img
Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 1.


Tổng thống Mỹ được bầu cứ 4 năm một lần. Cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 5-11 năm nay (giờ Mỹ) là lần bầu cử tổng thống thứ 60 ở cường quốc này.

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 2.

Các ứng viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Đồ họa: Phạm Nghĩa - Thanh Long

Bầu tổng thống 60 lần nhưng tổng thống đương nhiệm Joe Biden là vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Nguyên do ở chỗ có người cầm quyền hai nhiệm kỳ tổng thống liền và có một người 4 lần đắc cử tổng thống. Lại còn có một người cầm quyền hai nhiệm kỳ không liên tục nên được xếp thành 2 lần làm tổng thống Mỹ.

Nếu ông Donald Trump chiến thắng ở lần bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới thì sẽ trở thành người thứ hai ở diện này. Cùng với cuộc so găng giữa ông Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris còn có cuộc bầu lại toàn bộ 435 dân biểu Hạ viện, 34 trong tổng số 100 thành viên Thượng viện và thống đốc ở 11 bang.

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 3.

Ông Donald Trump

Đương nhiên, cuộc bầu cử tổng thống được để ý đến nhiều hơn cả ở trong cũng như ngoài nước Mỹ vì tổng thống ở Mỹ được hiến pháp trao cho rất nhiều quyền hạn hành pháp sâu rộng. Bất cứ ai thuộc đảng phái chính trị nào lên cầm quyền cũng đều có thể làm thay đổi nước Mỹ theo quan điểm và chủ định của mình. Nếu đắc cử, ông Donald Trump chắc chắn sẽ không lặp lại nhiệm kỳ cầm quyền trước còn bà Kamala Harris chắc chắn sẽ không tiếp tục mọi chính sách cầm quyền của ông Joe Biden.

Câu hỏi hiện được mong muốn trả lời nhiều nhất là ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump hay bà Harris? Trước ngày bầu cử, thiên hạ thường dựa vào kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ để dự đoán. Cho tới nay, chỉ có rất ít người, không biết do quá tự tin hay vì liều, dám và đã đưa ra dự đoán, còn lại đều không. Có ba lý do khiến thiên hạ rất thận trọng với việc dự đoán ai chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ năm nay.

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 4.

Phó Tổng thống Kamala Harris

Lý do thứ nhất là kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ đã bị mất đi độ tin cậy từ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và 2020. Năm 2016, ông Trump đắc cử trong khi đa số các dự báo thiên về đoán bà Hillary Clinton không những chỉ chắc chắn thắng cử mà còn thắng lớn. Năm 2020, ông Trump bị thất cử nhưng ông Biden thắng cử rất vất vả và gay cấn hơn rất nhiều so với các dự đoán. Ông Trump đã bị đánh giá quá thấp.

Thăm dò dư luận có thể phản ánh đúng sự thật nhưng lại cũng rất dễ sai. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho tới trước ngày bầu cử đều đưa lại bức tranh chung là mức độ chênh lệch về tỉ lệ phiếu bầu giữa ông Trump và bà Harris rất sít sao, thông điệp lô-gic từ đó là ai cũng có thể thắng và có thể thua, thậm chí còn không thể loại trừ kịch bản có người thắng cử giòn giã.

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 5.

