Tâm sự của một thiếu gia: Sinh ra là con nhà giàu = Tôi có thể dùng tiền mua hạnh phúc
Bài viết là tâm sự chuyện nhà giàu từ lời kể của chàng trai 20 tuổi sinh ra trong gia đình châu Á giàu có, chưa tốt nghiệp đại học nhưng đang làm biên tập viên tại một công ty truyền thông của Đức.
Tôi thích nói về việc mình sinh ra trong một gia đình giàu có vì 1) tôi thường bị “ném đá” khi nói về điều này, 2) không ai tin khi thấy tôi gặp khó khăn và 3) đây là trải nghiệm không phải ai cũng có, cũng vì thế mà nhiều người khá hứng thú khi lắng nghe những câu chuyện như vậy.
Bạn hãy thử lắng nghe, đừng bị mờ mắt bởi những viên đá trên đồng hồ Rolex của tôi và thưởng thức câu chuyện tôi sắp kể.
1. Hạnh phúc có thể mua được (gần như là thế)
Tuy nhiên hạnh phúc không dễ tìm thấy.
Ý tưởng này bạn đã nghe nhiều lần nhưng có thể bạn chưa nghe thấy điều này nhiều lắm: có nhiều loại thuốc có thế dẫn người ta đến cảm giác hạnh phúc và tiền có thể mua được những thứ như vậy. Một cách gián tiếp, tiền có thể mua được hạnh phúc.
Tiền mua cho tôi giấc mơ Canada
Tôi đặc biệt ghét thời tiết nóng nực. Tôi thích sống ở nơi nhiệt độ quanh năm dao động trong khoảng -20 đến 10 độ C. Sự nhạy cảm về nhiệt độ gây cho tôi khá nhiều bất tiện: Tôi không thể tập trung làm việc hay nói rộng ra là sống vui vẻ trong thời tiết nóng ấm quá lâu.
Lần đầu tiên tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc là khi tôi trải qua mùa đông đầu tiên ở Canada. Tôi từng học đại học ở Edmonton, Alberta và mặc dù chỉ ở đó có 9 tháng, tôi đã kịp trải nghiệm sự chênh lệch nhiệt độ từ 20 độ C đến -40 độ C. Mấy tháng đầu tiên khi nhiệt độ giảm dưới -10 độ C, tôi có cảm giác mình sắp chết cóng mỗi khi có việc đi ra ngoài nhưng không lâu sau đó tôi đã có thể chạy bộ với chiếc áo khoác mỏng lúc 6 giờ sáng khi nhiệt kế chỉ -25 độ C.
Thời tiết lạnh nhanh chóng giúp tôi vui vẻ và hòa nhập với môi trường mới, đây là tiền đề giúp tôi có những mối quan hệ hết sức giá trị sau này. Thế nhưng vấn đề là tôi sẽ không thể trải nghiệm cuộc sống ở Canada, mở rộng mạng lưới quan hệ và thực sự sống vui vẻ nếu không có tiền. Đề phòng bạn quên, đi du học thực sự rất đắt đỏ. Lại là du học ở Bắc Mỹ trong khi nội tệ nước mình thì rẻ, cơ hội thuộc về top 2%.
Đó là một trong vô số ví dụ tôi dùng tiền để mua những niềm vui thực sự. Chiếc Macbook, biểu tượng xa xỉ một thời tôi từng mua chính là lý do tôi đến với digital content, mở đường cho sự nghiệp trong lĩnh vực branding và marketing. Đi học ở một trường tư thục danh tiếng là khởi nguồn cho việc tôi quyết định chú tâm vào viết lách, lý giải vì sao tôi đang giữ vị trí biên tập viên ở một công ty truyền thông của Đức.
Tinh thần của câu chuyện là: Tiền có thể mua được hạnh phúc nếu bạn biết mình đang làm gì. Người phủ nhận là người chưa biết điều đó.
2. Ai cũng có những vấn đề riêng
Nhưng vấn đề của người giàu còn rắc rối hơn.
Tiền bạc giúp phần lớn mọi chuyện dễ dàng hơn, điều này khiến nhiều người tìm cách giải quyết công việc theo hướng tiện thay vì mục tiêu tiến bộ. Sự tiện lợi này gây nên nhiều vấn đề nội tại rất khó để khắc phục về lâu dài. Nói cách khác, khi bạn giàu thì bạn cũng dễ “sinh hư” hơn và đổ đốn là cách khiến người ta dễ lao đao trên trường đời.
Cha tôi là một ví dụ điển hình
Ông dễ dàng lọt top 1% những người kiếm nhiều tiền nhất hành tinh nên lẽ ra đây là người có cuộc sống viên mãn nhất. Thế nhưng khi tôi so sánh ông với những người bạn mình ở độ tuổi hai mươi phải làm cùng lúc hai công việc bán thời gian, không biết xoay sở thế nào với cuộc sống, bạn đoán xem ai hạnh phúc hơn?
Sự giàu có có thể là nguồn cơn của nhiều vấn đề, trước tiên là áp lực về trách nhiệm người đó phải đối mặt. Một người giàu trung bình dành nhiều thời gian nghĩ về tiền bạc hơn một người có mức sống cơ bản trung bình vì đó là cách nửa kia thế giới trở nên giàu có. Đôi khi suy nghĩ này là cần thiết, nhưng khi không thể rạch ròi giữa tiền bạc với những phạm trù cuộc sống khác mà bạn quan tâm, sự giàu có có thể phá hoại cuộc đời bạn.
