Tây Phi ‘chìm’ trong nhựa
Tây Phi "chìm" trong nhựa, nguồn cơn do đâu?
Bà Agnes Kwansah kéo chiếc bao tải băng qua một bãi xe đầy bụi và rác, lặng lẽ đến đến trạm cân phế liệu. Tháng trước, bà cũng dành trọn vẹn gần như 30 ngày để thu gom những chai lọ bị bỏ lại ở Swedru, một thị trấn cách Accra, thủ đô Ghana khoảng 80km về phía tây. Không khó để tìm thấy chúng, khi mà ô nhiễm nhựa đang trở thành vấn đề nhức nhối trên khắp châu Phi.
Dẫu vậy, Ghana giờ đây lại được ngợi ca là thủ đô có ý thức chuyển mình, nhờ công cuộc làm sạch của GRIPE. Theo Bloomberg, GRIPE là một liên minh các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có Coca-Cola, Unilever, Nestle, Danone và Dow Chemical…, được tạo ra nhằm mục đích thu gom rác thải tại những khu vực không thực sự chú trọng đến vấn đề ô nhiễm môi trường.
Một cách tình cờ, GRIPE lại là khởi nguồn tạo ra khối lượng lớn các vỏ chai và giấy sau quá trình sản xuất quy mô lớn. Chúng, sau khi bị thải bỏ một cách thiếu khoa học, sẽ trôi dạt vào các con sông và đầm phá ở Tây Phi hoặc được đốt ở những bãi rác bất hợp pháp của địa phương. Môi trường và hệ sinh thái theo đó bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bất chấp hệ lụy, thế giới chưa bao giờ sản xuất nhiều nhựa đến thế, trung bình rơi vào khoảng 500 triệu tấn mỗi năm. Người ta còn được dự báo con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040, một phần do nhựa rất rẻ và hữu dụng.
Quay trở lại với câu chuyện của bà Kwansah. Bà đang nhờ 2 người đàn ông cao lớn nhấc chiếc bao tải nặng hơn 200kg lên bàn cân, sau đó chậm rãi cất mấy đồng lẻ từ việc bán phế liệu. Bà hy vọng GRIPE và toàn bộ nhân viên ở đây sẽ có thể làm điều đúng đắn và chuyển những chai lọ rỗng đến đúng nơi chúng thuộc về. Thế nhưng thực tế, GRIPE không làm được gì nhiều, theo một cuộc điều tra của Bloomberg Green. Tổ chức này dường như chỉ đang muốn đùn đẩy trách nhiệm.
Trên tấm áp phích cổ vũ của GRIPE in đậm nhân vật hoạt hình có tên Dì Litta. Dì là một công dân điển hình quan tâm đến môi trường, theo trang web của GRIPE, được tạo ra để khiển trách người dân Ghana với thói quen xả rác khó bỏ. Theo Louisa Kabobah, đại diện của GRIPE, "Bản thân nhựa không phải là vấn đề. Vấn đề nằm ở chính những người sử dụng chúng".
"Đừng là một con chim Borla!" - Dì Litta kêu gọi. Được biết Borla là một loài chim sống gần các bãi rác để kiếm ăn.
Dù thế nào đi chăng nữa, nhựa vẫn luôn là vấn đề sinh tử ở Ghana, quốc gia 32 triệu dân nhưng có tới 25% người đang phải sống trong cảnh nghèo đói và nguồn nước ô nhiễm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chai và túi nhựa khó phân hủy không được thu gom cẩn thận. Cư dân sống trong các khu ổ chuột thường dùng những tấm nhựa bỏ đi để che mưa che nắng cho căn nhà siêu vẹo, trong khi con em họ thì dùng các mảnh nhỏ để căng dây làm diều.
Theo Bloomberg Green, vào mùa mưa, hệ thống cống rãnh của Accra tắc nghẹt rác, đặc biệt là các chai nhựa. Hồi năm 2015, trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Một báo cáo của chính phủ sau đó xác nhận việc hệ thống thoát nước tắc nghẽn và ùn đọng rác cũng là một trong những yếu tố khiến thảm họa trên trở nên nghiêm trọng. Đã có những lời kêu gọi cấm sử dụng một số loại nhựa khó phân hủy song cuối cùng chẳng đi đến đâu.
