Tay mơ chê Donald Trump ăn nói "ngu ngốc", chuyên gia thì bái phục, khen ông lão luyện

20/06/2016 13:27 PM | Kinh doanh

Trong trường hợp của Donald Trump, đôi khi cách ông ấy nói và viết thậm chí còn quan trọng hơn kinh nghiệm chính trường.

Nếu để ý cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh của ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thấy nhiều điều khá thú vị. Đa phần các dòng tweet của ông ấy thường có cấu trúc giống hệt nhau: 2 câu ngắn gọn sau đó là một từ hoặc cụm từ cảm xúc và kết thúc là một dấu chấm than.

Ví dụ như sau vụ nổ súng ở Orlando vào ngày 12/6 vừa qua, ông Trump kết thúc bài phát biểu bằng câu: “We must be smart!” (Tạm dịch: Chúng ta phải thông thái!)

Ngoài ra trong quá trình tranh cử, ông Trump cũng tự sáng tạo ra những biệt danh thú vị cho các đối thủ cạnh tranh của mình như: Littel Marco, Lyin’ Ted hay Crooked Hillary.

Nhìn chung, vốn từ vựng của ông Trump khá "chân chất" khi muốn diễn tả cách ông ta sẽ làm một điều gì đó hoặc dùng lời lẽ thậm tệ khi muốn chỉ trích một ai đó. Trong suốt chiến dịch tranh cử, những câu chửi thề của ông ấy đã chịu sự phê phán mạnh mẽ và ông này hứa sẽ ngừng sử dụng những lời lẽ như vậy.

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào một người đàn ông như thế có thể trở thành ứng cử viên cho tấm vé bước vào Nhà Trắng? Chắc hẳn ông ấy phải làm được một điều gì đó đúng đắn!

Thông thường, ngôn ngữ là thứ hầu như tất cả các chính trị gia phải vận dụng để tạo ra sức ảnh hưởng. Trong trường hợp của Donald Trump, đôi khi cách ông ấy nói và viết thậm chí còn quan trọng hơn kinh nghiệm chính trường.

Chiêu thức đầu tiên là sự đơn giản. Nhiều nhà báo đôi khi công kích các chính trị gia vì sử dụng ngôn ngữ quá đơn giản, thậm chí họ còn thẳng thừng chỉ trích ông Trump “sử dụng ngôn ngữ đơn giản như một đứa trẻ 10 tuổi”.

Trong cuốn sách "Chính trị và ngôn ngữ tiếng Anh", tác giả Orwell viết rằng: “Đừng bao giờ diễn tả dài dòng nếu như một từ ngắn có thể làm điều đó”. Sự đơn giản không phải ngu xuẩn, nó khiến ngôn ngữ trở nên dễ dàng hơn để người nghe nắm bắt và đón nhận.

Có không biết bao nhiêu nghiên cứu tâm lý cho thấy rằng những gì dễ xử lý thì đều được xem là chân thật hơn. Những phát ngôn của ông Trump như: “Tôi sẽ xây dựng một bức tường lớn, đẹp và Mexico sẽ phải trả tiền để làm điều đó” nghe có vẻ phi lý nhưng nó rất dễ hiểu và bộ não con người luôn thích những thứ đơn giản như vậy.

Chiêu thức thứ hai là sự lặp lại. Ông Trump thường nói chính xác cùng một thứ nhiều lần và theo đúng một phong cách cũ. Tuy nhiên, ẩn giấu đằng sau thói quen này là cả một nghệ thuật.

Winston Churchill từng phát biểu trước người dân Anh rằng: “Chúng ta sẽ chiến đấu trên những bờ biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên những vùng đất, chúng ta sẽ chiến đấu trên những cánh đồng và trên những con đường…”.

Câu nói lặp lại được yêu thích nhất trong thế kỷ 20 có lẽ là “I Have A Dream” của Martin Luther King. Ông Trump chắc chắn không phải là Martin Luther King nhưng ông ta biết làm cách nào để khiến người nghe có thể nhớ được những gì mình nói.

Tuy nhiên, cách hiệu quả nhất mà Trump dùng để thu hút khán giả có lẽ là sự đơn giản: Ông ta không đưa ra một bài phát biểu. Thay vào đó, ông ấy trò chuyện. Sẽ không quá nếu nói kể từ khi tranh cử, ông ấy dường như không có bất cứ một bài phát biểu nào "ra hồn".

Những phóng viên đã quá chán nản với việc các chính trị gia hay ứng cử viên tổng thống luôn nhắc đi nhắc lại bài nói của mình dù có cần dùng tới giấy chuẩn bị trước hay không.

Tuy nhiên ông Trump lại khác, dù cũng thường xuyên sử dụng nghệ thuật lặp lại nhưng ông ấy lại nói rất thành thật, bộc phát và không cần chuẩn bị trước. Điều này cực kỳ thu hút giới truyền thông. Một bài phát biểu của ông Trump có thể dễ dàng trở thành những tin tức nóng hổi.

Đặc điểm không cần chuẩn bị trước này cực kỳ quan trọng. Dù một lý lẽ có chắc chắn tới đâu cũng có thể trở nên yếu thế nếu nó nghe có vẻ đã được ghi lại sẵn. Tuy nhiên, một phát ngôn dù không chắc chắn nhưng nếu là lời nói tự phát, nó sẽ được đặc biệt chú ý, nhất là với những cử chi vốn đã quá nhàm chán với những chính trị gia chuyên nghiệp.

Điều này cho thấy quy tắc nổi tiếng của Orwell về sự rõ ràng và thành thật trong tiếng Anh là một con dao 2 lưỡi vô cùng nguy hiểm. Theo đó, Orwell cho rằng, một nhà hùng biện chân chính sẽ luôn dùng những từ và câu ngắn, cụ thể và tránh những lời nói sáo rỗng.

Tuy nhiên, một kẻ mị dân (Donald Trump từng bị nhận xét là kẻ mị dân) cũng hoàn toàn có thể áp dụng công cụ này. Kết hợp với một sự tiếp cận khôn ngoan và một phong cách bình dân cuốn hút có thể tạo nên một hiệu quả rất nguy hiểm.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM