Tại sao Mỹ không thể 'lật đổ' vị thế đứng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc?

12/06/2020 08:31 AM | Xã hội

Chính quyền Tổng thống Trump đã nói về việc đưa chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc để trở về Mỹ và thậm chí có thể sẽ chuyển sang sản xuất hàng hóa thiết yếu tại một số quốc gia châu Á khác.

Tuy nhiên, theo những cuộc phỏng vấn với gần 10 quan chức chính phủ và các nhà phân tích của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bất kỳ nỗ lực nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng nào cũng khó có thể thực hiện.

Chiến tranh thương mại đã trở thành yếu tố thúc đẩy những lời kêu gọi ở Mỹ và các nơi khác để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với những loại hàng hóa mang tính chiến lược. Chính quyền Tổng thống Trump đã nói về việc đưa chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc để trở về Mỹ và thậm chí có thể sẽ chuyển sang sản xuất hàng hóa thiết yếu tại một số quốc gia châu Á khác. Tháng trước, ông Trump còn cho biết Mỹ sẽ tiết kiệm được 500 tỷ USD nếu cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo những cuộc phỏng vấn với gần 10 quan chức chính phủ và các nhà phân tích của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bất kỳ nỗ lực nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng nào cũng khó có thể thực hiện. Trong khi các chính phủ đang nỗ lực để thu hút các khoản đầu tư, như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy bán dẫn tại Mỹ, thì mọi việc sẽ không chỉ đơn giản là phá bỏ một hệ thống kiên cố khi có nhiều công ty đang chật vật để tồn tại.

Có nhiều khả năng dịch bệnh sẽ đẩy nhanh sự thay đổi vốn đã được thúc đẩy bởi tác động của thị trường, khi mức lương và chi phí tại Trung Quốc tăng lên trong thập kỷ vừa qua – tạo ra sự dịch chuyển trong ngành sản xuất hàng hóa giá trị thấp sang các quốc gia Đông Nam Á.

Trong khi mạng lưới thương mại thế giới hầu hết được kiểm soát tốt trong bối cảnh lệnh phong tỏa được áp dụng ở nhiều nơi, thì sự ảnh hưởng đối với nền kinh tế đã thúc đẩy các chính trị gia kêu gọi thực hiện quá trình tự cung tự cấp và thay thế cho Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ - Mike Pompeo, năm ngoái cho biết các quốc gia Australia, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc là những nước Mỹ đã thảo luận về vấn đề chuỗi cung ứng.

"Trung Quốc + 1"

Các ngành công nghiệp – gồm dược phẩm, thiết bị y tế, chất bán dẫn, ô tô, hàng không vũ trụ, dệt may, hóa chất, cùng những ngàng khác, đều nằm trong kế hoạch thay đổi này. Thế nhưng, ý tưởng này hiện tại dường như thiếu nền tảng vững chắc. Bộ Ngoại giao Mỹ không có thẩm quyền đối với vấn đề thương mại và các quan chức khác tại các quốc gia châu Á cho biết chưa có cuộc thảo luận chính thức nào diễn ra.

Tuy nhiên, các chính phủ khác đang đưa ra những bước đi cụ thể để chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt là kể từ sự gián đoạn khi Covid-19 diễn ra. Trong đó có Đài Loan và Nhật Bản – một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào năng lực sản xuất tại Trung Quốc trong thời gian rất dài.

 Tại sao Mỹ không thể lật đổ vị thế đứng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Anwita Basu – trưởng nhóm nghiên cứu rủi ro tại các quốc gia châu Á thuộc Fitch Solutions, cho biết: "Nhiều công ty đã bắt đầu áp dụng chiến lược trung tâm sản xuất ‘Trung Quốc + 1" kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra vào năm 2018, với Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi." Dù đại dịch sẽ tạo ra một cú hích khác, nhưng "sự di dời khỏi Trung Quốc sẽ chậm lại vì quốc gia này vẫn có sản lượng sản xuất hàng năm lớn đến mức ngay cả một số nước sẽ gặp khó khăn trong việc thay đổi."

Năm 2019, giới chức Đài Loan đã khuyến khích các công ty xây dựng chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc, thông qua một đạo luật hỗ trợ tiền thuê nhà, đi vay giá rẻ, giảm thuế và đơn giản hóa việc đầu tư vào hòn đảo này. Động thái này đã giúp nền kinh tế Đài Loan vượt qua cuộc chiến thương mại năm ngoái và mang về hơn 1 tỷ Đài tệ (33,5 tỷ USD) đầu trong nước và nhiều hơn nữa ở nước ngoài.

