Tận dụng nguồn lực từ các nhà nghỉ tình yêu mùa vắng khách, ứng dụng này đang lăm le vượt mặt cả các hệ thống khách sạn cao cấp
Xuất phát điểm là nhân viên dọn phòng, ông Lee Su-jin đã tận dụng kinh nghiệm của mình để thay đổi hình ảnh và hoạt động của hệ thống nhà nghỉ, khách sạn của cả một đất nước.
Ý tưởng về ngành khách sạn văn minh và tiện lợi
Lee Su-jin từng làm nhân viên cho một nhà nghỉ tình yêu tại Hàn Quốc. Nhiệm vụ của ông là thay ga trải giường và dọn dẹp phòng sau khi các cặp vợ chồng đã sử dụng cho những giây phút riêng tư. 16 năm sau, ông đã tận dụng kiến thức tích lũy được để thay đổi để thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp này.
Ông Lee chính là cha đẻ của Yanolja (tiếng Hàn có nghĩa là “cùng chơi nào”) - Ứng dụng hàng đầu để đặt phòng ngắn hạn tại các nhà nghỉ ở Hàn Quốc, hay còn được gọi là motel. Mục đích của ông là thuyết phục những chủ khách sạn, nhà nghỉ khác xóa bỏ hình ảnh khiếm nhã, đồi trụy liên quan đến tình dục, các hoạt động ngoại tình hoặc tự tử và nâng cấp cơ sở vật chất để có thể nâng cao sức hút đối với nhiều doanh nhân, gia đình và khách du lịch.
Tại văn phòng ở khu phố sang trọng Gangnam của mình, ông Lee cho biết: “Nếu các nhà nghỉ hoạt động chỉ dựa vào nhu cầu tình yêu của các cặp đôi, chắc chắn họ sẽ sớm phá sản”.
Yanoljia là một trong những ứng dụng đặt phòng hàng đầu tại Hàn Quốc.
Hiện tại, Yanolja đã trở thành đối tác của 17,000 khách sạn và nắm trong tay đội ngũ 350 nhân viên với một nửa trong số đó tập trung vào quá trình nghiên cứu phát triển trong cả phần mềm lẫn thiết kế của ứng dụng đó. Giá trị của Yanolja đã cán mốc 600 tỉ won (547 triệu USD), và trong năm nay nó còn nhận được khoản đầu tư khổng lồ 60 tỉ won (55,3 triệu USD) từ cựu CEO Chin Dae-je của Samsung. Doanh thu trong năm 2016 của Yanolja cũng đạt mức 68 tỉ won (62,7 triệu USD) đầy ấn tượng và dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra thị trường vào năm 2020.
Được biết, công ty của ông Lee thu hút khách hàng nhờ việc cắt giảm chi phí đặt phòng và kiếm lời từ quảng cáo cũng như những thanh toán từ các nhà nghỉ. Mức hoa hồng mà Yanolja được hưởng dao động từ 0% (tại các khu vực hẻo lánh, ít dân cư) cho đến 10% (tại các khu đô thị sầm uất).
Bên cạnh đó, công ty này cũng nhận được tiền bản quyền từ các chủ khách sạn khi họ đồng ý sử dụng các sản phẩm mang thương hiệu Yanolja cũng như từ các hoạt động tư vấn hoặc trao đổi kinh doanh với những khách sạn đó.
Doanh thu của Yanolja đến từ quảng cáo và tiền hoa hồng trong hợp tác với các chủ khách sạn.
Byun Jung-woo, giảng viên mảng kinh doanh khách sạn và du lịch tại Đại học Kyung Hee, Seoul cho biết: “Yanolja đã biến một ngành công nghiệp mờ nhạt với nhiều thành kiến thành một lĩnh vực được đón nhận rộng rãi trong cộng đồng, và đang trực tiếp đe dọa đến rất nhiều khách sạn khác. Những khách sạn này hiểu rằng họ sẽ không thể sống sót được khi cạnh tranh với một ứng dụng có quá nhiều tính năng đặt phòng thú vị như vậy. Vì thế, đa số họ đều chuyển sang phương án hợp tác với Yanolja”.
Tuổi trẻ đầy khó khăn
Câu chuyện của ông Lee là một tấm gương đáng ngưỡng mộ và đầy cảm hứng về quyết tâm vượt lên chính mình để thoát nghèo. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông đã phải nương tựa rất nhiều họ hàng của mình cho đến năm 23 tuổi. Khi đó, ông quyết định đi làm ở một khách sạn tình yêu vì mức lương ổn định, gần trung tâm thành phố và được cung cấp chỗ ở.
Ông Lee tâm sự: “Ngày qua ngày, tôi cảm thấy mình không được may mắn và rất mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng bám trụ. Bây giờ thì công việc của tôi cứ như một giấc mơ vậy”.
Với số tiền tích lũy được từ việc dọn dẹp phòng, ông đã đầu tư vào chứng khoán và bắt đầu kinh doanh salad, nhưng lại không thành công. Điều này buộc ông phải trở lại với công việc cũ. Từ đó, ông quyết định sẽ sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm mà bản thân đã học hỏi được để đưa ngành công nghiệp nhà nghỉ, khách sạn vươn lên.
Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành khách sạn, ông Lee nuôi tham vọng thay đổi hoàn toàn lĩnh vực này.
