Tài xế Grab uống rượu từ hôm trước, hôm sau vẫn bị phạt 2 triệu đồng
Tự tin thổi vào máy đo nồng độ cồn vì cả ngày không uống rượu bia, nhưng sau đó anh T. hốt hoảng khi máy vẫn hiển thị kết quả 0.051mg/lít khí thở và bị phạt 2 triệu đồng.
Trong đợt CSGT Hà Nội ra quân xử phạt về vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ, có nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt" xảy ra với các tài xế có thói quen uống rượu bia.
Điển hình như trường hợp anh Hoàng Trọng T. (SN 1987, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ) bị xử phạt 2 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp 0.051mg/lít khí thở (0-0.24mg/lít khí thở bị xử phạt 2-3 triệu đồng -PV).
Điều đặc biệt trong câu chuyện của anh T. là anh này uống rượu từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn bị xử phạt.
Chia sẻ với VTC News, anh T. cho biết, vào tối 2/1, trên đường đi đón khách, anh bị Tổ công tác Đội CSGT số 6 làm nhiệm vụ tại ngã tư Xuân Thủy – Cầu Giấy dừng xe kiểm tra. Các chiến sỹ yêu cầu anh thổi qua máy kiểm tra nồng độ cồn.
"Tôi thực hiện nghiêm chỉnh theo yêu cầu của lực lượng chức năng, sau đó nồng độ cồn ở mức 0.051mg/lít khiến tôi khá bất ngờ bởi trong ngày 2/1, tôi không hề uống chút bia rượu nào. Tuy nhiên, ngày 1/1, tôi uống khá nhiều rượu bia và không nhớ chính xác đã uống bao nhiêu", anh T. chia sẻ do say và mệt nên đến trưa 2/1, anh mới lấy xe đi làm.
Tài xế Hoàng Trọng T. thổi máy để kiểm tra nồng độ cồn.
Với mức vi phạm nồng độ cồn 0.051mg/lít khí thở, anh T. bị xử phạt 2 triệu đồng.
Anh T. chia sẻ từ giờ anh sẽ không uống nhiều rượu bia để đảm bảo an toàn khi chở khách và không bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn thêm lần nào nữa.
Cũng lái xe ôm công nghệ như anh T., anh Dương Bình Nhâm (SN 1992, quê ở Phú Thọ) cho biết, anh thấy mức xử phạt nặng theo Nghị định 100 là rất tốt để răn đe những người có ý định uống rượu xong lái xe.
"Trước kia tôi cũng thường uống rượu bia trước khi lái xe, nhưng kể từ bây giờ trở đi, tôi sẽ không dám uống nữa vì mức phạt khá nặng. Với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng, nếu bị phạt 2-8 triệu thì đói ăn cả tháng", anh Nhâm chia sẻ.
Anh Dương Bình Nhâm đồng ý với việc tăng mức xử phạt đối với tài xế uống rượu bia.
Đồng quan điểm với anh Nhâm, anh Trương Bảo Khánh (SN 1999, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội) cũng làm thêm nghề lái xe ôm công nghệ cho biết, mức phạt về nồng độ cồn hiện hành là khá nghiêm khắc nhưng anh thấy hợp lý.
"Khi lên giảng đường, tôi cũng tuyên truyền cho bạn bè ở lớp về mức xử phạt khá nặng nếu vi phạm nồng độ cồn. Bản thân tôi xác định nếu có uống rượu bia thì sẽ nhờ bạn hoặc đặt xe ôm công nghệ để về nhà", anh Khánh nói.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một người uống rượu qua xét nghiệm để kết quả âm tính với nồng độ cồn sẽ phải chú ý đến những yếu tố như: nồng độ rượu, lượng rượu một người tiêu thụ (hấp thụ nhanh nhất là rượu 20 độ, uống càng nhiều thì cồn trong máu càng cao); thời điểm uống rượu (khi đói rượu sẽ hấp thụ nhanh hơn); người uống rượu trong thời gian dài rượu sẽ tồn tại lâu hơn…
Một số vấn đề khác như: tuổi tác, cân nặng, người đang sử dụng thuốc, người mắc bệnh (gan, thận…) cũng làm ảnh hưởng tới thời gian chuyển hóa rượu. Người thể trạng yếu, mắc kèm các bệnh lý thì rượu lâu được đào thải hơn những người khác.
"Thời gian để cơ thể chuyển hóa hết nồng độ cồn trong máu ở mỗi người là khác nhau. Có những người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau hơi thở và nồng độ vẫn còn. Không ai khẳng định chắc chắn mất bao lâu thì rượu sẽ được chuyển hóa hết để cho ra kết quả âm tính với xét ngiệm",bác sĩ Nguyên nói.
Còn theo số liệu từ Trung tâm điều trị nghiện - American Addiction Centers (Mỹ), lượng cồn ở bia rượu có thể tồn tại 6 giờ trong máu, khoảng 12-24 giờ trong hơi thở, nước tiểu và nước bọt, và lên đến 90 ngày trên tóc.