Tâm sự của Hacker Việt Hieupc: Tôi cảm giác giống như mình là kẻ giết người hàng loạt

09/12/2020 11:06 AM | Kinh doanh

"Ngày tôi bị bắt ở Mỹ - tháng 2 ngày 7 năm 2013, tôi nhớ ngày đó tới tận bây giờ", Ngô Minh Hiếu với nickname Hieupc chia sẻ. Nghĩ lại việc lấy cắp thông tin an sinh xã hội của gần 200 triệu người Mỹ, anh cho biết cảm giác mình giống như một kẻ giết người hàng loạt...

"Tôi là Hieupc, tên thật là Ngô Minh Hiếu. Tôi lấy thông tin an sinh xã hội của gần 200 triệu người Mỹ. Tôi cảm giác giống như mình là kẻ giết người hàng loạt", Ngô Minh Hiếu - hacker được tự do sau 7 năm ngồi tù tại Mỹ - chia sẻ trên Zing TV.

Những bộ phim về hacker đã truyền cảm hứng cho Hiếu.

Hiếu kể, năm 13 tuổi, khi được đụng vô máy tính, anh không biết hack gì, và đi tìm kiếm cách hack trên Google.

"Hồi đó xài dial-up (kết nối Internet qua đường truyền điện thoại - PV) chậm, rất tốn tiền. Tôi mở CMD trên Window, bấm chữ Hack thử, coi có gì không, có gì xảy ra đâu. Đi học mới biết nó không đơn giản vậy", Hiếu kể.

Năm lớp 10, Hiếu bắt đầu kiếm được tiền nhiều. Anh hack thẻ tín dụng ăn cắp thông tin ngân hàng rồi bán lại cho người ta. 

Tâm sự của Hacker Việt Hieupc: Tôi cảm giác giống như mình là kẻ giết người hàng loạt - Ảnh 1.

Học xong cấp 3, anh quyết định đi du học ở New Zealand để thay đổi môi trường, học thêm về mạng, máy tính, và mong muốn trở thành một kỹ sư mạng.

"Qua đó, tôi lại tiếp tục hack tiếp. Tôi nghĩ có tiền là OK. Hậu quả tính sau", Hiếu nói.

Hiếu nhớ, lần gay cấn nhất là khi cảnh sát New Zealand gọi điện thoại cho chị anh bắt đầu điều tra về vụ án của anh.

"Thời đó tôi dở lắm, tôi xài nhà băng tên của mình. Họ gọi điện thoại hết hồn, hốt hết đồ điện tử trong nhà đi gửi chỗ khác. Những thẻ tín dụng giả tôi làm đi quăng hết, rồi lấy thẻ của mình đi rút tiền, bị nuốt thẻ luôn. Tôi bỏ chạy".

"Tôi nghĩ chỉ có nước mua vé máy bay và về thẳng Việt Nam", Hiếu nhớ lại.

May cho anh, chính phủ New Zealand không quá mạnh tay, chỉ yêu cầu trả lại tiền cho nạn nhân.

Về Việt Nam, anh hứa với bản thân không làm chuyện này nữa, cũng hứa với ba mẹ, đồng thời nộp hồ sơ vào trường đại học, nhưng được một thời gian ngắn, anh lại liên lạc lại với những người bạn trong giới underground. Và bạn bè rủ rê hack số an sinh xã hội.

Bán số an sinh xã hội kiếm được nhiều hơn hack thẻ tín dụng. Thẻ ngân hàng rất nguy hiểm vì liên quan tới tiền bạc và phải trực tiếp làm. Số an sinh xã hội lấy dễ dàng và bán mỗi thông tin 1 USD cho bên thứ ba.

"Ban đầu nghĩ rất đơn giản. Nó không liên quan tới tiền bạc, không liên quan tới ngân hàng, là không sao hết. Nhưng tôi chưa nhận thức được số an sinh xã hội quan trọng đến cỡ nào".

"Ví dụ, em mất thông tin đi, em mãi mãi mất luôn, không bao giờ lấy lại được. Vì 1 người có 1 số thôi. Với số đó em có thể dùng để vay tiền ngân hàng được, mua xe được, bị thất nghiệp lấy trợ cấp thất nghiệp được... Tới tận bây giờ mấy người đó vẫn còn bị... Độ ảnh hưởng rất lớn", Hiếu nói.

"Ngày tôi bị bắt ở Mỹ - tháng 2 ngày 7 năm 2013, tôi nhớ ngày đó tới tận bây giờ".

Trong bản án, tội nặng nhất của Hiếu là gây tổn thất tiền thuế dù anh không trực tiếp kiếm tiền từ việc đó.

Bản án Hiếu nhận được là 40 năm tù.

Nhờ cải tạo tốt, khai báo thành khẩn, cộng thêm việc chăm chỉ học thêm tâm lý học, marketing, quản lý kinh doanh, kỹ năng mềm, được hơn 25 chứng chỉ.

"Học càng nhiều, tôi càng được giảm án".

"Bên cạnh đó, tôi còn đi chia sẻ kinh nghiệm sống, kể lại câu chuyện của mình để truyền cảm hứng cho hàng nghìn tù nhân khác. Điều này giúp bản án 13 năm được giảm thêm còn 7 năm. Một ngày, quản ngục gọi tên tôi và thông báo tôi được trả tự do", Hiếu nhớ lại.

Từ trải nghiệm của bản thân, anh khuyên các bạn trẻ phải biết dừng lại đúng lúc, phải biết gây dựng lại, và biết "quay đầu là bờ".

Vụ án hacker Việt tại Mỹ, theo trang KrebsonSecurity, giới chức Mỹ ước tính rằng dịch vụ của Hiếu đã tạo điều kiện cho các vụ lừa đảo bằng tài khoản mới tại các ngân hàng và các nhà bán lẻ với thiệt hại lên tới 1,1 tỷ USD. 

PV

Từ khóa:  thẻ tín dụng
Cùng chuyên mục
XEM