Cục diện phiếu đại cử tri. Nguồn: CNN - Việt hóa: Phương Võ - Thanh Long

Lý do thứ hai là sự phân rẽ về chính trị và xã hội ở nước Mỹ đã được ông Trump và những người ủng hộ đẩy lên hết đỉnh điểm này đến đỉnh điểm khác và giờ đã đến mức độ gần như không còn có thể khắc phục nổi. Ông Trump đã rất thành công trong việc huy động những người trung thành với mình và vẫn luôn ủng hộ mình, trong việc gieo rắc hoài nghi ở cử tri Mỹ về thành tựu cầm quyền của chính quyền Biden/Harris và về năng lực lãnh đạo nước Mỹ của bà Harris. Bà Harris đã rất thành công trong việc đoàn kết, thống nhất nội bộ phe Đảng Dân chủ, trong việc gây dựng hình ảnh về bản thân là sự lựa chọn thay thế thích hợp hơn và tốt hơn đối với nước Mỹ trong bối cảnh tình hình hiện tại so với ông Trump nhưng lại vận động tranh cử không quyết liệt, cực đoan, dân túy và bất chấp tất cả như ông Trump. Hai phe ngang ngửa nhau như thế nên kết quả bầu cử cuối cùng phụ thuộc vào lá phiếu bầu của diện cử tri hiện còn trung dung và chưa quyết định, của diện cử tri tham gia bầu cử lần đầu tiên và diện cử tri vốn không đi bầu cử nhưng năm nay quyết định tham gia bỏ phiếu.

Lý do thứ ba là đặc thù trong luật bầu cử ở Mỹ. Nếu lá phiếu phổ thông quyết định thì bà Harris chắc chắn sẽ đắc cử. Nhưng tổng thống Mỹ do 538 đại cử tri bầu. Số đại cử tri này được phân bổ theo lượng dân số ở các bang. Vì thế, sự chênh lệch phiếu bầu rất nhỏ ở một số bang có thể phân định thắng cử và thất cử. Vì thế mới có chuyện 7 bang chiến địa (battleground state) với số lượng đại cử tri không nhiều lại quyết định kết quả bầu cử cuối cùng. Cho tới trước ngày bầu cử, khoảng cách giữa ông Trump và bà Harris về sự ủng hộ của cử tri trong kết quả các cuộc thăm dò dư luận sít sao đến độ chỉ cần một lượng nhỏ phiếu bầu của cử tri cũng đủ để đảo ngược cán cân.

Cho nên mới nói cả hai người này hiện đều có cơ hội sẽ thắng và bị thua như nhau.

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 6.

Bất kể rồi đây ông Trump hay bà Harris đắc cử thì nước Mỹ vẫn tiếp tục ở trong tình trạng rất bất an và bất ổn, rất khó đoán định và trù liệu được về những gì sắp tới có thể xảy ra. Bất kỳ quốc gia nào không được yên ổn về chính trị - xã hội nội bộ thì đều không thể tránh được phải bận rộn rất nhiều với chính mình, không thể kiến tạo nên những sự nghiệp lớn lao về phát triển thịnh vượng. Nước Mỹ chừng nào còn trong tình trạng chính trị - xã hội nội bộ như thế thì còn chưa thể tận dụng và phát huy được những lợi thế và ưu thế hiện có về chính trị, kinh tế, tài chính và khoa học - công nghệ để gây dựng, duy trì và tăng cường vai trò, ảnh hưởng và vị thế của Mỹ trên thế giới.

Điều có thể thấy được ngay từ trước bình minh ngày bầu cử năm nay ở nước Mỹ là kết quả cuộc bầu cử tổng thống sẽ không đem lại yên bình chính trị - xã hội cho nước Mỹ. Nếu lại bị thất cử, ông Trump chắc chắn sẽ diễn lại kịch bản như đã diễn sau thất cử cách đây 4 năm. Người này sẽ lặp lại biện luận cho rằng đã thắng cử nhưng bị phe kia cướp đi chiến thắng bằng gian lận phiếu bầu và sẽ gò ép cả Đảng Cộng hòa coi sự dối trá này là quan điểm chủ đạo chung của cả đảng. Ông Trump sẽ kích động những người ủng hộ mình có những hành động khác nhau để chống lại kết quả bầu cử, gieo rắc và lan tỏa hoài nghi về gian lận bầu cử và tính hợp pháp chiến thắng của Đảng Dân chủ. Nếu bà Harris thất cử, phe Đảng Dân chủ sẽ phát động làn sóng biểu tình, tuần hành rộng khắp nước Mỹ để phản đối chính sách của ông Trump. Phe này sẽ công nhận kết quả bầu cử chứ không hành động như ông Trump trong trường hợp thất cử.

Dù ai thắng cử thì chuyện bầu cử sẽ không dừng lại ở việc công bố kết quả bầu cử chính thức mà sẽ có hậu kỳ quyết liệt trên đường phố và trước tòa án, trên truyền thông và trong các phòng họp kín. Nước Mỹ lại có thể hỗn loạn nhưng chắc không xảy ra nội chiến, nền dân chủ ở Mỹ chưa đến mức bị xóa sổ nhưng sẽ không tránh khỏi bị rung chuyển mạnh mẽ.

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 7.

Ở nhiệm kỳ cầm quyền trước và trong vận động tranh cử, ông Trump luôn cho thấy coi trọng đối nội hơn đối ngoại, hướng nội như có thể được và hướng ngoại chỉ khi cần thiết cũng như luôn xác định hướng ngoại để phục vụ hướng nội. Nếu được trở lại cầm quyền, Trump 2.0 sẽ không khác Trump 1.0 ở triết lý cầm quyền, ở cách tiếp cận quyền lực và ở tận hưởng quyền lực, sẽ chỉ khác ở sử dụng quyền lực tùy trong những trường hợp và vụ việc cụ thể. Người này sẽ thực hiện "lời thề" trả thù những ai đã gây khó cho mình trong thời gian 4 năm qua. Chính sách cầm quyền của ông Trump sẽ cực đoan và thái quá hơn, tính dân túy và mức độ áp đặt sẽ cao hơn. Người này sẽ bất chấp quốc hội nếu quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát và sẽ ép quốc hội phục vụ mình nếu phe Đảng Cộng hòa kiểm soát quốc hội. Những từ khóa đặc thù cho Trump 2.0 sẽ là tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu, giảm các loại thuế ở trong nước, cứng rắn hơn trong vấn đề nhập cư và tỵ nạn, bảo thủ hơn trong vấn đề quyền phá thai của phụ nữ và chống biến đổi khí hậu trái đất, bào mòn nền dân chủ và nhà nước pháp quyền ở Mỹ, cao ngạo và nặng tay hơn với thế giới bên ngoài.

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 8.

Thông tin về ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Đồ họa: Phương Võ - Thanh Long

Nếu lên cầm quyền, bà Harris sẽ cân bằng giữa đối nội và đối ngoại, sẽ kết hợp giữa kế thừa một số chính sách của ông Biden với chính sách cầm quyền riêng. Bà Harris sẽ không khác biệt ông Biden nhiều về đối ngoại nhưng rồi dần sẽ rất khác ông Biden về đối nội, xác định đối nội mới là đấu trường chính giữa mình với phe Đảng Cộng hòa, nhất là trong trường hợp Đảng Dân chủ mất đa số ở cả lưỡng viện lập pháp về tay Đảng Cộng hòa. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm lạm phát, giải quyết các vấn đề xã hội và người nhập cư cũng như chống biến đổi khí hậu trái đất sẽ là những ưu tiên cầm quyền hàng đầu trong khi các vấn đề đối ngoại sẽ chỉ được quan tâm đến ở mức độ không để xảy ra đột biến hoặc xử lý kịp thời đột biến. Chỉ sau khi gây dựng được cục diện quyền lực thuận lợi về đối nội, người phụ nữ này mới dành ưu tiên cao hơn cho đối ngoại.

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 9.

Vài nét về ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris. Đồ họa: Phương Võ - Thanh Long

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 10.

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 11.

Giữa ông Trump và bà Harris có sự khác biệt quan điểm rất cơ bản và rõ ràng trong cương lĩnh tranh cử. Nhưng bản chất quan điểm chính sách của cả hai đối với Trung Quốc lại không khác biệt nhau nhiều, càng không có khác biệt cơ bản. Sự khác nhau chỉ ở cách thức xử lý quan hệ với Trung Quốc.

