Tăng 75% từ đầu năm nhờ xuất khẩu thuận lợi, Vĩnh Hoàn (VHC) có thể thành công ty thủy sản đầu tiên đạt vốn hóa tỷ đô
Vĩnh Hoàn và nhiều cổ phiếu thủy sản khác đồng loạt tăng trần ngày 1/6.
Kết phiên 1/6/2022, cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn kịch trần với 109.900 đồng/cp, thanh khoản hơn 3,4 triệu đơn vị. Đây cũng là mức đỉnh mới của VHC trong 15 năm qua, vốn hoá theo đó xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, tăng gần 75% từ đầu năm.
Cổ phiếu thủy sản đồng loạt tăng trần ngày 1/6
Sự tăng giá mạnh mẽ của VHC là phản ánh cho nền tảng kinh doanh vững chắc cùng cơ hội lớn từ căng thẳng Nga – Ukraine hiện nay. Trong đó, xung đột Nga - Ukraine mở ra thị trường lớn cho cá tra Việt Nam khi sản phẩm này được kỳ vọng có thể thế chỗ cho các minh thái của Nga trong khẩu phần ăn của người dân khu vực châu Âu.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc VHC, cũng nhấn mạnh xung đột Nga và Ukraine sẽ tạo lợi thế cho công ty tại thị trường EU. Trong đó, một số siêu thị bắt đầu có động thái hạn chế nhập khẩu cá minh thái và cá haddock của Nga. Trong khi nhu cầu cá thịt trắng ở EU đang rất cao. Do đó, đây là cơ hội cho cá tra Việt Nam nói chung và VHC nói riêng.
Hiện, thị trường thuỷ sản Châu Âu đang phụ thuộc nhiều vào cá thịt trắng của Nga. Theo dữ liệu từ Groundfish Forum, Nga đứng đầu về sản lượng cá minh thái trên toàn cầu, và thứ hai về cá tuyết Đại Tây Dương, cá tuyết Thái Bình Dương và cá tuyết chấm đen. Như vậy, các nhà nhập khẩu cá thịt trắng châu Âu đã và đang đối mặt với thách thức lớn trong việc tìm các nguồn thay thế trong trường hợp EU ra lệnh cấm đối với mặt hàng này của Nga. Đây chính là cơ hội để con cá tra lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại.
Chỉ tính riêng thị trường Anh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) mới đây cũng nhận định cuộc xung đột Nga - Ukraine vừa qua diễn ra tưởng như không liên quan tới thương mại cá tra Việt Nam - Anh nhưng có thể điều này lại đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.
Trước đó, năm 2020, Anh phải nhập khẩu trực tiếp đến 48.000 tấn cá thịt trắng từ Nga, thậm chí Anh cũng nhập khẩu 143.000 tấn cá thịt trắng từ Trung Quốc nhưng xuất xứ từ Nga. Một lượng cá thịt trắng nhập khẩu của Anh khác từ Nauy, Ba Lan, Đức cũng có xuất xứ từ Nga.
Theo tính toán, sự sụt giảm lượng cá thịt trắng đột ngột này của Anh có thể đẩy giá nguyên liệu thủy sản tại thị trường này tăng ít nhất từ 20-30% so với trước, các nhà nhập khẩu của Anh đang gặp nhiều khó khăn để tìm nguồn sản phẩm thay thế, giảm thiểu sự thiệt hại cho người tiêu dùng.
Vì vậy, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam có thể nắm bắt để đẩy mạnh doanh số bán hàng ở thị trường này. Trong đó, VHC đang là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều cá tra nhất sang Anh, theo số liệu của VASEP.
Thực tế, chỉ số kinh doanh của VHC cũng liên tục bứt phá. Lũy kế 4 tháng đầu năm, VHC ghi nhận tổng doanh thu 4.924 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo BCTC quý 1/2022, Công ty ghi nhận lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 548 tỷ đồng, gấp 4,2 lần. Kết quả này đến từ việc sản lượng và giá bán cùng tăng, hầu hết các thị trường đều hồi phục, đặc biệt là Mỹ và EU.
Tận dụng đà tăng mạnh của cổ phiếu, Công ty vừa lên kế hoạch bán 1,4 triệu cổ phiếu quỹ để tăng nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian giao dịch sau khi được UBCK chấp thuận.