Tại sao Vsmart muốn đổi vai để trở thành một ODM?
Thương hiệu smartphone Việt Nam Vsmart vừa hé lộ một thông tin gây xôn xao làng công nghệ là kế hoạch chi tiết về việc trở thành ODM cung cấp dịch vụ trọn gói cho các hãng điện thoại trên thế giới. Nếu đây không phải công bố chính thức từ Vsmart, sẽ rất khó tin rằng một hãng điện thoại Việt có thể làm được việc này.
Trong bài phỏng vấn mới đây, ông Nguyễn Minh Việt (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết bị di động, công ty VinSmart) đã lên tiếng lý giải về thông tin cho rằng, sản phẩm Vsmart Live 1 vừa ra mắt có nhiều điểm tương đồng chiếc Meizu 16Xs. Theo ông Việt, đây là điều bình thường trong ngành khi hai hãng điện thoại cùng đầu tư chi phí thiết kế sản phẩm và thuê ODM/IDH giỏi nhất trong ngành thiết kế concept.
"Ngoài việc tương đồng về hình thức vì cùng chia sẻ một mẫu concept thiết kế, Vsmart Live và mẫu điện thoại trên khác nhau hoàn toàn về bản chất. Chúng tôi sử dụng bản vẽ concept đó, điều chỉnh các chi tiết mình cần, thiết kế hệ điều hành của máy và sản xuất tại nhà máy Vsmart… Phần "hồn" của Vsmart Live (hệ điều hành VOS 2.0, trải nghiệm người dùng, thuật toán camera…) do đội ngũ R&D của Vsmart tự phát triển 100%", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết bị di động VinSmart nhấn mạnh.
Theo thông tin chính thức này, có thể thấy rằng Vsmart chỉ hợp tác với ODM đó trong vai trò của một nhà thiết kế đơn thuần IDH.
Vậy ODM, IDH là gì?
Với dư luận nói chung, ODM hay IDH là những thuật ngữ "nhiều người nghe nhưng rất ít người hiểu". "Cơn bão" mà Vsmart vô tình vướng phải chính là từ việc cộng đồng chưa phân biệt được những khái niệm này.
ODM là Original Design Manufacturer – nhà thiết kế sản phẩm gốc. ODM đặc biệt quan trọng với các thương hiệu chỉ có bộ phận kinh doanh, bởi ODM có đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế và cả sản xuất ODM = IDH (Thiết kế) + OEM (Sản xuất). ODM sẽ nghiên cứu một số sản phẩm mẫu sẵn để doanh nghiệp lựa chọn, chỉ cần tùy chỉnh nhẹ và đóng logo để đưa ra thị trường.
IDH là Independent Design House – nhà thiết kế độc lập. IDH chỉ thực hiện đúng vai trò là nhà thiết kế, trợ giúp thiết kế sản phẩm ban đầu (có thể là thiết kế kiểu dáng, khung cơ khí hay kể cả các vi mạch bên trong). Nói cách khác, IDH là nhà thiết kế chuyên nghiệp, là một quy trình của ODM và chỉ đơn thuần "vẽ" ra sản phẩm theo đặt hàng từ các hãng. Đây chính là cách Vsmart sử dụng trong quá trình sản xuất Vsmart Live 1.
Việc hợp tác với IDH rất thường gặp trong ngành công nghiệp điện tử thế giới. Theo thống kê, có tới gần 30% smartphone trên toàn cầu được thiết kế bởi các IDH và theo xu hướng, con số này đang tăng lên. Ngay các tập đoàn sản xuất smartphone lớn nhất thế giới như Samsung, Huawei hay Xiaomi cũng đều hợp tác với các IDH/ODM nhằm rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm và tăng số lượng thiết bị cần ra mắt, bất chấp việc các tập đoàn này đều sở hữu hàng chục ngàn kỹ sư trên toàn cầu.
Tại sao Vsmart muốn trở thành một ODM?
Cũng trong bài phỏng vấn, ông Nguyễn Minh Việt hé lộ thông tin gây choáng váng giới công nghệ trong nước: Tháng 4/2020, Vsmart sẽ chính thức trở thành một ODM, cung cấp dịch vụ trọn gói từ thiết kế tới sản xuất cho các hãng điện thoại khác.
Điều này có nghĩa, Vsmart sẽ đổi vai từ người đi thuê sang người… làm thuê. Nhưng để trở thành "người làm thuê" trong lĩnh vực này không phải chuyện đơn giản. Chỉ có các công ty công nghệ rất tự tin vào năng lực, nguồn lực và đẳng cấp mới "dám" đi vào con đường này.
Điều này cũng có nghĩa, vào tháng 4/2020, Vsmart đã chắc chắn làm chủ hoàn toàn các công đoạn sản xuất smartphone, từ thiết kế (công đoạn mà họ vừa rồi vẫn còn đi thuê), sản xuất linh phụ kiện tới sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh.
Thời gian từ đây cho tới thời điểm này rất ngắn, chỉ còn khoảng 8 tháng. Như vậy, có thể thấy rằng Vsmart đã xây dựng chiến lược này ngay từ khi họ quyết định tham gia vào thị trường điện thoại thông minh – một mục tiêu quá lớn mà nếu công bố ngay khi đó, có lẽ sẽ chẳng mấy ai tin.
Để thực hiện mục tiêu này, Vsmart một mặt bắt tay với những tên tuổi hàng đầu để chuyển giao công nghệ tiên tiến nhất, trong đó có các IDH lớn nhất nhì trong ngành như BQ, Fujitsu, Wingtech; mặt khác đưa đội ngũ kỹ sư đi học hỏi và tự nghiên cứu phát triển các mẫu thiết kế, hệ điều hành VOS…
Kết quả từ quá trình âm thầm chuẩn bị của Vsmart đã được ông Việt tiết lộ: Hiện tại, Vsmart đã có trên tay chiếc Vsmart Live 2 - chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của Việt Nam do đội ngũ kỹ sư Vsmart thiết kế từ phần cứng, hệ điều hành và sản xuất trong nước!
Điện thoại Live 2 bên phải (đã được thiết kế mới hoàn toàn 100% bởi đội ngũ kỹ sư Vsmart)
Một số chuyên gia trong ngành nhận định, trên thực tế, khi Vsmart công bố việc "nâng cấp" từ nhà máy sản xuất có công suất 5 triệu sản phẩm/năm lên Tổ hợp sản xuất Vsmart công suất tối đa lên tới 125 triệu máy/năm, những ai am hiểu đều tin rằng Vsmart sẽ làm "điều gì đó" vượt tầm một hãng sản xuất điện thoại bình thường.
Bởi dung lượng thị trường smartphone Việt Nam ở mức khoảng 13 triệu chiếc/năm (2018), trong khi công suất của nhà máy Vsmart cao gấp gần 10 lần dung lượng toàn thị trường. Ngay cả để xuất khẩu, có lẽ cũng rất khó để Vsmart đạt tới sản lượng quá lớn này.
Trở thành một ODM, Vsmart sẽ tận dụng được toàn bộ Tổ hợp sản xuất có quy mô lớn, dây chuyền máy móc hiện đại, đã được đầu tư rất mạnh mẽ của mình. Hơn nữa, việc này cũng phù hợp với mục tiêu thúc đẩy công nghiệp phụ trợ của Vsmart. Trở thành một ODM cho các hãng điện thoại trên toàn thế giới, Vsmart sẽ có nhiều cơ hội thực hiện vai trò đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp phụ trợ trong nước cùng phát triển.
Vượt trên ý nghĩa một chiếc điện thoại thương hiệu Việt, Vsmart đang thực sự biến những điều khó tin nhất trở thành sự thật.