Nhiều công ty tiêu dùng lớn trong khu vực đã tổ chức các cuộc họp thông qua Hiệp hội các ngành công nghiệp Ghana để tìm ra giải pháp. GRIPE ra đời, với sứ mệnh "thực hiện các giải pháp tái chế và giảm thiểu tác động của chất thải nhựa đối với môi trường."
Một trong những hoạt động tiêu biểu của GRIPE là tìm hiểu xem liệu nhựa đã qua sử dụng có thể biến thành vật liệu xây dựng hay không, từ đó giúp người dân Ghana có thể bán phế liệu cho các nhà tái chế chuyên nghiệp. Các thành viên của GRIPE, tháng 11/2017, đã ghi nhận những đóng góp "to lớn" trong việc thu gom rác thải ở Ghana. Tổ chức cũng ca ngợi những lợi ích chưa từng có của bao bì nhựa: nhẹ, dễ tạo hình, chắc chắn, với mức giá vô cùng phải chăng.
Theo Cordie Aziz, người có vai trò trong việc thành lập GRIPE, mọi thứ được lấy cảm hứng từ Keep America Beautiful - một tổ chức chống xả rác phổ biến ở Mỹ từ năm 1971 đến đầu những năm 1980. Những nhà sáng lập của Keep America Beautiful, chủ yếu là các công ty đồ uống và đóng gói hàng đầu nước Mỹ, cũng từng đấu tranh chống lại bộ luật yêu cầu các hộp đựng đồ uống phải được tái sử dụng. Điều này khiến Keep America Beautiful bị nhóm các nhà hoạt động môi trường chỉ trích dữ dội.
GRIPE sau đó kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ Anh. Giám đốc điều hành tập đoàn đồ uống Diageo cho biết Ghana là "khuôn mẫu cho sự hợp tác mạnh mẽ về nhựa ở các thị trường trọng điểm tại châu Phi". Trong khi đó, công ty thực phẩm đa quốc gia Danone tìm cách tiếp cận bộ quản lý ngân sách viện trợ nước ngoài của Anh.
Việc vận động hành lang cuối cùng cũng được đền đáp. Penny Mordaunt, khi đó là Ngoại trưởng Anh về phát triển quốc tế, đã ca ngợi GRIPE không chỉ giúp ích cho môi trường mà còn tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người dân nghèo.
GRIPE nhanh chóng công bố một chiến dịch marketing hào nhoáng, bao gồm các bộ phim hoạt hình có sự tham gia của Dì Litta và một tài khoản Twitter. Tại một sự kiện được tổ chức ở trường học vào năm 2018, các diễn viên địa phương còn biểu diễn một vở kịch hài về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, số lượng rác được tái chế tại Ghana vẫn ở mức thấp. Báo cáo hồi năm 2020 của Ủy ban châu Âu cho biết chưa đến 0,1% nhựa được tái chế ở Ghana. Họ lưu ý rằng GRIPE có "hiện diện tích cực trên các phương tiện truyền thông xã hội" nhưng "cho đến nay vẫn chưa đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý".
Aziz cho biết trải nghiệm của cô với GRIPE khiến bản thân vỡ mộng bởi cam kết và thực tế quá khác nhau. Cô cho biết, tổ chức của cô, Environment 360, đã không còn hợp tác nhiều với khu vực tư nhân vì lo ngại hoạt động tẩy rửa xanh (ám chỉ những công ty có vẻ thân thiện với môi trường nhưng trên thực tế lại mang về nhiều tác động tiêu cực).
Ngay từ đầu, một trong những mục tiêu cốt lõi của GRIPE là xóa đói giảm nghèo và đảm bảo thu nhập cho những người lao động phi chính thức, chẳng hạn như Agnes Kwansah - người đang thu gom hơn một nửa số rác thải tại Ghana. Đa số những người tham gia nhặt rác là phụ nữ lớn tuổi, chấp nhận dành ra ít nhất 8 tiếng mỗi ngày để làm công việc bẩn thỉu và mệt nhọc. Tại các bãi rác đô thị, trẻ em cũng đến nhặt rác và tìm ve chai đem bán.
