Taxi giả hiệu như nấm sau mưa

13/12/2022 12:43 PM | Xã hội

Những chiếc ôtô không có phù hiệu, không đồng hồ tính cước, tự xưng là taxi của hãng Vinasun, hãng Mai Linh và sử dụng tổng đài nhái khiến hành khách nhầm lẫn, bị chặt chém

Hiện tại, vào Google gõ từ khóa "tổng đài Vinasun", "tổng đài Mai Linh" thì hàng loạt thông tin hiển thị số điện thoại na ná xe chính hãng hiện ngay trang đầu tiên.

Mạo danh xe thương quyền

Các website hiển thị như taxivinasuns.com, tongdaitaxivinasuns.com, taxinhanhsaigon24h.com, tổng đài taxi Sài Gòn - Xe taxi Mai Linh… với các đầu số như 0377 173 827, 0367 282 727, 0868 878 727… tràn ngập trên màn hình. Nếu không tinh ý, bấm vào những số này, hành khách sẽ đi "nhầm" xe dù, xe nhái.

Taxi giả hiệu như nấm sau mưa - Ảnh 1.

Số điện thoại nhái tổng đài Vinasun hiện lên trang đầu khi khách tìm kiếm trên Google (ảnh trái) và ôtô tự nhận xe thương quyền

Trong vai hành khách, chúng tôi gọi vào số 037 717 3827 thì đầu bên kia một nam thanh niên bắt máy, giọng mềm mại "tổng đài Vinasun xin nghe". Khi chúng tôi hỏi lại "Phải taxi Vinasun không?", thanh niên này quả quyết "dạ phải, chị muốn đi đâu?".

Chúng tôi yêu cầu 1 taxi 4 chỗ đón gần cây xăng 45 Trường Sơn, quận Tân Bình đến cầu vượt Hoàng Hoa Thám cùng quận. Nam thanh niên hỏi lại "Chị cà thẻ hay trả tiền mặt". Khi biết chúng tôi trả tiền mặt, đầu dây bên kia đề nghị "đợi 5 phút tài xế gọi lại".

Khoảng 5 phút sau, 1 ôtô màu trắng biển số vàng chạy tới. Tài xế tên Th. tuổi ngoài 50, mặc áo thun xanh, quần tây hối chúng tôi lên xe ngay như muốn tránh gặp CSGT.

Lên xe, chúng tôi thắc mắc tại sao xe hãng Vinasun nhưng tài xế không mặc đồng phục, không có đồng hồ tính cước và xe không có hộp đèn, logo. Ông Th. giải thích đây là xe thương quyền, mỗi tháng phải đóng cho hãng Vinasun 6 triệu đồng. Không hộp đèn, logo hay đồng phục, tuy nhiên xe vẫn có đồng hồ tính cước hẳn hoi. Nói rồi tài xế chỉ tay vào chiếc điện thoại đặt gần vô lăng, click vào phần mềm hiển thị số km hành trình và cước phí 20.000 đồng/km.

Taxi giả hiệu như nấm sau mưa - Ảnh 2.

Tài xế không mặc đồng phục, tự nhận đang lái xe thương quyền

Chúng tôi chê cước phí cao hơn xe hãng 2.000 đồng/km thì nhận được trả lời "giá này rẻ hơn rồi". Kết thúc hành trình, cước phí cho 4 km chúng tôi phải trả là 90.000 đồng, trong khi đối chiếu với cước xe của Vinasun, xe công nghệ chỉ 65.000 đến 75.000 đồng.

Mất đồ chỉ biết kêu trời

Là hành khách từng bị nhầm bởi taxi nhái, chị Nguyễn Hoàng Dung (quận Bình Thạnh) kể trong bức xúc rằng cuối tháng 6-2022, gia đình chị ăn tiệc cưới tại khách sạn ở quận 1, khi bố chị ra về có đón xe màu trắng, tài xế xưng là của hãng Vinasun. Lúc xuống xe, khi lấy tiền trả cho tài xế, bố chị làm rơi bóp trên xe.

"Trong bóp có hơn 6 triệu đồng kèm nhiều giấy tờ cá nhân quan trọng. Tôi lập tức gọi đến tổng đài Vinasun để thông tin, yêu cầu hỗ trợ tìm lại bóp cho bố. Tuy nhiên, sau khi rà soát qua hệ thống định vị, nhân viên tổng đài thông báo không có tài xế đi cuốc xe với hành trình của bố tôi. Không biết tìm tài xế ở đâu nên chúng tôi phải chịu, đành bỏ thời gian đi làm lại tất cả giấy tờ. Rất vất vả" - chị Dung cho hay.

Còn anh Nguyễn Tấn Vũ (quận 12) là trường hợp bị "chặt đẹp". Người đàn ông kể hồi cuối tháng 10 do không nhớ chính xác tổng đài Vinasun nên anh lên Google tìm kiếm, thấy số điện thoại 035 447 2727 hiện lên đầu tiên, anh liền gọi. Khi gọi, bên kia xưng là "tổng đài Vinasun xin nghe" nên anh an tâm đặt xe. Sau 4 phút, chiếc xe màu trắng 7 chỗ biển số trắng tới đón, không có logo, bảng hiệu. "Thấy lạ, tôi thắc mắc thì tài xế cho biết xe thương quyền của hãng, tính đúng giá cước của hãng. Tuy nhiên, tài xế tính 300.000 đồng đi từ đường Phan Văn Hớn, quận 12 đến đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận trong khi quãng đường này đi taxi chỉ khoảng 230.000 đồng" - anh Vũ ấm ức.

