Tập đoàn Lộc Trời lãi 116 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, muốn phát triển tổ bay drone 200 người để phun thuốc 20.000ha vụ Đông Xuân
Tập đoàn Lộc Trời đã bước đầu ứng dụng thành công máy bay không người lái (drone) vào sản xuất nông nghiệp, được sự ủng hộ và tin tưởng của đông đảo nông dân và chính quyền địa phương. Điều này sẽ giúp bà con nông dân tiết giảm chi phí vật tư nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 2.200 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời, ngành Thuốc bảo vệ thực vật có doanh thu thuần giảm 53% so với cùng kỳ nhưng đây là mức giảm thấp nếu so với mức giảm chung của các công ty cùng ngành, từ 50-70%. Ba nguyên nhân sụt giảm của toàn thị trường là do giá nông sản giảm (10-15%) nên nông dân giảm đầu tư, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn, diện tích canh tác vụ hè thu giảm và thời tiết tương đối thuận lợi, ít dịch bệnh sâu hại nên lượng tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật giảm.
Trong quý 1/2020, Lộc Trời dành toàn bộ thời gian để thu hồi công nợ của ngành này, tái cấu trúc hệ thống phân phối bằng các tiêu chí xếp hạng tín dụng của ngân hàng và theo khu vực với mục đích tối ưu hóa nguồn lực và tiết giảm chi phí logistics, cũng như bắt đầu áp dụng mô hình bán hàng không công nợ.
Từ quý 2/2020, mô hình bán hàng không công nợ đã bắt đầu được hệ thống phân phối chấp nhận với doanh thu ngành quý 2 đạt 943 tỷ, xấp xỉ 75% so với ngân sách. Với chính sách bán hàng thu tiền mặt, tính tại 30/6/2020, khoản phải thu của ngành vật tư nông nghiệp chỉ còn 652 tỷ, giảm đến hơn 1.657 tỷ so với cùng kỳ 2019 là 2.309 tỷ. Chính sách này đã khiến chi phí lãi vay giảm đáng kể, không phát sinh thêm nợ xấu và các chỉ số tài chính an toàn hơn.
Đối với ngành Giống, doanh thu giảm do tập trung thu hồi nợ, sắp xếp lại hệ thống đại lý riêng cho ngành này và xây dựng chính sách bán hàng phù hợp. Lộc Trời đang phối hợp với các đối tác để mở rộng độ phủ của ngành về rau ôn đới, rau nhiệt đới, bắp ăn và bắp dùng làm nguyên liệu thức ăn gia súc, các giống lai phù hợp với canh tác.
Với ngành Lương thực, doanh thu giảm do phần xuất khẩu gặp khó khăn trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 và hệ thống bán hàng nội địa chưa hoàn chỉnh nhưng biên độ lợi nhuận tăng dẫn đến số lỗ toàn ngành đã giảm so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng tồn kho giảm hơn 55% so với cùng kỳ và chất lượng lúa gạo tồn kho ở vùng an toàn do thời gian lưu kho dưới 6 tháng. Lợi nhuận trước khấu hao và lãi vay đạt 8 tỷ so với cùng kỳ 2019 lỗ 23 tỷ. Đây là tín hiệu cho thấy mô hình kinh doanh điều hành theo việc mua không quá giá trần, bán không dưới giá sàn và hạch toán theo từng lô bước đầu phát huy hiệu quả.
Về mặt chi phí, Lộc Trời đã cắt giảm 31% các chi phí quảng cáo tiếp thị, chi phí di chuyển (do dịch bệnh và do ứng dụng công nghệ cao trong việc tổ chức các cuộc họp nội bộ và với các đối tác), chi phí khuyến mại, vận chuyển, xuất khẩu, các chi phí dự phòng công nợ do việc xử lý công nợ tốt hơn …
Lộc Trời cho biết, công ty đang muốn trở thành Tập đoàn dịch vụ nông nghiệp. Song song với việc thành lập Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời với mục đích chuyên nghiệp hóa công tác nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, Lộc Trời đã đầu tư và sát nhập công ty Quản nông Xanh làm thành viên mới nhất với vai trò cung cấp dịch vụ số hoá nông nghiệp (drone). Bên cạnh đó, LTG đang dần hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Công ty đã bước đầu ứng dụng thành công máy bay không người lái (drone) vào sản xuất nông nghiệp, được sự ủng hộ và tin tưởng của đông đảo nông dân và chính quyền địa phương. Đây là tiền đề để Lộc Trời phát triển và đào tạo hơn 100 tổ bay với hơn 200 cán bộ chuyên trách, để mở rộng qui mô phục vụ hơn 20.000 ha vụ Đông Xuân 20-21 giúp cho bà con nông dân tiết giảm chi phí vật tư nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng bắt đầu thực hiện liên kết hình thành hợp tác xã tại địa phương như một chiến lược xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản bền vững, giúp cho bà con nông dân giải quyết được những khó khăn trong khâu kỹ thuật sản xuất và tìm kiếm đầu ra ổn định không còn lệ thuộc, chèn ép bởi các thương lái.
LTG cũng phối hợp với các tổ chức tín dụng, cung cấp tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp thông qua hợp tác xã và hệ thống phân phối với lãi suất 0% theo từng vụ mùa.