Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục đóng cửa hàng loạt chi nhánh, cũng "vội vã" không kém lúc mở rộng!
Trước đó, vào khoảng cuối tháng 1/2019,Tập đoàn Hoa Sen cũng vừa đóng cửa đồng loạt 21 chi nhánh, với lý do tương tự.
Trong thông báo mới phát đi, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tiếp tục chấm dứt hoạt động 10 chi nhánh, lý do nhằm tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình Chi nhánh Tỉnh, phục vụ công tác chuyển đổi các Chi nhánh thành Địa điểm kinh doanh thuộc Chi nhánh Tỉnh nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động. Trước đó, vào khoảng cuối tháng 1/2019, Hoa Sen cũng vừa đóng cửa đồng loạt 21 chi nhánh, với lý do tương tự.
Đây là động thái nằm trong chiến lược tái cấu trúc hoạt động được đề ra trong năm 2019, đi cùng một số công tác thanh lý đất đai, mặt bằng, nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải… từ đó thu hồi vốn cũng như chi phí đầu tư, trong bối cảnh khó khăn bủa vây.
1 tháng đóng cửa hơn 30 chi nhánh
Thực tế, kế hoạch đóng cửa lần lượt các chi nhánh cũng là một trong những vấn đề lớn được Hoa Sen bàn luận tại ĐHCĐ thường niên đầu năm nay, tức Công ty sẽ gom tất cả chi nhánh về còn một chi nhánh/tỉnh, thông qua việc bán lại các cửa hàng cho HSG với giá theo cơ chế thị trường. Bởi, "nguyên tắc kinh doanh trong thị trường không có chuyện nhiều thương hiệu cùng hoạt động", Chủ tịch Lê Phước Vũ cho hay, "Hoa Sen đã có 15 năm thừa thắng xông lên, đá đâu thắng đó, nhưng với chu kỳ giảm này, Hoa Sen phải tập chơi đổ bê tông". Bên cạnh đó, Hoa Sen cũng đã áp dụng hệ thống ERP thành công giúp tinh gọn bộ máy, giảm nhân viên từ 9.300 về còn 7.000 người, dự báo tiếp tục cắt giảm trong tương lai.
Nếu những năm 2015-2017, Hoa Sen ồ ạt mở rộng hệ thống, đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần, thì đến nay trước khó khăn lớn, cách Công ty xoay chuyển sang thu gọn cũng diễn ra với tốc độ nhanh không kém.
Nhớ lại, những năm 2018 về trước, bành trướng độ phủ là kim chỉ nam hoạt động, Hoa Sen theo đó liên tục mở mới chi nhánh tại khắp các tỉnh thành, ít nhiều tiêu tốn lợi nhuận có được. Đỉnh điểm năm 2017, số lượng chi nhánh mở mới trong năm lên tới 121 đơn vị, nâng tổng số cửa hàng cuối năm đạt 371 chi nhánh/cửa hàng. Công ty còn mục tiêu đẩy số lượng chạm mức 1.200 chi nhánh/cửa hàng đến năm 2020.
Song, đời không đoán được chữ ngờ, căng thẳng thương mại manh nha và leo thang sau đó kể từ thời điểm Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ngành thép toàn cầu biến động ngoài dự đoán. Kết quả, việc đầu cơ trở thành "phản đòn" ăn mòn doanh số của Hoa Sen, thông qua chỉ tiêu giá vốn. Việc mở rộng hệ thống ngay lập tức trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, chi phí vay, chi phí hoạt động, đầu tư… khiến Hoa Sen phải dừng tham vọng vượt ngàn chi nhánh. Chỉ vỏn vẹn 1 tháng, Hoa Sen đã đóng cửa ồ ạt hàng chục chi nhánh, và dự báo tiếp tục đẩy mạnh công tác thu gọn.
Nhận 60 chi nhánh của Đầu tư Hoa Sen về hệ thống phân phối
Trở lại với định hướng hoạt động thời gian tới, HĐQT Hoa Sen cũng vừa thông qua việc nhận chuyển nhượng thêm một số chi nhánh thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen (Đầu tư Hoa Sen) theo chủ trương tái cấu trúc hệ thống phân phối. Theo kế hoạch, Hoa Sen sẽ nhận chuyển nhượng thêm khoảng 60 chi nhánh trực thuộc Đầu tư Hoa Sen tại các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Qua đó, ông ty sẽ nâng tổng số chi nhánh nhận chuyển nhượng từ Đầu tư Hoa Sen lên khoảng 161 (đã bao gồm 101 chi nhánh tiếp nhận năm 2018).
Mặt khác, Hoa Sen cho biết cũng sẽ cân nhắc tiếp tục nhận chuyển nhượng thêm các chi nhánh thuộc Đầu tư Hoa Sen để phát triển hệ thống phân phối lên 500-600 chi nhánh tại từng thời điểm thích hợp. Thời gian hoàn thành dự kiến trong tháng 3/2019.
Tính đến cuối năm 2018, Hoa Sen có 491 chi nhánh, cửa hàng trên cả nước. Còn theo lời người đứng đầu Hoa Sen tại thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ, hiện Tập đoàn mới chỉ đạt 500 cửa hàng, cộng với 100 đơn vị của Công ty đầu tư liên quan thì tổng đạt khoảng 600. Như vậy năm 2018 Hoa Sen đã không mở được 100 cửa hàng vì khủng hoảng do Trump, và ngay lập tức sau sự kiện Trump ngày 18/3 ban lãnh đạo Hoa Sen thay đổi chiến lược ngưng đầu tư, tập trung giảm hàng tồn kho.
Một điểm đáng quan tâm khác, HĐQT Hoa Sen đã thông qua chủ trương tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược, nhà đầu tư khác. Giá trị phát hành dự kiến là 500-1.000 tỷ đồng, mục đích nhằm bổ sung vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên thị trường, từ đầu năm 2019, cổ phiếu HSG ghi nhận đà hồi phục mạnh mẽ gần 40%, từ mức giá 6.500 đồng/cp đến nay đang giao dịch tại mức 9.300 đồng/cp.