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 12.

Ai cũng muốn thu hẹp phạm vi ảnh hưởng, hạn chế vai trò chính trị thế giới của Trung Quốc, ngăn cản Trung Quốc tập hợp lực lượng trên thế giới cùng đối phó Mỹ. Ai cũng chủ trương đối phó Trung Quốc trên thế giới nói chung và trực tiếp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng; đối phó Trung Quốc liên minh với Nga, hậu thuẫn Triều Tiên, đe dọa Đài Loan và đối phó hành vi của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Ai lên cầm quyền thì rồi cũng tiếp tục cuộc xung khắc thương mại với Trung Quốc và tiếp tục sử dụng công cụ lâu nay là áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hóa của Trung Quốc vào thị trường Mỹ, giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, kiểm soát nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc, hạn chế chuyển giao công nghệ cao, không để Trung Quốc vươn lên vị trí đứng đầu thế giới về phát triển kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao.

Thế nên, căng thẳng và phức tạp sẽ còn gia tăng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sau cuộc bầu cử tổng thống lần này. Tuy nhiên, cả ông Trump lẫn bà Harris đều sẽ không để xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như sẽ không tách biệt nền kinh tế Mỹ với nền kinh tế Trung Quốc.

Sự khác biệt lớn nhất giữa ông Trump và bà Harris ở đây chỉ là ông Trump hành động đơn phương trong khi bà Harris sẽ tập hợp đồng minh và đối tác đồng hành trong mọi bước đi đối với Trung Quốc. 

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 13.

Việt Nam được Mỹ coi là đối tác quan trọng nhưng không thuộc diện các đối tác được Mỹ lâu nay dành cho ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam không thuộc về những chủ đề nội dung nổi bật trong vận động tranh cử của ông Trump và bà Harris.

Dù rồi đây ai trong số hai người này lên cầm quyền ở Mỹ thì mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam cũng sẽ vẫn không bị tác động tiêu cực vì những lý do sau đây.

Thứ nhất, cả ông Trump và bà Harris đều đã tới Việt Nam, hiểu biết Việt Nam và hiểu biết về lịch sử tiến triển của mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, đều tận mắt chứng kiến thực tế đất nước và con người Việt Nam, đều có thiện cảm với Việt Nam và đều có những phát ngôn, hành động thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Thứ hai, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ hiện rất tốt đẹp, không ngừng phát triển và ngày càng được thể chế hóa nhiều hơn, thể hiện rõ nhất là đã được nâng thành Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đấy là nền tảng và khuôn khổ chính trị, pháp lý và lòng tin rất vững chắc tạo tiền đề cho những bước phát triển cao hơn và mạnh mẽ hơn, ngăn ngừa rất hiệu quả mọi nguy cơ bị chững lại hay thụt lùi.

Thứ ba, mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam đã phát triển đến mức phía Mỹ cũng có lợi ích chiến lược cơ bản và lâu dài cũng như nhu cầu thiết thực về thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Việt Nam. Ở Mỹ còn có sự đồng thuận quan điểm sâu rộng giữa hai đảng phái chính trị trong quốc hội về nhìn nhận Việt Nam và thúc đẩy quan hệ hợp tác của Mỹ với Việt Nam, tạo thuận lợi cho bất cứ ai lên cầm quyền thực hiện việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Thứ tư, phía Mỹ đã có nhận thức đúng đắn và công nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mô hình hệ thống chính trị ở Việt Nam. Việt Nam có đường lối đối ngoại đúng đắn và coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mỹ.

Vì thế, ai lên cầm quyền ở Mỹ thì cũng không coi mối quan hệ của Mỹ với Việt Nam là vấn đề Mỹ phải giải quyết mà là nơi phía Mỹ có thể và nên tận dụng vì lợi ích của chính nước Mỹ.

Tân Tổng thống Mỹ và những kịch bản sau bầu cử- Ảnh 14.

 

NLĐ