Tại sao tiền mặt nên dần bị loại bỏ?

31/03/2017 15:47 PM | Xã hội

Hiện nay đang ngày càng nhiều nền kinh tế kêu gọi loại bỏ dần tiền mặt. Tại sao lại như vậy?

Tiền mặt là một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người; cứ tưởng tượng mà xem, đó là một sự phát triển lớn lao từ việc trao đổi cừu hay các bó cỏ khô.

Cho dù đã có nhiều hình thức thanh toán khác ra đời, tiền mặt vẫn có những đặc tính mà các phương pháp thay thế không thể phủ nhận, trong đó có tính chất khuyết danh, tính thanh khoản tức thì, được chấp nhận ở mọi nơi và là một cơ chế không chịu tác động của công nghệ. Nhưng hiện nay đang ngày càng nhiều nền kinh tế kêu gọi loại bỏ dần tiền mặt. Tại sao lại như vậy?

Trong cuốn sách "The Curse of Cash", Kenneth Rogoff đã đề cập đến tình huống dần loại bỏ các loại tiền giấy. Tất nhiên, như tác giả thừa nhận, nó có nhiều lợi ích nhưng các chi phí đi liền với nó là quá lớn. Ta thử xét tính khuyết danh chẳng hạn. Phẩm chất này cho phép tội phạm cung cấp tài chính cho các hoạt động của chúng, và giúp những kẻ trốn thuế thực hiện hành vi của mình.

Theo Rogoff, phần lớn tiền mặt của những người giàu được sử dụng để tài trợ các hoạt động trốn thuế và các hành vi phi pháp như buôn người và khủng bố. Nhiều người, trong đó có cả Rogoff, cho rằng một thế giới không có tiền mặt cũng sẽ giúp các chính sách tiền tệ hoạt động hiệu quả hơn, vì người dân không còn có thể nhét tiền vào két nữa kể cả khi lãi suất âm.

Người tiêu dùng và các doanh nghiệp ở những nước ít sử dụng tiền mặt như Thụy Điển cũng đang dần thấy rằng các hình thức thanh toán điện tử có nhiều ưu điểm hơn hẳn, như tính bảo mật, chi phí thấp, vệ sinh và tiện lợi.

Việc loại bỏ tiền mặt chắc chắn sẽ có nhiều hệ lụy, và trong đó có nhiều điều đáng lưu tâm. Vấn đề khó giải quyết nhất là tính khuyết danh không còn, và nguy cơ nhiều khu vực sẽ bị cô lập khỏi hệ thống tài chính, vì nếu không dùng các thiết bị điện tử thì không thể nào thanh toán được.

Vấn đề tính khuyết danh có thể giải quyết một phần bằng việc duy trì các đồng tiền mệnh giá nhỏ và tiền xu, đủ để người ta mua sắm lặt vặt nhưng không đủ để mua được bất động sản.

Vấn đề đặc quyền tài chính cũng trở nên trắc trở. Trong một thế giới không có tiền mặt, các nhóm dễ bị tác động (như người nghèo, người già và người nhập cư) có thể còn bị cô lập hơn nữa. Và những đối tượng có thu nhập phụ thuộc chặt chẽ vào tiền mặt (như nhà thờ, các quỹ từ thiện và những người vô gia cư) có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn về thu nhập.

Nhưng các thay đổi có thể dần được thực hiện một cách thông minh, chẳng hạn như trả thêm tiền cho người dùng thẻ debit trả trước và cung cấp các loại máy đọc thẻ không cần tiếp xúc cho các quỹ từ thiện. Quá trình chuyển đổi này thực ra còn có thể làm tăng phạm vi bao trùm của các dịch vụ tài chính, vì nó làm minh bạch hóa các khoản tiền qua giao dịch ngân hàng.

Cuộc tranh luận này đã làm nổ ra nhiều phản ứng mạnh mẽ.

Bild, một tờ báo ở Đức, gần đây đã tổ chức một cuộc biểu tình chống lại quy định giới hạn 5.000 euro cho một giao dịch tiền mặt. Giới học thuật ở Đức cũng cho rằng loại bỏ tiền mặt sẽ không thể ngăn chặn tội phạm và các giao dịch chợ đen: lừa đảo và các vụ tấn công điện tử cũng như thanh toán ẩn danh trực tuyến vẫn diễn ra thường xuyên.

Tuy nhiên khi các nước giàu mở đầu con đường loại bỏ tiền mặt, các cửa hàng và quán café từ chối nhận tiền mặt, thì các nhà kinh tế học đã nhìn thấy rõ những lợi ích trực tiếp của thanh toán điện tử và sự chuyển đổi không mấy khó khăn này từ lâu rồi.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM