặc sản xuất sản phẩm, từ đó xuất khẩu đi nhiều nước Phương Tây. Năm 2005, Thái Lan thậm chí đã vượt Mỹ để trở thành nhà sản xuất xe bán tải lớn nhất thế giới.

Hiện nay, dù nhiều hãng xe Phương Tây có mặt tại Thái Lan nhưng những nhà sản xuất liên doanh Nhật Bản vẫn chiếm 88,5% thị phần tại đây. Thái lan cũng có hãng sản xuất xe hơi nội địa của riêng họ là Thai Rung, thành lập vào năm 1967 tại Bangkok.

Thái Lan vượt qua Việt Nam trong bảng xếp hạng công nghệ, quyết tâm trở thành trung tâm sáng tạo tiếp theo ở Châu Á - Ảnh 3.

Rất nhiều tỉnh của Thái Lan tham gia ngành sản xuất ô tô

Thái Lan vượt qua Việt Nam trong bảng xếp hạng công nghệ, quyết tâm trở thành trung tâm sáng tạo tiếp theo ở Châu Á - Ảnh 4.

Thái Lan đứng thứ 12 thế giới về sản lượng xe hơi (nghìn chiếc)

Năm 2014, sản xuất ô tô là ngành xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan với 30 tỷ USD. Những ưu thế như nằm ở trung tâm Đông Nam Á, có ngành phụ trợ hoàn thiện, cơ sở hạ tầng ổn cùng hỗ trợ của chính phủ đã khiến Thái Lan thu hút được nhiều nhà đầu tư xe hơi quốc tế.

Ngành sản xuất xe hơi hiện chiếm 12% tổng GDP (28,24 tỷ USD) và có khoảng 550.000 lao động đang làm việc trong mảng này. Năm 2014, Thái Lan sản xuất 2,1 triệu chiếc xe hơi, tăng 200% so với năm 2005.

Đặc biệt, hệ thống chuỗi cung ứng thiết bị ô tô của Thái Lan vô cùng phát triển khi nước này chiếm tới 50% top 100 nhà sản xuất phụ tùng thiết bị ô tô hàng đầu thế giới. Xuất khẩu linh kiện phụ tùng xe hơi của Thái Lan năm 2013 đạt 5 tỷ USD, đứng đầu Đông Nam Á.

Nói cách khác, các hãng xe hơi hoàn toàn yên tâm khi đặt nhà máy hoặc liên doanh tại Thái Lan khi họ có nguồn cung thiết bị, phụ tùng dồi dào. Thái Lan hiện có khoảng 2.400 nhà máy sản xuất phụ tùng linh kiện xe hơi với 709 nhà máy được cấp bản quyền sản xuất cho các hãng xe chính thống.

Theo báo cáo của Hiệp hội sản xuất xe hơi Nhật Bản (JAMA), chất lượng phụ tùng linh kiện sản xuất tại Thái Lan đứng đầu Đông Nam Á. Phụ tùng, thiết bị nội địa cung cấp đến 85% sản xuất xe bán tải trong nước và 70% xe hơi thường tại Thái Lan.

Các nghiên cứu cho thấy thị trường linh kiện điện tử cho xe hơi trên toàn cầu đạt 204,6 tỷ USD vào năm 2014 và ước tính đạt 314,4 tỷ USD vào năm 2020. Đây là một tin tức vô cùng tốt cho Thái Lan khi nước này hướng đến mảng sản xuất xe hơi công nghệ cao, thân thiện với môi trường thay vì cách làm truyền thống trước đây.

Nhằm hướng đến việc phát triển ngành ô tô cũng như sản xuất linh kiện phụ tùng, chính phủ Thái Lan đã có nhiều ưu đãi như hạ mức thuế cho các nhà máy sản xuất xe hơi tại đây. Với tầm nhìn biến đất nước thành trung tâm sản xuất ô tô của Đông Nam Á, Thái Lan hiện nay đang có những bước cải thiện vượt bậc trong ngành sản xuất xe hơi.

Hiện nay, hầu hết các tập đoàn xe hơi quốc tế như GM, Ford, Toyota, BMW…đều có mặt tại Thái Lan và sản xuất khoảng 1,9 triệu chiếc vào năm 2015.

Thái Lan vượt qua Việt Nam trong bảng xếp hạng công nghệ, quyết tâm trở thành trung tâm sáng tạo tiếp theo ở Châu Á - Ảnh 5.

Sản lượng xuất khẩu xe hơi Thái Lan sẽ tăng mạnh trong năm nay

AB

Cùng chuyên mục
XEM