TAND TP.HCM căng bạt, chờ đón 4.300 bị hại tới phiên xử vụ án Công ty Alibaba

07/12/2022 14:11 PM | Kinh doanh

Chuẩn bị cho phiên xét xử vụ lừa đảo tại Công ty Alibaba do Nguyễn Thái Luyện đứng đầu vào ngày mai (8/12), TAND TP.HCM đã căng 3 nhà bạt, sẵn sàng đón 4.300 bị hại.

3 nhà bạt được dựng kiên cố tại TAND TP.HCM.
3 nhà bạt được dựng kiên cố tại TAND TP.HCM.

Ghi nhận của PV VTC News sáng 7/12 tại TAND TP.HCM, nơi sẽ diễn ra phiên tòa xét xử vụ lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba vào ngày mai (8/12), các nhà bạt đã được dựng kiên cố, sẵn sàng đón hơn 4.300 bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến tham dự phiên tòa.

Đây là vụ án phá vỡ nhiều kỷ lục từ trước đến nay khi hồ sơ khoảng một triệu bút lục, được đựng trong 140 chiếc rương, vận chuyển bằng 2 xe tải. Khoảng 5.000 người tham gia tố tụng, trong đó riêng số người bị hại đã lên tới 4.361 người.

Theo dự kiến, Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Trần Minh Châu, đại diện VKS có 3 kiểm sát viên là Lê Thị Đông, Phạm Văn Hiển và Châu Hoàng Sơn. Vụ án có 44 luật sư bào chữa cho các bị cáo, bị hại.

Ngoài bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba - gọi tắt Công ty Alibaba) còn có các bị cáo: Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (Phó Tổng Giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Alibaba), Huỳnh Thị Ngọc Như (Phó Tổng Giám đốc phụ trách đào tạo của Công ty Alibaba) cùng 17 đồng phạm bị ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

TAND TP.HCM dựng rạp ở sân tòa, đồng thời liên thông hai phòng xử lớn nhất của tòa để tiến hành xét xử. Để tránh ảnh hưởng đến thời gian của hàng nghìn người được triệu tập, tòa phối hợp với các cơ quan chức năng trong khu vực giữ an ninh cho phiên xử. Để nghiên cứu hồ sơ trong 4 tháng, toà phải thành lập tổ giúp việc gồm 4 thẩm phán và 4 thư ký.

Trước đó, ngày 5/10, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ban hành kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện cùng 22 đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.

Theo kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã hoàn tất việc thống kê các bị hại đã gửi đơn tố giác; thông báo kết quả điều tra đến từng bị hại, trừ các trường hợp gửi đơn tố giác qua bưu điện, không đủ thông tin, không thể mời làm việc để xác định tư các tham gia tố tụng trong vụ án.

Đối với yêu cầu điều tra bổ sung số lượng bị hại, thiệt hại của vụ án, danh sách bị hại và tổng số tiền các bị can chiếm đoạt, Công an TP.HCM xác định tính đến ngày 20/1 đã có 4.361 nạn nhân gửi đơn trình báo, tố giác. Trong đó, Công an TP.HCM đã làm việc với 3.999 nạn nhân, còn 362 trường hợp không đến làm việc. Để đảm bảo không bỏ sót bị hại, trong thời gian truy tố vụ án, Công an TP.HCM sẽ tiếp tục ghi lời khai của 229 bị hại gửi đơn tố giác sau ngày 20/1 đến nay và 362 trường hợp chưa đến cơ quan công an làm việc.

TAND TP.HCM căng bạt, chờ đón 4.300 bị hại tới phiên xử vụ án Công ty Alibaba - Ảnh 1.

Đây là vụ án phá vỡ kỷ lục khi có khoảng 5.000 người tham gia tố tụng.

Quá trình điều tra bổ sung, các bị can Nguyễn Thái Luyện, Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Bùi Minh Đức (Phó Giám đốc phụ trách đầu tư Công ty Alibaba) khai Công ty Alibaba không chủ trương trả tiền hoa hồng cho những người giới thiệu các thửa đất, nhận chuyển nhượng từ chủ đất. Việc chi tiền, hạch toán này không được thể hiện trong sổ sách kế toán.

Ngoài ra, Luyện và Mai khai ngoài những bị can bị khởi tố, các nhân viên Công ty địa ốc Alibaba không biết và không tham gia giúp sức cho Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội.

Hôm 12/8 vừa qua, TAND TP.HCM đã lên lịch xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty địa ốc Alibaba, thời gian diễn ra phiên tòa dự kiến kéo dài trong 2 tháng. Sau đó, tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện KSND TP.HCM đề nghị điều tra bổ sung.

Theo quyết định này, kể từ khi phát thông báo hạn cuối tiếp nhận trình báo của các bị hại trong vụ án này là ngày 31/8, đến nay có 34 cá nhân đến tòa trình báo là bị hại trong vụ án. Từ đó, tòa đề nghị VKS bổ sung danh sách những bị hại này và số tiền chiếm đoạt của từng người.

Ngoài ra, tòa cũng đề nghị VKS xác định lại số lượng bị hại có thể không phải 4.316 người (con số cáo trạng xác định) và thiệt hại của vụ án cũng có thể nhiều hơn 2.264 tỷ đồng. Đồng thời, xác định lại các vấn đề như: Kết luận điều tra có sự trùng lặp bị hại không; có bỏ sót bị hại không; một số bị hại không xác định cụ thể là bị hại của dự án nào...

Tòa cũng yêu cầu VKS làm rõ tư cách tố tụng của các trường hợp nhiều cá nhân đứng tên trên cùng một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

TAND TP.HCM căng bạt, chờ đón 4.300 bị hại tới phiên xử vụ án Công ty Alibaba - Ảnh 2.

Nguyễn Thái Luyện lúc còn điều hành Công ty Alibaba.

Theo hồ sơ, Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng 22 pháp nhân đã thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 "dự án ma". Sau đó, bị can thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho hàng nghìn khách hàng.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Theo Thy Huệ/VTC

Cùng chuyên mục
XEM