Thạc sĩ người Việt "bày cách" vào Harvard: Không phải xem mình có đủ điều kiện để được nhận không, mà là trường có đáp ứng được điều kiện của mình
Từng tốt nghiệp Đại học Harvard, anh Trần Dương cho rằng để vào được ngôi trường, không phải là xem mình có đủ điều kiện để được Harvard nhận không, mà là Harvard có đáp ứng được điều kiện của mình để mình sẵn sàng đánh đổi những cơ hội đang có hay không.
Nhiều người sẽ có chung một câu hỏi về ngôi trường đại học danh tiếng thế giới Harvard rằng, để vào được đó thì cần phải làm gì, phải chăng là bạn phải xuất chúng về mọi mặt, phải có năng lực và tư duy hơn người,...
Riêng đối với anh Trần Dương, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Chính sách công tại Đại học Harvard, hiện đang làm trong ngành Tư vấn chiến lược tại Boston Consulting Group Việt Nam lại có quan điểm không phải là mình có đủ điều kiện để được Harvard nhận không, mà là Harvard có đáp ứng được điều kiện của mình để mình sẵn sàng đánh đổi những cơ hội đang có hay không.
Anh đã có chía sẻ về góc nhìn của mình sau thời gian là sinh viên của ĐH Harvard để giúp các bạn trẻ trả lời cho câu hỏi "Làn thế nào để vào được Harvard?" Nguyên văn đoạn chia sẻ như sau:
Mình từng nghĩ chỉ có hai cách để vào Harvard: một là bạn phải là siêu nhân, hai là bố mẹ bạn phải là siêu nhân. Với cách 1, bạn phải giỏi 5 ngoại ngữ từ lớp 1 và đạt giải Nobel trước năm 18 tuổi. Với cách 2, bố mẹ bạn phải là nguyên thủ quốc gia hoặc top 100 người giàu nhất thế giới. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên là mình không đáp ứng tất cả những điều kiện này và vì thế trong suốt một thời gian dài, Harvard là một thứ gì đó hoàn toàn xa vời với mình.
Trong một buổi chia sẻ gần đây ở một trường đại học tại Hà Nội, một bạn sinh viên đã hỏi mình "Anh đã làm gì để đảm bảo đủ điều kiện vào Harvard?" Đúng lúc đó, mình chợt nhận ra rằng mình chưa bao giờ tự đặt cho bản thân câu hỏi đó.
Chính vì những điều kiện thông thường để vào Harvard quá xa vời, Harvard đối với mình chưa bao giờ là mục tiêu cuối cùng. Hơn thế nữa, quyết định đi học ở Harvard lúc đó cũng đồng nghĩa với việc mình phải nghỉ làm ở một tập đoàn đa quốc gia với mức thu nhập khá ổn và con đường thăng tiến đang rộng mở.
Vì vậy, nhiều bạn có lẽ sẽ khá bất ngờ khi mình nói rằng suy nghĩ của mình lúc đó không phải là mình có đủ điều kiện để được Harvard nhận không, mà là Harvard có đáp ứng được điều kiện của mình để mình sẵn sàng đánh đổi những cơ hội đang có hay không.
Tất nhiên, mình vẫn phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ bao gồm bằng cấp, kinh nghiệm, vv... của mình theo yêu cầu của Harvard. Nhưng mặt khác, điều kiện quan trọng nhất của mình lúc đó là Harvard phải giúp mình có thêm hành trang cần thiết để hiện thực hóa một khát vọng.
Trong bài luận mà mình đã viết khi nộp đơn vào Harvard, mình có kể cho ban tuyển sinh của trường về YVS – một tổ chức về kỹ năng tư duy, tranh luận, hùng biện cho giới trẻ Việt Nam mà mình đã sáng lập từ nhiều năm trước.
Hồi đó, mình vừa học xong năm đầu tiên đại học ở Mỹ và vừa trải qua một cú sốc văn hóa lớn, khiến cho bản thân liên tục đặt câu hỏi về những giá trị của bản thân. Cùng lúc đó, mình nhận ra rằng giới trẻ Việt Nam lúc đó, trong đó có mình, còn thiếu rất nhiều những kỹ năng và sân chơi cần thiết để có thể tự tin trình bày quan điểm cá nhân.
Trong năm đầu tiên thành lập, YVS đã tạo ra những buổi workshop và hội thảo để giúp cho 24 bạn trẻ trau dồi các kỹ năng tư duy, tranh luận, hùng biện, và cuối cùng có cơ hội được đứng trước một hội trường lớn để cất lên tiếng nói về những vấn đề xã hội.
Khoảnh khắc nhìn thấy sự tiến bộ vượt bậc của các bạn cũng là lần đầu tiên mình cảm nhận được một khát vọng lớn lao trong mình là giúp đỡ cho sự phát triển của giới trẻ Việt Nam.
Nếu như bây giờ các bạn đã quen với những chương trình như "Trường teen", The debaters", "Thiếu niên nói" trên sóng truyền hình, hay có thể tự do thể hiện bản thân trong điều kiện mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, thì 10 năm trước, khi tổ chức của mình mới thành lập, mình nhớ rằng từ "tranh luận" vẫn còn bị coi là nhạy cảm đối với nhiều người. Trên hành trình 10 năm đó, mình cũng có một chút tự hào nho nhỏ là đã đóng góp một phần cho sự thay đổi tích cực trong giới trẻ và trong xã hội Việt Nam.
Trong bài luận apply vào Harvard, mình cũng kể về sự ngưỡng mộ của mình đối với khát vọng của ba mình và những người bạn của ông đã chiến đấu ra sao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Và mình tự hỏi tại sao thế hệ của chúng ta lại không thể có một ngọn lửa chung như vậy? Nếu như khát vọng của thế hệ ngày đó là độc lập, tự do, thì khát vọng lớn nhất của thế hệ trẻ ngày nay phải là một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Mỗi người chúng ta có thể đóng góp cho điều đó theo một cách riêng, nhưng tầm vóc, bản lĩnh của thế hệ ngày nay là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa khát vọng đó.
Điều đó có thể bắt đầu từ việc chúng ta, thay vì nghĩ rằng Harvard, hay bất kì một bằng cấp nào, là đích đến cuối cùng, thì có thể hỏi ngược lại rằng ngôi trường đó, hay trải nghiệm giáo dục đó, dù có là Harvard đi chăng nữa, giúp gì cho khát vọng của chúng ta.
Nói về quan diểm có phần hơi khác cái nhìn chung của nhiều người, anh Trần Dương cho rằng: "Sẽ có những ý kiến trái chiều về việc mình đã “đặt điều kiện” cho Harvard. Cũng giống như sẽ có những người nghĩ rằng khát vọng là viển vông trong thời đại ngày nay.
Nhưng mình tin rằng trong số các bạn trẻ đọc được bài viết này, có rất nhiều bạn đang ấp ủ hoài bão về những startup unicorn mới của Việt Nam, hay đơn giản là mang lại những điều tốt đẹp cho một cộng đồng mà mình yêu mến.
Nguồn: Dương Trần