Ông đã xây dựng một cộng đồng mạng mạnh mẽ với 10,000 thành viên, bao gồm những nhà cung cấp hàng tạp hóa như giấy ăn, khăn lau và cả những chủ khách sạn lớn nhỏ. Năm 2005, ông thành lập một website chính thức và cho phép mọi người xem trước hình ảnh phòng mà họ định đặt.
Ông Lee đã thuyết phục các nhà đầu tư, chủ khách sạn cho phép hiển thị công khai hình ảnh thực tế các phòng nghỉ của họ, một điều hiếm khi xảy ra tại thời điểm đó. Năm 2011, ứng dụng Yanolji phiên bản smartphone ra mắt và đến nay đã sở hữu 8 triệu lượt đăng ký.
Những đánh giá tiêu cực
Bên cạnh đó, ông Lee cũng cho phép khách hàng chia sẻ trực tuyến ý kiến cá nhân của họ về những phòng nghỉ được đăng tải trên ứng dụng, nhưng những bình luận tiêu cực hoàn toàn có thể bị ẩn đi nếu muốn. Tuy nhiên, đây lại là một con dao hai lưỡi khi hồi tháng 4 vừa qua, Ủy ban Công bằng Thương mại Hàn Quốc đã phạt Yanolja cùng hai ứng dụng tương tự khác vì hành vi che giấu một số bài đánh giá tiêu cực.
Đối thủ nội địa chính của Yanolja là ứng dụng Withinnovation và trên đấu trường quốc tế là Agoda trong bối cảnh ông Lee đang từng bước tấn công mạnh hơn vào thị trường khách sạn chuyên nghiệp. Mức độ cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt khi hàng loạt ứng dụng tương tự đã ra đời cùng nhiều tính năng độc đáo như preview ảo hay sử dụng trí tuệ nhân tạo để tự động đánh giá sở thích của người tiêu dùng.
Rất nhiều ứng dụng đặt phòng độc đáo đã nổi lên trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, phần lớn hoạt động kinh doanh của Yanolja vẫn đến từ các cặp đôi trẻ, đa số đều đang thất nghiệp hoặc chỉ mới bắt đầu đi làm với nhu cầu sử dụng phòng từ 1 - 3 lần mỗi tháng. Ngoài ra, họ cũng chỉ thuê phòng trong vài giờ đồng hồ nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.
Ban đầu, các chủ khách sạn thường tỏ ra lưỡng lự trong việc từ bỏ một mô hình làm việc đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua. Tình trạng này chỉ thay đổi khi Hàn Quốc chính thức hợp pháp hóa ngoại tình vào năm 2015.
Ông Lee đã cho chạy rất nhiều quảng cáo được thiết kế nhằm thu hút bộ phận thanh thiếu niên tại Hàn Quốc, những người đã chán ngán khi phải nghe bài ca “cô/cậu cần làm việc chăm chỉ mọi lúc mọi nơi”. Thậm chí, ông còn mời chàng rapper đình đám Loco tham gia chiến dịch của mình với câu khẩu hiệu: “Cuộc đời chẳng mấy chốc, hãy cùng chơi nào”.
Ngoài ra, ông cũng tổ chức một chương trình giáo dục về các phương pháp giúp chủ khách sạn phòng tránh, đối phó với khách hàng vô đạo đức khi cố ý cài camera quay trộm trong phòng của họ.
Rapper tài năng Loco cũng từng tham gia quảng cáo cho Yanolja
Hiện nay, nhằm thúc đẩy mạnh hơn sự thay đổi này, Yanolja đã bắt đầu thành lập, vận hành và tân trang lại một số khách sạn để chúng trở nên sạch sẽ hơn và hiện đại hơn. Bên dưới văn phòng của mình, ông Lee còn thành lập một “phòng thí nghiệm” nhằm theo dõi những căn phòng được trang bị nội thất hiện đại và các công nghệ Internet mới nhất.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các ứng dụng cùng những sáng kiến gây rối khác như Airbnb đã buộc rất nhiều khách sạn truyền thống tại Hàn Quốc phải thay đổi để thích nghi. Những công ty lớn đã nhanh chóng chuyển sang các lĩnh vực kinh doanh khác như nhà hàng, trung tâm hội nghị để cải tiện lợi nhuận.
Một số nhân viên tại trụ sở chính của Yanolja.
Ông Byun (đại học Kyung Hee) cho biết sự sụt giảm lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc do những tranh chấp về chính trị giữa hai nước cũng là một tác nhân khiến nhiều khách sạn, nhà nghỉ phải liên kết với các ứng dụng đặt phòng nhằm giảm tỷ lệ “phòng trống”.
Cuối cùng, ông Lee nhận định Thế vận hội mùa Đông tại Pyeongchang vào tháng 2 sắp tới là một cơ hội tuyệt vời để công ty của ông thuyết phục các khách sạn lớn nhỏ trong việc thu hút khách du lịch. Đây là hướng đi khá giống với Nhật Bản, nơi mà chính phủ đang khuyến khích hơn 10,000 khách sạn tình yêu chuyển thành nhà nghỉ cho khách tham quan vào Thế vận hội mùa Hè tại Tokyo vào năm 2020.
Theo Bloomberg