Techcombank soán ngôi 'vua CASA' của MB, loạt ngân hàng như MSB, TPBank, LPBank ghi nhận tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng
Bức tranh CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tại nhiều nhà băng diễn biến trái chiều trong quý đầu năm 2024. Trong 27 ngân hàng niêm yết công bố báo cáo tài chính, chỉ 9 nhà băng thông báo tỷ lệ này tăng trưởng so với cuối năm ngoái.
Trong đó, dẫn đầu về tỷ lệ CASA toàn ngành là Techcombank. Đến hết 31/3, nhà băng này ghi nhận hơn 178.880 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, tăng 0,6% so với mức gần 172.760 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2023.
Nhờ lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn trong cơ cấu huy động của nhà băng, Techcombank có quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng về mặt CASA, nới rộng khoảng cách với phần còn lại của toàn ngành ngân hàng.
Theo đại diện Techcombank, tỷ lệ CASA là một trong những mục tiêu quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Techcombank để hiện thực hóa chiến lược về nguồn vốn giá rẻ và thúc đẩy tăng trưởng. Đến năm 2025, ngân hàng này đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ CASA đạt 55%.
"Techcombank hiện là một trong những ngân hàng có biên lợi nhuận gần như tốt nhất hệ thống nhờ lượng CASA dồi dào và ổn định", ông Alexandre Macaire – Giám đốc Khối Tài chính Kế hoạch Techcombank nói.
Bám đuổi Techcombank trong cuộc đua giành thị phần CASA là MB. Ngân hàng Quân Đội ghi nhận tỷ lệ CASA giảm 3,5% từ 216.092 tỷ đồng xuống còn 194.084 tỷ đồng đến hết quý I/2024.
Trước đó, kết thúc năm 2023, quán quân về tỷ lệ CASA thuộc về MB, đạt hơn 40,1%. Số dư CASA năm 2023 của ngân hàng này cũng tăng trưởng gần 27% so với năm trước đó.
Ở nhóm quốc doanh, Vietcombank, VietinBank và BIDV lần lượt chia nhau vị trí thứ ba, sáu và tám trong nhóm 10 nhà băng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống. Song cả ba ông lớn quốc doanh cùng chung kịch bản giảm tỷ lệ CASA so với quý liền trước.
Cụ thể, tại Vietcombank, CASA giảm từ 461.311 tỷ đồng xuống hơn 435.201 tỷ đồng, song lượng tiền gửi không kỳ hạn tại nhà băng này vẫn dẫn đầu hệ thống. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tại VietinBank cũng giảm từ 22,4% xuống 19,9%, tính đến thời điểm kết thúc tháng ba. Còn tại BIDV, mức giảm thậm chí còn sâu hơn khi tỷ lệ CASA tại nhà băng này mất hơn 1,3%, chỉ chiếm 18,5% trong quy mô tiền gửi khách hàng.
Nếu xét về tốc độ tăng trưởng CASA, MSB là nhà băng có sự bứt phá nhất, tăng hơn 2,9%. Số dư tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng này ở mức 40.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm ngoái. Ngoài MSB, nhiều ngân hàng tư nhân khác là TPBank, ABBank, LPBank cũng đạt tăng trưởng CASA trong bối cảnh vốn huy động giảm trong toàn hệ thống ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, đến hết quý I/2024, đơn vị có mức sụt giảm tỷ lệ CASA sâu nhất là PGBank. Trong ba tháng đầu năm, số dư tiền gửi không kỳ hạn của nhà băng này giảm từ 5.913 tỷ đồng xuống còn 4.910 tỷ đồng, sụt 3,6%.
Song, câu chuyện giảm tỷ lệ CASA không phải là trường hợp cá biệt tại PGBank mà là thực trạng chung của toàn hệ thống ngân hàng. Đến hết 31/3, tính chung toàn ngành, tỷ lệ CASA giảm 0,04%, xuống còn 19%.
CASA (Current Account Savings Account) là loại tiền gửi không kỳ hạn hay tiền gửi khách hàng để trong tài khoản thanh toán nhằm thực hiện các giao dịch thường xuyên một cách tiện lợi, nhanh chóng.Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm.
Đối với các nhà băng, việc thu hút được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao giúp tạo nguồn vốn giá rẻ, cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), đồng thời giúp các nhà băng có thêm điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường.