Tăng cường hợp tác Việt Nam - Australia trong sản xuất bền vững
Với sự hỗ trợ từ Australia, quốc gia tiên phong về sản xuất bền vững và đào tạo nhân lực xanh, Việt Nam có cơ hội lớn để nâng cao kỹ năng lao động và thúc đẩy công nghiệp xanh.
Phát triển bền vững - xu thế tất yếu mang tính toàn cầu
Theo Tổng cục Thống kê, từ 2010 - 2023, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 6%. Các ngành như du lịch, FDI, xuất khẩu nguyên liệu thô và sản xuất đóng vai trò quan trọng trong đà tăng trưởng này.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hiện đã chậm lại so với mức 6,6% của những năm 2000 và 7,4% thập niên 1990, cho thấy Việt Nam cần chiến lược phát triển bền vững để thích ứng với biến động toàn cầu.
Ngành sản xuất, trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, đang đối mặt với thách thức lớn về môi trường. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp xi măng đã thải ra khoảng 62-70 triệu tấn CO2 trong 5 năm qua, góp phần đáng kể vào ô nhiễm môi trường.
Nghiên cứu năm 2022 của ManpowerGroup Việt Nam cho thấy ngành sản xuất chiếm gần 48% vị trí tuyển dụng việc làm xanh. Tuy nhiên, sự thiếu hụt lao động tay nghề cao đang cản trở quá trình chuyển đổi này.
Nhu cầu nhân lực xanh tại Việt Nam (Số liệu năm 2022 từ ManpowerGroup Vietnam)
Phát biểu tại hội thảo về giáo dục kỹ năng xanh năm 2023, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho biết: "Hiện tại, nhu cầu về kỹ năng xanh đang vượt xa khả năng cung ứng. Đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động có thể thiếu hụt các kỹ năng cần thiết để phát triển trong nền kinh tế xanh."
Năng lực đào tạo của Australia phù hợp, khỏa lấp khoảng trống nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam
Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia vào tháng 3, hành lang kinh tế giữa Australia và Việt Nam đã được xác định là một trong những lĩnh vực hợp tác trọng điểm. Điều này thể hiện rõ tham vọng của Australia trong việc mở rộng vai trò tại Đông Nam Á và thúc đẩy quan hệ kinh doanh với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất bền vững.
Australia đạt tiến bộ lớn trong sản xuất bền vững nhờ cam kết của chính phủ và đầu tư vào nghiên cứu vật liệu tiên tiến. Một trong những sáng kiến nổi bật tại Australia là Trung tâm Vật liệu và Sản xuất Tiên tiến (CAMM) thuộc Đại học Edith Cowan (ECU), với lĩnh vực nghiên cứu chính là in 3D kim loại, hợp kim titan sinh học, hợp kim nano nhẹ và vật liệu nano xử lý nước thải.
Bên cạnh đó, Viện Vật liệu và Sản xuất Tương lai (MMFI) tại Đại học New South Wales (UNSW) cũng là một trung tâm nghiên cứu nhận được nhiều sự quan tâm, dẫn đầu trong các công nghệ sản xuất tiên tiến, trí tuệ nhân tạo và công nghệ tích hợp.
Thế mạnh công nghệ xanh của Australia mở ra cơ hội lớn để Việt Nam học hỏi và áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững, giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy công nghiệp xanh.
Tháng 9 vừa qua, phái đoàn giáo dục Australia đã thăm Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu Kinh doanh Đông Nam Á (A-SEABX), nhằm mở rộng hợp tác trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt là các mô hình hợp tác giữa giáo dục, doanh nghiệp và cơ quan chính sách.
Các giáo sư và chuyên gia ngành đến từ Australia và Việt Nam thảo luận về việc xây dựng nguồn nhân lực xanh tương lai cho Việt Nam tại Hội thảo do Austrade tổ chức. Nguồn: Austrade
Năm 2023, Tập đoàn Siemens đã phối hợp với Đại học Công nghệ Sydney (UTS) triển khai khóa học Quản lý Tự động hóa Công nghiệp Hiện đại, tài trợ bởi chính quyền bang New South Wales. Khóa học 40 giờ giới thiệu các giải pháp tự động hóa tiên tiến, thu hút nhiều quản lý sản xuất.
Phó Giáo sư Trianni chia sẻ, "Sự kết hợp giữa chuyên môn của UTS và Siemens cho phép chúng tôi cung cấp những giải pháp tối ưu, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các nhà quản lý hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ."
Nội dung khóa học Quản lý Tự động hóa Công nghiệp Hiện đại được phối hợp tổ chức giữa Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và Tập đoàn Siemens
Sự hợp tác này cũng phản ánh xu hướng ngày càng phổ biến tại Australia, khi các tổ chức giáo dục như Đại học RMIT và Viện Phát triển Bền vững Monash đang thiết kế các khóa học chuyên biệt nhằm trang bị cho doanh nghiệp những kỹ năng cần thiết để thích ứng với các thách thức về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Việt Nam có thể hợp tác với Australia để xây dựng mạng lưới chuyên gia, thúc đẩy trao đổi kiến thức và phát triển nhân lực. Quan hệ đối tác chiến lược giúp giải quyết thiếu hụt kỹ năng trong ngành sản xuất, mang lại lợi ích đôi bên. Sự kết hợp giữa lao động trẻ của Việt Nam và ngành sản xuất, giáo dục tiên tiến của Australia hứa hẹn thúc đẩy phát triển và nâng cao kỹ năng cho cả hai nước.