Tesla trở thành mục tiêu tiếp theo của huyền thoại bán khống Michael Burry với khoản đặt cược nửa tỷ USD
Hôm thứ Hai, một hồ sơ theo quy định tiết lộ, nhà đầu tư nổi tiếng Michael Burry đã thực hiện vị thế bán khống đối với cổ phiếu Tesla, trị giá hơn 1 nửa tỷ USD.
Michael Burry là một trong những nhà đầu tư đầu tiên ghi nhận lợi nhuận từ cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chấp. Trong cuối quý I, ông đã 800.100 quyền chọn bán đối với cổ phiếu Tesla, tương đương 534 triệu USD, theo một hồ sơ gửi lên SEC.
Các nhà đầu tư thu lời từ các hợp đồng quyền chọn bán khi cổ phiếu cơ sở giảm giá. Hồ sơ cho thấy, tính đến ngày 31/3, Burry đã sở hữu 8.001 hợp đồng quyền chọn bán, chưa xác định giá trị, giá thực hiện hay ngày hết hạn.
Burry - người sở hữu Scion Asset Management, đã trở nên nổi tiếng nhờ khoản đặt cược vào chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp trước cuộc khủng hoảng năm 2008. Sau đó, ông trở thành một trong những nhân vật chính của cuốn sách và bộ phim được giải Oscar có tên "The Big Short".
Trước đó, Burry đã nói trong một dòng tweet rằng việc Tesla dựa vào các chứng nhận không phát thải (regulatory credit) để tạo ra lợi nhuận là một mối đe doạ. Tuy nhiên, nội dung này sau đó đã bị xoá. Khi ngày càng có nhiều công ty tự sản xuất xe chạy bằng pin, thì rõ ràng nhu cầu đối với chứng nhận không phát thải của Tesla sẽ giảm bớt.
Bên cạnh khoản "Big Short" với Tesla, Burry cũng kiếm được khoản tiền lớn từ khoản đặt cược vị thế mua với cổ phiếu GameStop trong thời gian gần đây, khi nhóm nhà đầu tư Reddit thực hiện những đợt "ép bán" (short squeeze) khiến các quỹ phòng hộ chao đảo.
Ở phiên giao dịch ngày 17/5, cổ phiếu Tesla giảm hơn 4%. Trong năm 2021, cổ phiếu Tesla đã giảm gần 20%, sau khi tăng tới 740% vào năm 2020. Tesla đã chứng kiến một năm 2021 đầy biến động khi doanh số bán xe tại Trung Quốc vài tháng 4 sụt giảm và tình trạng thiếu phụ tùng đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất cả ở Mỹ cùng Trung Quốc.
Trong quý I, doanh thu của Tesla từ việc bán chứng nhận không phát thải là 518 triệu USD. Quý IV/2020, Tesla ghi nhận lợi nhuận ròng 270 triệu USD cũng nhờ bán chứng nhận này cho các nhà sản xuất ô tô khác.
Trước đây, Tesla từng kiếm được 1,6 tỷ USD nhờ bán tín dụng năng lượng theo quy định, chủ yếu là các chứng nhận xe không phát thải. Lĩnh vực này đã giúp công ty của Elon Musk báo lãi hơn 4 quý liên tiếp, đủ điều kiện để được đưa vào S&P 500.
Hiện tại, Tesla đã phải trì hoãn hoạt động sản xuất xuất và cho ra mắt các bản cập nhật của mẫu sedan, SUV cao cấp là Model S và X. Ngoài ra, công ty cũng chậm trễ trong việc sản xuất thương mại các bộ pin điện để sử dụng cho các dòng xe trong tương lai, bao gồm Cybertruck và Tesla Semi.
Trong khi đó, công ty này cũng đang phải đối mặt với sự giám sát tại Mỹ và Trung Quốc khi những vụ tai nạn gần đây nhận được những bình luận tiêu cực từ dư luận, cùng với đó những cuộc điều tra của cơ quan an toàn phương tiện ở cả 2 quốc gia.