Tăng gần 10% trong tuần, giá dầu lên cao nhất 1 năm nhờ kinh tế Mỹ
Giá dầu thế giới phiên cuối tuần tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm, kéo dài chuỗi những phiên tăng mạnh, sau những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng khả quan, với đơn đặt hàng tháng 12/2020 tăng mạnh, và các nước xuất khẩu dầu mỏ cam kết kìm hãm nguồn cung dầu thô.
Chiều 5/2 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 40 US cent (0,7%) lên 59,41 USD/thùng, cao nhất kể từ 20/2/2020; tính chung cả tuần giá Brent tăng 6%.
Tương tự, dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cùng thời điểm tăng 42 US cent (0,8%) lên 56,84 USD/thùng, cao nhất kể từ 22/1/2020; tính chung cả tuần tăng gần 9%, là tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 10.
Nhà phân tích năng lượng thuộc Vanda Insights, Vandana Hari, cho biết: "Nhà đầu tư thêm tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế và nhu cầu dầu trong thời gian tới là động lực chính cho thị trường dầu mỏ lúc này dầu thô". Theo ông: "Việc Saudi Arabia cam kết cắt giảm thêm nguồn cung sẽ càng làm giảm nguồn cung" và "Dầu Brent có thể đang tiến tới ngưỡng 60 USD".
Một dấu hiệu nữa cho thấy nguồn cung đang giảm dần, đó là chênh lệch giá dầu Brent và WTI kỳ hạn giao ngay so với kỳ hạn 6 tháng đã tăng lên mức cao nhất 13 tháng, lần lượt là 2,41 USD và 2,3 USD/thùng.
Michael McCarthy, chiến lược gia trưởng của CMC Markets, cho biết: "Mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC + đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực" - khi nói đến việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu (OPEC+). Liên minh này trong tuần này đã tái ủng hộ việc cắt giảm mạnh nguồn cung, động thái giúp làm giảm đáng kể lượng tồn trữ dầu thô trên toàn cầu. Theo McCarthy: "Thêm những dấu hiệu tích cực về tăng trưởng kinh tế thì giá dầu sẽ tăng dần".
Chiến lược gia thị trường toàn cầu Stephen Innes của Axi cho biết nhu cầu dầu thô của Trung Quốc cũng đang góp phần tích cực đẩy giá dầu đi lên, thể hiện ở việc có 2 tàu chở dầu thô Biển Bắc sẽ đến Trung Quốc vào 22/3 và 24/3.
Ngày 3/2/2021, Hội đồng giám sát chiến lược của liên minh OPEC+ - Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng - tiến hành họp trực tuyến để đánh giá triển vọng. Kết quả Ủy ban không đề xuất các chính sách mới, mà sẽ giải quyết các vấn đề tại cuộc họp OPEC + đầy đủ tiếp theo vào đầu tháng 3, với quan điểm là thị trường sẽ chưa phục hồi hoàn toàn cho đến khi du lịch hàng không tăng lên, vào khoảng quý thứ ba năm nay.
Saudi Arabia thường lựa chọn ưu tiên hạn chế sản lượng đã được chứng thực bằng việc tung ra vắc-xin một cách khó khăn và các đợt hạn chế mới đối với những thị trường tiêu dùng quan trọng như Trung Quốc.
Trong thông cáo mới nhất, Ủy ban Giám sát cấp Bộ trưởng OPEC bày tỏ sự lạc quan" về sự phục hồi của thị trường trong năm 2021. OPEC+ cho rằng quá trình tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 đang từng bước được triển khai trên toàn thế giới sẽ là nhân tố tích cực trong năm nay, thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.
Kể từ đầu tháng 11/2020, niềm tin đã trở lại trên thị trường dầu mỏ khi giá dầu thô dần phục hồi và hiện được giao dịch quanh ngưỡng 60 USD/thùng, tương đương mức giá của giai đoạn đầu năm ngoái.
Thị trường dầu đã hồi phục dần sau khi các thành viên OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng để đối phó với nhu cầu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo kế hoạch, OPEC+ tiếp tục cắt giảm 7,125 triệu thùng/ngày trong tháng 2 này và 7,05 triệu thùng/ngày trong tháng 3 tới. Bên cạnh đó, Saudi Arabia đã cam kết cắt giảm tự nguyện thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 2-3/2021 để duy trì sự cân bằng trên thị trường.
Giới phân tích dự báo OPEC+ có thể đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo vào ngày 4/3 tới.
Tham khảo: Reuters