Tết bình dị của người dân xóm chài lênh đênh giữa Sài Gòn: Mâm cỗ đơn giản chỉ với mấy con cá khô
"Tết đối với cô chú cũng như ngày bình thường. Mùng 1 Tết chỉ làm mâm cơm đơn giản với cá khô, cũng không đi chơi đâu vì còn khó khăn quá", cô Ba Thiện sống trên ghe giữa Sài Gòn bùi ngùi nói.
Ăn Tết trên ghe với mấy con cá khô
Xóm ghe nghèo bên mé sông trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP. HCM) những ngày này chẳng có tí không khí Tết nào. Những chiếc ghe đậu mé sông ấy là nơi trú ngụ của nhiều hộ gia đình nghèo từ các tỉnh miền Tây lên đô thành mưu sinh.
Hiện tại trên mé sông này có khoảng 10 hộ gia đình sống trên mỗi chiếc ghe.
Bên trong ghe gỗ cũ, chú Ba Vui (52 tuổi, quê Bến Tre) ngồi trầm ngâm, nhìn dòng người qua lại. Khi được hỏi cuộc sống trên ghe, chú Ba Vui chia sẻ: "Gia đình chú sống trên ghe ở mé sông này được mười mấy năm nên cũng quen rồi, không khác gì mấy so với trên bờ. Lắc lư theo con nước cũng thấy thú vị lắm, ban đêm gió mát, ngủ khoẻ".
Những hộ dân sống trên ghe bùi ngùi chia sẻ về những cái Tết buồn.
Còn về chuyện ăn Tết ghe như thế nào, chú Ba Vui cho biết: "Sáng 30 Tết chú về quê dưới Bến Tre cúng mâm cơm ông bà, rồi chiều lên lại đây đón Tết. Năm nào cũng vậy, gia đình chú đều ăn Tết trên ghe này thôi. Tết tại gia đình chú cũng đơn giản lắm, không sắm sửa gì nhiều vì cuộc sống khó khăn".
Bên trong chiếc ghe của gia đình chú Ba Vui đáng giá nhất có lẽ là chiếc ti vi màu, loại cũ ngày xưa, 2 cái quạt, còn xung quanh là những đồ đạc được chất đống, hơi bừa bộn vì ghe khá chật. Chú Ba Vui cho biết, hầu hết đồ dùng sinh hoạt trên ghe đều được các nhà hảo tâm cho.
Chiếc ghe của hai vợ chồng cô Ba Thiện.
Trò chuyện được một lúc, chú lại ra phụ trông bán dừa cho cô Ba Thiện (60 tuổi, vợ chú). Quầy bán dừa của vợ chồng chú Ba Vui nằm trước ghe.
Hàng ngày cô Ba Thiện bán chính, còn chú Ba Vui phụ. Vừa bán cho một vị khách xong, cô Ba Thiện vui vẻ cho biết: "Cô mua lại dừa ở quê rồi bán lại kiếm sống qua ngày chứ hai vợ chồng già rồi. Trụ lại ở Sài Gòn mười mấy năm nay là nhờ việc bán dừa này. Mỗi trái chỉ lời 2.000 đồng, một ngày bán được mấy chục trái dừa".
Tâm sự về gia đình, cô Ba Thiện chia sẻ, ở quê nghèo nên hai vợ chồng cô dẫn con lên đây bám víu. Vợ chồng cô có 2 con (1 năm và 1 nữ) đều có gia đình nên chuyển lên bờ sinh sống, chỉ còn hai vợ chồng già ở lại dưới ghe. Cuộc sống của các con cũng không khá giả nên chưa thể giúp được cho hai cô chú.
Chú Ba Vui bùi ngùi chia sẻ về chuyện ăn Tết trên ghe đã nhiều năm qua.
"Cừa hàng" dừa của cô Ba Thiện được đặt trước ghe của mình.
