Tết này vẫn giống tết xưa, vẫn ôm laptop, vẫn chưa lấy chồng

23/01/2023 09:41 AM | Sống

Hội chị em chưa lấy chồng vẫn cảm thấy “enjoy” cái mùa Tết này lắm!

Mỗi mùa Tết đến, câu nói gây nhức nhối nhất với hội độc thân hẳn sẽ là “Bao giờ lấy chồng?”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng câu hỏi này chỉ làm khó được những “newbie” - người mới gia nhập hội độc thân, chưa chồng. Bởi nếu nghe đi nghe lại nhiều năm, bạn sẽ vượt qua cái ngưỡng đó, không còn cảm thấy khó chịu mà thậm chí vui vẻ, tận hưởng mùa Tết theo cách thú vị nhất.

Không những vậy nếu kể ra, Tết của hội chưa lấy chồng đôi khi còn khiến những người lập gia đình ghen tị, ao ước. Ung dung, tự do, tự tại, chẳng phải lo nghĩ điều gì là những thứ khiến nhiều người chỉ muốn mãi FA, ở bên cạnh đón Tết cùng bố mẹ. 

Tết chưa lấy chồng và những điều thú vị 

Chưa lấy chồng, vẫn ở cạnh bố mẹ trong mỗi mùa Tết nên luôn mang đến cảm giác bản thân còn bé bỏng. Được cùng mẹ đi chợ, cắm hoa trang trí nhà cửa, được cùng bố đi chọn cây đào, cây quất rồi bàn luận xem để góc nào hợp,... Đón Tết với bố mẹ vẫn sướng thế này thì lấy chồng muộn một chút cũng chẳng sao. 

Đối với Bùi Trang (29 tuổi), Tết luôn vui khi được ở bên cạnh bố mẹ. “30 cả nhà cùng nhau xem Táo quân, ngắm pháo hoa và mùng 1 đi chùa là tục lệ hàng năm của nhà mình rồi. Nếu đi lấy chồng, mình sẽ phải thay đổi những thói quen này nên sẽ thấy buồn lắm”. 

Tết này vẫn giống tết xưa, vẫn ôm laptop, vẫn chưa lấy chồng - Ảnh 1.

Nhung Đỗ vẫn thích ở nhà ăn Tết cùng mẹ hơn là đi lấy chồng

Tương tự như vậy, Nhung Đỗ (26 tuổi) cho hay nhà chỉ có 3 mẹ con, lại toàn con gái nên Tết được quây quần bên nhau vẫn thích nhất, không nỡ lấy chồng vì phải xa mẹ, xa em trong ngày đặc biệt. Hơn nữa, vì tính chất công việc phải đi công tác suốt trong năm nên Tết cũng là dịp để Nhung Đỗ được ăn cơm cùng mẹ. 

“Trong mắt nhiều người, hẳn mình như một ‘quả bom nổ chậm’ nhưng mình thì thấy vẫn vui. Vì chỉ có Tết mới ngày nào cũng được ngồi ăn cơm đầy đủ cùng mẹ. Nghĩ đến việc đi lấy chồng, phải trưởng thành hơn nữa, không được ‘ăn vạ’ mẹ là mình đã thấy chưa sẵn sàng”, Nhung Đỗ chia sẻ. 

Bên cạnh đó, Tết của những người chưa lấy chồng sẽ không phải đối mặt với những lo toan nên biếu tặng bố mẹ 2 bên như thế nào cho hợp lý. Cũng không phải đối mặt với những nỗi buồn vu vơ mà có thể tự quyết định được cuộc sống của mình, những gì mình thích làm và muốn làm. 

Chưa lấy chồng, gặp họ hàng ngày Tết: Quan trọng là phải “mặt dày”!

Sau 22 tuổi, tốt nghiệp Đại học và bước vào thị trường lao động cũng là lúc nhiều người cảm giác sợ Tết. Bởi có nhiều người quan niệm, từ độ tuổi này trở đi sẽ bước vào giai đoạn mới, trưởng thành hơn cả về cuộc sống lẫn chuyện tình cảm. Do vậy ngoài những áp lực trong công việc, hàng loạt những câu hỏi về chuyện yêu đương “bủa vây” cũng khiến người ta đau đầu. 

“Có người yêu chưa cháu?” 

“Lớn rồi sao không yêu đương đi?”

“Bao giờ lấy chồng?”

“Sắp cưới chưa cháu?”

Loạt câu hỏi này Trang Nhã (3x tuổi) đã nghe đi nghe lại trong khoảng 10 năm qua. Không còn xù lông nhím lên như lần đầu, qua nhiều năm, Trang Nhã đã luyện được “skill” sống cùng các câu hỏi hóc búa. 

Tết này vẫn giống tết xưa, vẫn ôm laptop, vẫn chưa lấy chồng - Ảnh 2.

Quá quen với những câu hỏi ngày Tết, Trang Nhã cảm thấy vẫn vui vẻ và không quá khó chịu

‘Quan trọng là phải mặt dày. Cô bác nào hỏi mình cũng đáp lại theo cách tếu táo. Nghe nhiều cũng thành quen. Cứ vui vẻ, nhẹ nhàng ứng biến linh hoạt biết đâu còn được nhận lì xì lấy may để lấy chồng sớm”, Trang Nhã nói. 

Cứ vậy nhiều mùa Tết trôi qua, Trang Nhã không còn cảm thấy áp lực hay khó chịu mà ngược lại, Tết không bị hỏi còn thấy nhớ. Ngoài ra, những câu hỏi này sẽ không bao giờ dừng lại dù có lấy chồng, kết hôn hay lập gia đình đi chăng nữa. Nên cứ thong thả không cần vội lấy chồng làm gì, ở nhà nghe mãi những câu hỏi cũ cũng được!

Ôm chồng hay ôm laptop - miễn hạnh phúc là được

So với trước đây, chuyện lấy chồng sớm hay muộn dường như đã không còn quá quan trọng với người trẻ. Họ có tư duy mới mẻ hơn nhiều so với thời các bố, các mẹ. Không phải cứ đến tuổi là lấy chồng mà sẽ đợi đúng thời điểm, đúng người và quan trọng phải sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân. 

Tết này vẫn giống tết xưa, vẫn ôm laptop, vẫn chưa lấy chồng - Ảnh 3.

Theo Bùi Trang, lấy chồng không cần vội mà cứ từ từ, gặp đúng người sẽ kết hôn

Cũng vì vậy mà cuộc sống độc thân, tự do, ôm laptop làm việc cả ngày thay vì nắm tay một người khác đang là xu hướng của nhiều người trẻ. Họ thích sự độc lập, tận hưởng mọi khoảnh khắc mà hội đi lấy chồng chưa chắc sẽ trải nghiệm được. Cứ tranh thủ ăn Tết độc thân vì biết đâu lấy chồng sẽ “ập đến” một cách bất ngờ. 

“Dù có ôm laptop hay ôm chồng miễn chúng ta cảm thấy hạnh phúc với những điều  đó là được. Đừng kết hôn vì sự nhàm chán hay đến tuổi nên ‘mót cưới’. Người ta gọi lấy chồng là chuyện trọng đại mà, nên cứ từ từ, thong thả. thà muộn còn hơn là sai”, Bùi Trang bày tỏ. 

Theo Hải My - Thiết kế: Anh Nhân

Cùng chuyên mục
XEM