Người ta thường để tiền bạc làm mục tiêu phấn đấu khi chưa biết rằng có quá nhiều tiền cũng có hại. Nói cách khác, ai cũng hiểu rằng không có đủ tiền để ăn uống thì rất tệ nhưng ít người “tin” rằng việc bị cuốn vào cuộc chạy đua tiền bạc khi đang sống một cuộc sống bạn thấy chán ghét còn tệ hại hơn. Quan niệm của số đông về tiền bạc quá lệch lạc và mạnh để họ có thể nhận ra rằng cái gì quá cũng không vui.
Tôi nhận ra rằng ai cũng có những vấn đề của riêng mình và thái độ của bạn khi tiếp cận thế giới là điều quan trọng nhất. Bạn có biết cách đối phó với cảm giác thất vọng không? Bạn quan niệm về thời gian như thế nào? Giá trị cốt lõi của bạn là gì, bạn duy trì chúng như thế nào? Bạn sử dụng thời gian của mình như thế nào và tại sao? Những điều này quan trọng hơn sự giàu có.
Mặc dù trở nên giàu có khá khó, thực tế mà nói thì tiền bạc vẫn là con đường dễ dàng hơn nếu so với việc thay đổi chính bản thân mình.
3. Quen nhiều người có lợi hơn việc có nhiều vật chất
Bài học này có hai cách tiếp cận: góc độ chiến thuật và góc độ lành mạnh.
Chiến thuật: Các mối quan hệ mở ra nhiều cơ hội
Bạn không cần có mọi thứ, bạn chỉ cần biết ai đó có thứ đó.
Lớn lên xung quanh những người có tầm ảnh hưởng và biết cách tận dụng nó là một trong những trải nghiệm quý giá nhất cuộc đời tôi. Nó dạy tôi phải tháo vát là linh hoạt, không chỉ đối với những tài nguyên hữu hình mà cả với các mối quan hệ.
Ví dụ, lý do chính khiến tôi trở thành biên tập viên của một công ty truyền thông đặt trụ sở ở Munich khi bản thân chưa có bất kỳ kinh nghiệm cũng như chưa có bằng đại học là do tôi tận dụng các mối quan hệ với những người làm việc trong công ty. Tôi ý thức được rằng bằng cấp của mình sẽ chẳng đưa tôi đến đâu cả vì tôi chẳng có gì mà trình ra. Để có công việc này, tôi phải dựa vào mối quan hệ tôi đã xây dựng với những người đưa ra quyết định và bên tuyển dụng của công ty. Nói ngắn gọn, tôi được nhận không phải vì tôi đủ tiêu chuẩn mà vì tôi có “bạn”.
Tất nhiên là tôi đã thực sự trang bị đầy đủ kỹ năng cho vị trí đó và tôi nhanh chóng chứng minh thực lực của mình khi được vào làm chính thức. Chỉ là, chỉ với trình độ bề nổi của tôi, nhà tuyển dụng sẽ gạt CV của tôi qua một bên mà không cho tôi một cơ hội.
Điều quan trọng là bạn không cần thiết phải giàu có để áp dụng chiến thuật này. Bạn chỉ cần xây dựng các mối quan hệ chất lượng và bạn có thể làm việc này ở bất cứ đâu.
Lành mạnh: Sự đa dạng là tài sản tuyệt vời nhất của người giàu
Điều tuyệt nhất mà sự giàu có đem lại không phải trứng cá muối hay “chân dài” hay xe hơi, đồng hồ mà là bạn có đủ tiền để trải nghiệm nhiều thứ.
Khi còn nhỏ, tôi và chị gái được đi du lịch Úc và New Zealand mỗi năm một lần. Được tiếp cận thường xuyên với những nền văn hóa khác là một trong những lý do vì sao chúng tôi ngày càng biết suy nghĩ, thức thời và biết tò mò. Tại sao điều này lại quan trọng? Vì một trí tuệ thông thái mới có thể giúp bạn giàu có trong dài hạn chứ không phải kỹ năng giao dịch chứng khoán hay nhiệm kỳ của một lãnh đạo cấp cao.
Duy trì sự giàu có là một việc tương đối khó, bạn cần ý thức được giá trị của tiền bạc đối với cuộc sống của bạn và biết cách chăm bón cho cái cây đó lớn lên trong khi mình vẫn sống vui vẻ. Tư duy làm giàu bền vững này đến từ sự khôn ngoan, kết quả của cả quá trình bồi đắp trí tuệ.
Tôi học được rằng bạn có gì không quan trọng, quan trọng là bạn quen ai. Ý tôi là một bác sĩ giàu có chắc chắn biết các bác sĩ khác. Nhưng ông ấy có biết nông dân, ngư dân, các trẻ em được đài thọ, người bán hàng rong không? Sự đa dạng trong hiểu biết và nỗ lực mở rộng sự đa dạng đó là những nét tính cách tích cực bạn nên có.
Bài học giá trị nhất tôi học được sau 20 năm làm con nhà giàu là gì?
Không nên đặt tiền bạc lên trên mọi thứ. Ngoài kia còn nhiều vấn đề “thực sự” và tiền bạc không nằm trong số đó.