"Dịp Tết các con cũng tranh thủ về phụ buôn bán giúp đỡ cha mẹ xong rồi mới về. Hai vợ chồng tôi ăn Tết trên ghe nhiều năm mặc dù buồn và tủi thân nhưng cũng quen dần cảm giác này. Nhà nghèo nên ngày Tết không có tiền sắm sửa hay trang trí cho ghe đâu. Tết đối với cô chú cũng như ngày bình thường. Mùng 1 Tết chỉ làm mâm cơm đơn giản với cá khô cho mấy ngày Tết, cũng không đi chơi đâu vì còn khó khăn quá", cô Ba Thiện bùi ngùi nói.
Thậm chí, ngày Tết cô muốn đi thăm người thân hay những người quen trên bờ nhưng cũng không dám. Cô chia sẻ trong xót xa: "Mình nghèo nên mình biết phận mình, đến chơi sợ họ lại nghĩ mình đến nhờ vả gì, mấy ngày Tết kiêng cử lắm".
Năm mới, mong sao tụi nhỏ được học hành đến nơi đến chốn
Cũng lênh đênh trên sóng nước như hai vợ chồng chú Ba Vui và cô Ba Thiện, nhưng gia đình nhỏ của cô Úc có lẽ cảm nhận được chút không khí ngày Tết hơn phần nào.
Trước đó, gia đình cô Vui cũng bận bịu đủ thứ. Sống trên ghe nên phải đi mua nước trên bờ để sinh hoạt, bóng đèn điện thì được sạc từ bình ắc quy.
Người đàn ông này cũng sống lâu năm dưới ghe và đã trải qua nhiều cái Tết bình lặng.
Chú Úc cho biết, sống cùng vợ và con trai học lớp 8 trên ghế cũng được hơn 10 năm nay. Chú làm công nhân, còn cô buôn bán khoai lan trước ghe để nuôi con. Cả hai vợ chồng ráng làm kiếm tiền để lên bờ, thuê nhà trọ sinh sống cho đỡ vất vả nhưng chưa có dịp. "Phòng trọ cũng 2-3 triệu/tháng rồi, lương công nhân ba cọc ba đồng thì làm sao đủ nên đành gác dự định đó. Gia đình tôi sống trên ghe, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, nuôi con ăn học", chú Úc nói.
Theo chú Úc, để chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất, gia đình chú chỉ mua ít thịt kho làm mâm cơm cúng trên ghe. Việc chuẩn bị Tết thì phải đến 29 hoặc 30 Tết mới đi mua vì trước đó vợ chú vẫn còn nấu khoai lan để bán kiếm tiền. Chú thì phải lo chuẩn bị nước, bình sạc điện, đèn dầu,... để "ngôi nhà" luôn sáng đèn.
Gia đình chú Úc đang tiếp nước và chum chứa trên ghé.
Nước được mua bên ngoài.
"Năm nay gia đình tôi định đi mua chậu bông cúc hoặc vạn thọ để trên ghe cho có không khí Tết. Mua chút thịt về kho cúng mâm cơm trong ngày Tết. Thật sự Tết với gia đình tôi cũng không có sắm gì đâu vì còn nghèo mà. Ngày Tết chúng tôi vẫn tranh thủ lên bờ, dẫn con trai chơi cho đỡ buồn vì cả năm ở trên ghe rồi. Những năm trước, thằng nhỏ đứng trên ghe xem pháo hoa khiến tôi không kìm được nước mắt. Mong sao còn đủ sức làm kiếm tiền đưa con lên bờ ăn học đến nơi đến chốn", chú Úc chia sẻ.
Ghe của chú Ba Vui cũng đã cũ nát, ti vi được mờ nhờ bình ắc quy.
Điện thiếu thốn nên những ngày Tết, cuộc sống của những hộ dân lênh đên trên sóng nước càng buồn hơn.
Họ mong một ngày nào đó sẽ lên bờ để con cháu được học hành đến nơi đến chốn.