Tuy nhiên, GRIPE được cho là đã không thành công trong cả nỗ lực xóa đói giảm nghèo lẫn thúc đẩy thị trường tái chế. Người đứng đầu bộ phận quản lý rác thải đô thị Accra cho biết số tiền thù lao "rất ít ỏi" không đủ cho dân nghèo có cuộc sống ổn định hơn. Cordie Aziz nhận định, bất kỳ hành động nào cần đến người nghèo nhưng không trả công xứng đáng đều là hành vi bóc lột.
Trong khi đó, quảng cáo của GRIPE lại hứa hẹn sẽ mang lại "rất nhiều tiền" cho những người bán ve chai, thậm chí ví von nhựa bỏ đi như một "kho báu". Tuy nhiên, bản thân GRIPE lại không phải là bên mua. Tiền cho những người nhặt rác đến từ các đối tác tái chế của tổ chức.
Để xem xét sức ảnh hưởng của GRIPE, các phóng viên của Bloomberg Green đã dành vài tháng tác nghiệp thực tế. Vào năm 2020, GRIPE cắt băng khánh thành "Trung tâm mua lại vĩnh viễn" ở Jamestown, Accra, nơi người dân có thể mang nhựa, giấy, lon chai và thủy tinh để bán tái chế. Tuy nhiên, trong chuyến thăm gần nhất của Bloomberg Green, trung tâm này đã bị bỏ hoang trong nhiều tháng.
GRIPE cho lắp đặt các thùng chứa tái chế màu xanh tại các trạm xăng Total xung quanh Accra, cho phép người dân đổ ve chai thuận tiện hơn. Tháng 12, Bloomberg cài thiết bị theo dõi vào 2 vỏ chai nhựa và gửi chúng vào thùng tái chế GRIPE. Kết quả là 2 chiếc chai đó vẫn nằm im tại Accra trong nhiều tuần liền. Đến cuối tháng Giêng, 1 trong 2 chiếc chai bắt đầu được đem đi, trong khi chiếc còn lại vẫn ở nguyên trong thùng tái chế. Hai tháng trôi qua, phóng viên của Bloomberg vẫn tìm thấy chiếc chai thứ hai gắn thiết bị ở Accra. Điều đó đồng nghĩa với việc rác trong thùng tái chế chưa từng được xử lý.
Không có cơ sở hạ tầng cần thiết để xử lý chất thải, nhựa tiếp tục đổ vào các con sông và biển lớn tại Ghana. Doanh số đồ nhựa thì ngày càng tăng, trong bối cảnh người tiêu dùng ở một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực tìm kiếm sự tiện lợi từ đồ uống đóng chai.
Trong khi đó, chiến dịch của Dì Litta vẫn tiếp tục. Ngày lễ tình nhân năm ngoái, Dì còn cho rằng người Ghana không thể hiện đủ tình yêu với môi trường: "Mẹ Trái đất, Mẹ sẽ là Valentine của chúng ta chứ?".
Theo George Harding-Rolls, người quản lý chiến dịch tại Change Markets, một tổ chức phi chính phủ về môi trường, hành động đổ lỗi cho người dân là một "thủ thuật" đã có từ nhiều thập kỷ trước. "Đây là chiến thuật đánh lạc hướng, được đưa vào các bối cảnh khác nhau", ông nhận định.
Đáp lại, phía GRIPE phủ nhận mọi thông tin tiêu cực. Trả lời các câu hỏi về trung tâm bị bỏ hoang ở Jamestown và thùng tái chế Total không được xử lý như cam kết, đại diện tổ chức chỉ thừa nhận có một số vấn đề xoay quanh hợp đồng và quá trình xuất khẩu nhựa sang châu Âu để tái chế.
Được biết chính phủ Ghana đánh thuế 10% đối với nhựa nhập khẩu như một cách để hỗ trợ việc thu gom và tái chế chất thải. Tuy nhiên, phía GRIPE chia sẻ họ không biết số tiền đó đã đi đâu và được sử dụng như thế nào, trong khi các thành viên của tổ chức đang nỗ lực "bảo vệ môi trường một cách tự nguyện".
Theo: Bloomberg