Khởi kiện các nhà xe nhái, giả thương hiệu

Đại diện hãng xe Vinasun cho biết những xe nhái, xe giả thương hiệu như trên khiến hãng rất đau đầu vì thường xuyên bị khách hàng gọi điện mắng vốn về giá cước cao, tài xế chạy lòng vòng, khách mất đồ…

Taxi Vinasun hiện có các dòng xe gồm xe truyền thống, xe VIP và xe thương quyền. "Dù là xe thương quyền nhưng vẫn phải có logo, đồng hồ tính cước, hộp đen và tất cả dữ liệu truyền về hãng để khi có sự vụ cần trích xuất hãng đều có" - đại diện hãng xe Vinasun khẳng định.

Taxi giả hiệu như nấm sau mưa - Ảnh 3.

Tài xế xưng là tài xế Vinasun nhưng chạy xe biển số trắng đến đón khách

Ông Tạ Long Hỷ, Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), nhìn nhận taxi mạo danh đang gây bất an trên thị trường vận tải hành khách bằng taxi, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến thương hiệu uy tín của các hãng chính danh. Đặc biệt, việc này xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tiềm ẩn về an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Vinasun đã gửi đơn khởi kiện 4 doanh nghiệp có hành vi giả mạo thương hiệu đến TAND TP HCM. Song song đó, Vinasun cũng kiến nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Công an thành phố và các địa phương tăng cường tuần tra, xử lý các phương tiện nhái, giả mạo này, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán tới đây.

Đại diện hãng taxi Mai Linh cũng cho biết thời gian qua, tổng đài của hãng nhận nhiều cuộc điện thoại than phiền của hành khách về giá cước cao, xe chạy lòng vòng… Qua tìm hiểu, những xe này đã nhái thương hiệu Mai Linh khi quảng bá số điện thoại na ná trên Google.

"Hiện nay, trên toàn quốc Mai Linh chỉ sử dụng tổng đài duy nhất là 1055, rất dễ nhớ. Ngoài xe truyền thống, Mai Linh có xe thương quyền những vẫn phải có logo Mai Linh, đồng hồ tính cước và chỉ nhận khách qua tổng đài 1055 hoặc qua app của hãng" - đại diện taxi Mai Linh nói, đồng thời khuyến cáo dịp Tết đến, các xe nhái sẽ hoạt động nhiều hơn. Do đó, hành khách cần nắm rõ thông tin để hạn chế bị nhầm lẫn.

“Các trường hợp taxi nhái, giả mạo sẽ bị xử lý nghiêm. Người dân khi gặp các trường hợp giả mạo hoặc xe trá hình nên lưu lại thông tin báo cho cơ quan chức năng hoặc qua đường dây nóng của Thanh tra Sở: 028.3830.0701, thường trực 24/24” - đại diện Sở GTVT cho hay.

Xử mạnh trong cao điểm Tết

Đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết việc kiểm tra, xử lý hoạt động đón trả khách bằng taxi, xe công nghệ vẫn được Thanh tra Sở tiến hành thường xuyên. Dịp Tết dương lịch và Nguyên đán sắp tới, Thanh tra Sở sẽ tăng cường lực lượng phối hợp với các lực lượng chức năng như CSGT, công an địa phương để kiểm tra, xử lý tại các điểm như nhà ga, bến xe, cảng hàng không Tân Sơn Nhất...

Theo Thanh tra Sở GTVT, từ đầu tháng 6- 2022 đến nay, đơn vị đã phát hiện và lập biên bản 50 trường hợp vi phạm liên quan hoạt động vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố với số tiền xử phạt là 117 triệu đồng. Bên cạnh đó, đã phát hiện và lập biên bản 413 trường hợp vi phạm khác trong khu vực sân bay với số tiền xử phạt hơn 1 tỉ đồng. Đa số lỗi vi phạm là đậu, đỗ, đón trả khách không đúng quy định và không niêm yết tên, số điện thoại và tên đơn vị kinh doanh.

Nhiều xe dù đón khách ở sân bay

Sáng 12-12, vừa đáp chuyến bay từ Cam Ranh đến sân bay Tân Sơn Nhất, anh Nguyễn Văn Quý (quận 3) lập tức bị một thanh niên mặc thường phục mời gọi, chèo kéo đi taxi ngoài với giá "mềm". Thanh niên này cho biết khách không cần chờ đợi để xếp hàng đi xe hãng, chỉ cần thỏa thuận giá thì lên đường ngay.

Anh Quý hỏi giá cuốc xe từ sân bay về chợ Bến Thành bao nhiêu thì được báo giá 450.000 đồng. Quá đắt, anh Quý bỏ đi. Tiếp tục đi thẳng về nhà xe TCP để đón xe công nghệ, anh Quý liền bị hai thanh niên khác chạy theo mời gọi đi xe ngoài với giá thương lượng...

Theo Thu Hồng

Cùng chuyên mục
XEM