Trong khi đó, Nhật Bản gần đây cũng chọn hướng đi tương tự, khi chính phủ cam kết hỗ trợ 220 tỷ yen (2 tỷ USD) cho các công ty đưa dây chuyền sản xuất "về nhà" và 23,5 tỷ yen cho những công ty tìm cách chuyển đến các quốc gia khác. Hàn Quốc cũng có kế hoạch đưa ra những ưu đãi thuế, nới lỏng những quy định liên quan đến đầu tư và mở rộng hỗ trợ tài chính cho các công ty sẵn sàng thay đổi.

Các nước khó có thể tách rời khỏi Trung Quốc

Dẫu vậy, Trung Quốc hiện vẫn có những lợi thế quan trọng. Năm ngoái, 38% trong 11 tỷ USD đầu tư nước ngoài của Đài Loan vẫn đổ vào đại lục, trong khi con số của Nhật bản là 10%, dù đã đầu tư vào Đông Nam Á trong vài thập kỷ qua.

Young Liu – chủ tịch của Hon Hai Precision Industry, hồi giữa tháng 5 cho biết việc chuyển chuỗi lắp ráp các thiết bị điện thoại sang Mỹ là rất khó, bởi không có đủ số lượng công nhân cần thiết.

Dan Wang – nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics, viết trong 1 báo cáo phát hành vào tháng 4: "Trung Quốc vẫn là một địa điểm có lợi thế lớn với tư cách là một địa điểm sản xuất với số lượng công nhân lành nghề, mạng lưới nhà cung cấp quy mô lớn và sự hỗ trợ vững chắc của chính quyền đối với các nhà sản xuất và cung cấp."

Ngay cả khi các công ty tìm những địa điểm thay thế cho các nhà máy Trung Quốc, hay chịu áp lực khi phải tăng sản lượng tại "quê nhà", thì vẫn có một lý do khác khiến sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục là yếu tố hấp dẫn: thị trường nội địa rộng lớn và đang phát triển.

 Tại sao Mỹ không thể lật đổ vị thế đứng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Dòng vốn đổ vào Trung Quốc từ Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

Hiện tại, Tesla đặt nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tại Trung Quốc. Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gửi một lá thư đến Honeywell, chào mừng khoản đầu tư mới của họ vào Vũ Hán. Ông và các quan chức khác đã khuyến khích việc hợp tác kinh tế với Mỹ và tuyên bố sẽ thự chiện thỏa thuận giai đoạn 1 đã đạt được hồi tháng 1.

Trong khi đó, đại dịch đã cho thấy các quốc gia có thể nhanh chóng thích nghi với việc đáp ứng nhu cầu đối với các loại hàng hóa quan trọng, khi việc phong tỏa ở nước này gây gián đoạn cho việc giao hàng quần áo bảo hộ, máy thở, vật tư y tế. Việt Nam đã nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất khẩu trang và xuất khẩu hơn 415 triệu chiếc trong 4 tháng. Mỹ cũng thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất khác sản xuất mặt nạ phòng độc và vật tư quan trọng khác.

Dẫu vậy, về lâu dài, câu hỏi đặt ra là liệu những mô hình như thế này có bền vững hay không và ai sẽ chi tiền xây dựng các nhà máy mới bên ngoài Trung Quốc?

Đi tìm giải pháp thay thế

Sắc luật ban hành hôm 14/5 từ Tổng thống Trump cho phép Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ - ngân hàng phát triển của Mỹ cho các thị trường mới nổi, hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm giúp các công ty nước này xây dựng chuỗi cung ứng đối với các loại hàng hóa quan trọng như máy thở và thuốc generic.

Tuy nhiên, khi chính phủ đã chi hàng nghìn tỷ USD để cứu trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, thì việc tìm thêm nguồn vốn để tái cấu trúc chuỗi cung ứng lại là một việc không hề dễ dàng. Andrew Hastie – nhà lập pháp và chủ tịch ủy ban tình báo, an ninh quốc gia, đã kêu gọi về việc cung cấp "ưu đãi thuế trong thời gian giới hạn" để xây dựng sự tự lực của quốc gia đối với các loại dược phẩm, vật tư y tế và hàng hóa quan trọng khác.

Cuối cùng, yếu tố khiến vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc lung lay có thể là sự phát triển chậm chạp của thương mại toàn cầu, khi các công ty nhận thấy cơ hội từ các thị trường mới nổi, công nghệ mới và sự thay đổi trong các khối tài sản.

Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM