Tại sao sau 30 năm, PepsiCo quyết định thay đổi thiết kế của những chai nước giải khát 2 lít?
Chúng vẫn là những chai nhựa, nhưng công ty PepsiCo đã giảm bớt một chút dấu chân cacbon đồng thời cải thiện đáng kể trải nghiệm của người dùng.
Được thiết kế lần đầu tiên vào năm 1970 bởi PepsiCo và được cải tiến vào những năm 1990, chai hai lít là sản phẩm tuy không hoàn hảo nhưng là trụ cột trong ngành nước giải khát. Nhưng ngày nay, sau 30 năm giữ nguyên thiết kế, những chiếc chai hai lít đang có một sự lột xác hoàn toàn.
PepsiCo đang bắt đầu tung ra một loại chai mới cong hơn, dễ cầm hơn và giữ thăng bằng trong tay bạn, đồng thời tiêu thụ ít nhựa hơn trong quá trình này. Thiết kế mới sẽ được áp dụng cho tất cả các nhãn hiệu nước ngọt lớn của công ty này.
(Nguồn: PepsiCo)
Mauro Porcini, Phó chủ tịch cao cấp và Giám đốc thiết kế của PepsiCo, cho biết: “Với tư cách là một nhà thiết kế, bạn có thể nghĩ rằng thiết kế lại cho một cái chai thì có khó khăn gì chứ? Thực tế là khi bạn cần thiết kế lại một chiếc chai với quy mô (lớn) như thế này…và tác động của nó đối với thế giới và hoạt động kinh doanh, nó có lẽ là một trong những dự án khó khăn nhất mà tôi từng phải đối mặt trong sự nghiệp của mình.”
Porcini không hề phóng đại về quy mô của những chiếc chai PepsiCo 2 lít. Loại chai này vẫn còn rất phổ biến: Số lượng bán ra của chai 2 lít ngang bằng với số lượng của loại lon 330 ml. Quá trình thiết kế lại bắt đầu từ năm 2018 khi PepsiCo quyết định đã đến lúc thừa nhận khó khăn của người tiêu dùng khi phải sử dụng thiết kế chai hiện tại.
Chai 2 lít ban đầu có chu vi 13,4 inch (khoảng 34 cm), trong khi PepsiCo cho biết bàn tay trung bình là từ 18 đến 22 cm khi cầm nắm. Chỉ cần nhìn sự khác biệt đó cũng có thể hiểu tại sao hai lít lại khó cầm nắm và giữ thăng bằng đến vậy.
Mục tiêu đầu tiên của công ty là cải thiện hình thái học, yếu tố thiết kế giúp sản phẩm thân thiện hơn, thoải mái hơn và hoạt động tốt hơn đối với người dùng. Porcini nói: “Cách bạn cầm, rót nước, cách làm cho trải nghiệm tốt hơn từ quan điểm về khả năng sử dụng và công thái học. Đó chính là mấu chốt quan trọng: Chúng tôi muốn làm cho sản phẩm hữu ích hơn”.
Porcini cũng cho biết: “Bạn có thể thiết kế thứ gì đó thực sự tuyệt vời trên một nguyên mẫu được in 3D, nhưng khi bạn cho chất lỏng thực sự vào bên trong và bạn sẽ mất tất cả các chi tiết đó do áp lực (của nước).”
(Nguồn: PepsiCo)
Hình dáng cuối cùng do PepsiCo lựa chọn là sự kết hợp giữa cũ và mới. Ở phía trên, chiếc chai giống như những chai 2 lít mà bạn biết tới. Tuy nhiên, khoảng hai phần ba phía ưới, nó được bẻ cong xuống, thu hẹp chu vi còn khoảng 26 cm, mỏng hơn 25% so với loại hai lít tiêu chuẩn. Thêm vào đó, phần chân của chai lại thon gọn, tạo sự cân bằng một cách ấn tượng cho một thiết kế có vẻ nặng nề ở phần cổ chai.
Bản thân hình dạng này là một thành tựu kỹ thuật bởi vì, mặc dù nó không sử dụng ít nhựa hơn chai cũ, nhưng nó cũng không sử dụng nhiều hơn. Như Porcini giải thích, thách thức là quản lý lượng nhựa phù hợp cho cả chiếc chai, dày từ 0,2 đến 0,3 mm để giảm thiểu chất thải.
Phần trên cùng của chai, cổ chai, phải dày hơn để hỗ trợ cấu trúc chai. Xung quanh nhãn, họ có thể làm mỏng nó. Nhưng sau đó ở khu vực cầm nắm đó, nhựa cần trở nên dày hơn một lần nữa để hỗ trợ cả cấu trúc của đường cong và áp lực của bàn tay bạn.
Tuy nhiên, PepsiCo cần khu vực tay cầm này càng mỏng càng tốt để giúp việc sử dụng chai dễ dàng hơn. Những gì họ nghĩ ra là chi tiết bên ngoài — những đường gờ bổ sung bằng nhựa giúp củng cố nhựa ở khu vực cầm nắm này, giống như giàn giáo.
(Nguồn: PepsiCo)
Những đường gờ này cũng là một phương tiện để thể hiện thương hiệu, vì mỗi chai nước ngọt khác nhau có hình dạng cầm nắm độc đáo của riêng nó. Pepsi cổ điển trông giống như một làn sóng, trong khi Mountain Dew gần giống như một tia chớp.
Emily Silver, phó chủ tịch phụ trách đổi mới và năng lực của PepsiCo Beverage Bắc Mỹ, nói rằng thử nghiệm của người tiêu dùng cho thấy 90% mọi người thấy chai mới này dễ cầm và rót hơn — và hầu hết có thể làm như vậy bằng một tay.
Một mối quan tâm khác là sự hiện diện tổng thể tại các cửa hàng, siêu thị. Porcini chia sẻ: “Chúng tôi muốn được trưng bày trên kệ hàng một cách đáng tự hào. [Đó là về việc] tạo ra thứ gì đó đáng nhớ, đặc biệt, để nếu bạn nghĩ về Pepsi, bạn sẽ nghĩ về hình dạng đặc biệt đó.”
Mặc dù về mặt kỹ thuật, chai mới mỏng hơn và cao hơn một chút so với chai cũ, nhưng những khác biệt này rất nhỏ nên không cho phép số lượng sản phẩm lớn hơn chen chúc trên các kệ hàng. Tuy nhiên, các nhà thiết kế đã chuyển vị trí nhãn chai cao hơn trước, điều này phù hợp với thực tế là nhiều kệ có một thanh chắn an toàn nhỏ che mất nhãn dán.
Và trong thiết kế mới này, có lẽ tác động nhất là nhãn mới nhỏ hơn 24% so với nhãn cũ, có nghĩa là mỗi chai sử dụng ít nhựa hơn một chút.
Khi được hỏi tại sao không tập trung vào tính bền vững trong lần tái thiết kế này, Silver và Porcini đưa ra những câu trả lời khác nhau. Silver chỉ ra các mục tiêu môi trường ở quy mô lớn của PepsiCo: đầu tư vào các cơ sở hạ tầng tái chế để thu hồi nhựa có thể tái sử dụng.
Trong khi đó, Porcini chỉ ra danh mục thương hiệu đa dạng của công ty, chẳng hạn như SodaStream tận dụng những chai có thể tái sử dụng và cho phép mọi người tạo ra nước có ga từ chính nước vòi của họ.