Rời tòa Bạch ốc, di sản vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ là gì?
Cách đây vừa tròn 8 năm, cũng vào một ngày tháng 1 lạnh giá, Barack Obama đứng trước đám đông hàng nghìn người để tuyên thệ và chính thức trở thành người đứng đầu nước Mỹ. Vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ là một người đàn ông trẻ tuổi thông minh với năng khiếu chính trị hiếm có. Đặc biệt hơn, Barack Hussein Obama là một người da màu, hay nói chính xác hơn thì ông sinh ra ở Hawaii, có mẹ là một người phụ nữ da trắng đến từ bang Kansas và cha là một người Kenya.
Có lẽ trong lịch sử nước Mỹ hiếm có vị Tổng thống nào truyền được nhiều cảm hứng đến vậy trong lễ nhậm chức. Obama mang một làn gió mới đến cho nước Mỹ với những triết lý đầy tính nhân văn. Xuất thân đặc biệt của ông tạo hi vọng về một kỷ nguyên mới.
Nhưng cuộc bầu cử vừa qua đã chứng minh rằng những hi vọng ban đầu đã phai nhạt. Người Mỹ lại giành niềm hi vọng cho Tổng thống mới của họ - Donald Trump, người đe dọa sẽ xóa sạch những dấu ấn của người tiền nhiệm. Và ở thời điểm này, nhiều người đang tự hỏi vậy thì lịch sử sẽ ghi nhớ Obama như thế nào.
4 năm trước, Obama chiến thắng trước Mitt Romney để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai nhưng nhiệm kỳ đầu của ông không thực sự được như mong đợi. Ông ghi được nhiều dấu ấn về mặt chính sách đối ngoại: tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, rút khỏi Iraq một cách êm thấm và tránh được những cuộc chiến tranh lớn hoặc sự đụng độ gây hậu quả nghiêm trọng. Đó cũng chính là lý do giúp ông giành được giải Nobel Hòa bình năm 2009.
Thành quả lớn nhất của Obama là Obamacare, chương trình bảo hiểm sức khỏe giúp hàng triệu người có thu nhập thấp, người tàn tật được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đáng tiếc là Obamacare cũng là chương trình gây quá nhiều tranh cãi và nhiều khả năng sẽ bị xóa bỏ ngay sau khi Trump lên làm Tổng thống.
Tuy nhiên Obama không được đánh giá cao trong việc điều hành nền kinh tế. Phải nói rằng kể từ năm 1933 đến nay, chưa có vị Tổng thống Mỹ nào phải đọc lời tuyên thệ trong bối cảnh nền kinh tế u ám như khi Barack Obama đặt tay trái lên cuốn Lincoln Bible hồi tháng 1/2009. Hệ thống ngân hàng Mỹ gần như sụp đổ; 2 hãng xe hơi lớn phá sản; thị trường việc làm, nhà đất và sản lượng sản xuất đều lao dốc không phanh. Với chương trình kích thích tài khóa khổng lồ và những gói QE, Obama đã giải cứu kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, tăng trưởng vẫn rất ì ạch và tỷ lệ thất nghiệp không ngừng leo thang, cùng với đó là khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Nỗ lực tái thiết nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 tàn khốc đã bị "đánh đập" không thương tiếc từ cả phe cánh tả cũng như cánh hữu. Trong bài phỏng vấn với tờ Atlantic, vị Tổng thống sắp mãn nhiệm từng nói rằng cá nhân ông nhận thấy tất cả những nỗ lực của mình đã bị đánh giá quá thấp.
Barack Obama tự thừa nhận ông thiếu đi political capital – khả năng đưa ra những chính sách sẽ được công chúng cũng như các chính trị gia khác nhiệt liệt ủng hộ để nhờ đó có thể thúc đẩy cải cách. Ở những ngày cuối của nhiệm kỳ, sự thiếu hụt này càng khiến ông gặp nhiều khó khăn hơn. Dù là một nhà diễn thuyết tài ba, Obama sẽ tự tin nói về những thành tựu mà mình đã đạt được chứ không phải về khả năng thúc đẩy những thành tựu ấy.
Nhưng điều thú vị nằm ở chỗ 4 năm sau đó, khi Obama sắp rời Nhà Trắng, những nhận định phía trên lại đảo ngược hoàn toàn. Có thể nói ông đã thất bại trên mặt trận ngoại giao: Iraq trở thành nơi nuôi dưỡng khủng bố IS, quan hệ với Nga trở nên căng thẳng nhất kể từ thời chiến tranh lạnh… Ông bị chỉ trích là quá yếu ớt trong chính sách đối ngoại.
Nhưng kinh tế Mỹ khởi sắc với tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn hơn 4%, đủ khỏe mạnh để Fed đứng một mình trên chiến tuyến tăng lãi suất trong khi các nước khác vẫn mắc kẹt.
Nhìn lại các chỉ số kinh tế dưới thời Obama. Nguồn: CNN Money
Nếu nhìn ra các nước xung quanh thì Mỹ lún sâu vào khủng hoảng hơn nhưng lại phục hồi nhanh hơn. Lĩnh vực tư nhân đã liên tục tạo ra việc làm mới trong 73 tháng liên tiếp, tổng cộng là 14,4 triệu việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp – từng đạt đỉnh 10% khi ông nhậm chức và là cao nhất kể từ năm 1983, dưới thời Ronald Reagan – đã giảm xuống chỉ còn hơn 4%, thấp hơn so với lúc Reagan rời Nhà Trắng. Và xét trên tổng thể thì kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt trội so với các quốc gia phát triển khác.
Gene Sperling – cựu lãnh đạo của Hội đồng kinh tế quốc gia và là người đã dành nhiều giờ đồng hồ trong phòng Bầu dục để tranh luận và tư vấn cho Tổng thống về chiến lược kinh tế - nói: "Nếu quay trở lại thời kỳ đầu 2009 – khi mỗi sáng người Mỹ đến văn phòng với dạ dày lép kẹp, mỗi tháng có 800.000 người bị sa thải và chỉ số Dow Jones ở dưới 7.000 điểm, sẽ không có ai có thể tưởng tượng nước Mỹ có ngày hôm nay. Tỷ lệ thất nghiệp là 5%, thâm hụt ngân sách chưa đến 3%, AIG có lãi, tiền tiết kiệm lại được gửi ở ngân hàng".
Dẫu vậy ông cũng thừa nhận rằng sự giận dữ của công chúng không phải là không có cơ sở. Thu nhập trung bình của hộ gia đình Mỹ đã giảm 4.000 USD so với khi Bill Clinton ra đi. Tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng trầm trọng. "Hàng triệu người nhìn vào bức tranh tươi đẹp mà ông ấy vẽ ra và không thể thấy mình trong đó", Clinton đã nói về nền kinh tế của Obama như vậy.
Đây chính là nỗi khổ tâm của Obama. Ông đã hồi phục nền kinh tế tốt hơn bất kỳ ai và đã đạt được những thành tựu mà ngay cả ông cũng không ngờ tới, nhưng trong những ngày tháng cuối cùng này ông nhận ra rằng ông sẽ bị đánh giá không phải bởi những gì đã làm được mà là bởi kết quả so sánh với thời hoàng kim mà có lẽ sẽ không bao giờ trở lại.
Giống như tất cả các vị Tổng thống khác của nước Mỹ, dấu ấn thời gian đã in hằn trên mái tóc và gương mặt của Barack Obama. Người Mỹ có thể đo đếm quãng thời gian 8 năm ông Obama làm chủ Nhà Trắng, và có lẽ cũng là khoảng thời gian 8 năm của cuộc đời họ, bằng mái tóc bạc của ông.
Tỷ lệ ủng hộ cao chót vót dù đã sắp mãn nhiệm cho thấy sẽ có nhiều người Mỹ lắng nghe ông nói. Vị Tổng thống thứ 44 khiến một số người Mỹ thất vọng, ông đã không thể chuyển hóa sự mến mộ mà công chúng dành cho ông sang bà Hillary Clinton. Nhưng Obama có tỷ lệ ủng hộ cao gấp đôi George W. Bush trong những ngày tháng cuối cùng ở Nhà Trắng, ngang bằng với Ronald Reagan và chỉ đứng sau Bill Clinton.
Kinh tế Mỹ khởi sắc với mức thu nhập trung bình tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 5% là một phần nguyên nhân. Nhưng đó không phải là nguyên nhân chính bởi nhiều người Mỹ vẫn cảm thấy họ bị gạt ra ngoài lề, cuộc sống chẳng hề khấm khá hơn dù nền kinh tế đã hồi phục trở lại. Có lẽ điều lâu bền nhất đọng lại trong tâm trí người Mỹ chính là phẩm chất của ông.
Nội các của ông Obama gần như không vướng phải một vụ bế bối nào. Nhớ về cố Tổng thống Ronald Reagan, không ít người sẽ ngay lập tức nhớ đến vụ bê bối bán vũ khí cho Iran. Còn bê bối tình ái với nữ thực tập sinh Nhà Trắng Lewinsky đã trở thành vết nhơ của ông Bill Clinton, là chủ đề khiến bà Hillary bị chế giễu trong cuộc bầu cử vừa qua.
Barack Obama và đội ngũ của mình luôn cư xử một cách đúng mực. Obama và vợ không chỉ thể hiện được phẩm chất cao quý của chính mình mà còn thu hút và tuyển dụng được những người rất có tư chất. Barack Obama còn được nhớ đến bởi những bài diễn thuyết đi vào lòng người, bởi hình ảnh một người chồng và người cha không ngại thể hiện tình cảm đối với vợ con trước công chúng.
Ông mới chỉ 55 tuổi – trẻ hơn 15 tuổi so với người kế nhiệm ông là Donald Trump. Ông vẫn có những kế hoạch. Ông sẽ tiếp tục hoạt động ở My Brother’s Keeper – một sáng kiến công – tư hướng đến mục đích giúp đỡ những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ông cũng sẽ viết một cuốn sách. Gia đình ông vẫn sẽ sống ở Washington cho đến năm 2019, chờ con gái nhỏ học xong trung học. Thư viện và quỹ từ thiện của ông được đặt ở Chicago.
Có tin đồn rằng ông muốn dành phần lớn thời gian ở Hawaii, ăn món kem đá bào đặc sản hay thử thách bản thân trước những con sóng lớn của vùng biển thiên đường. Tuy nhiên, nhìn vào tình thế không mấy sáng sủa hiện nay của đảng Dân chủ và vào chương trình nghị sự của Trump, một số người cho rằng Obama có thể tự cảm thấy mình phải có nghĩa vụ can thiệp vào chính trị nhiều hơn so với dự định ban đầu.
Giống như những người Mỹ cảm thấy thuyết phục trước chiến dịch "Yes, we can" của Obama 8 năm trước, hàng triệu người dồn phiếu cho Trump cũng với một niềm hi vọng về những thay đổi mà Trump sẽ mang lại. Nhưng có lẽ đôi lúc người Mỹ sẽ nhớ về Tổng thống thứ 44 của họ, Barack Obama.
Trí Thức Trẻ