Tại sao lương tôi đã cộng cả 1-2 triệu phụ cấp xăng xe, điện thoại, công tác phí mà cuối tháng vẫn chẳng cao hơn là mấy?

14/07/2017 07:44 AM | Xã hội

Dù là khoản khá nhỏ so với lương, tuy nhiên phần phụ cấp mang tính chất công ty ‘khích lệ’ này sẽ vẫn phải tính vào thu nhập chịu thuế.

'Phụ cấp xăng xe, điện thoại': Chiêu trả lương 'khích lệ' hầu như công ty nào cũng sử dụng

Khi đi làm ngoài tiền lương nhận được hàng tháng thì người lao động, hay là chính bạn, cũng có thể được công ty trả những loại phụ cấp như phụ cấp xăng xe, đi lại hay là tiền điện thoại.

Ví dụ, nếu anh A là một nhân viên phát triển thị trường của một hãng giải khát, yêu cầu công việc buộc phải di chuyển và gọi điện liên tục cho các nhà phân phối, thì bên cạnh tiền lương, thưởng là 15 triệu đồng, sẽ có chế độ nhận thêm 2 triệu đồng phụ cấp xăng xe, điện thoại.

Có ý nghĩa lớn hơn chỉ là một số tiền ‘trả thêm’, nhiều công ty thậm chí còn dùng cách hỗ trợ tài chính này như một ‘liệu pháp tinh thần’ cho chính nhân viên của mình. Họ cho rằng với một số tiền ‘nhận thêm’, bên cạnh phần lương cố định, mỗi nhân viên sẽ cảm thấy công ty có một sự quan tâm, sâu sát với mình hơn. Về lâu dài, ấn tượng tốt về công ty sẽ được lưu giữ và công ty có thể sở hữu được những nhân viên trung thành.

Tại sao lương tôi đã cộng cả 1-2 triệu phụ cấp xăng xe, điện thoại, công tác phí mà cuối tháng vẫn chẳng cao hơn là mấy? - Ảnh 1.

Còn đối với các bạn sinh viên đi làm thêm hoặc vừa mới ra trưởng, cụm từ 'hỗ trợ phụ cấp xăng xe, điện thoại’ có lẽ quá quen thuộc. Đây là cách khích lệ mà nhiều bộ phận nhân sự sử dụng khi tuyển thực tập sinh mới vào công ty của mình.

Chuyện tính thuế thu nhập cá nhân

Thế nhưng vì sao đến cuối tháng, dù đã được cộng phụ cấp nhưng tiền lương của bạn vẫn không tăng, hoặc tăng lên chỉ bằng phần lẻ của con số phụ cấp đã được nhận?

Câu trả lời nằm chính ở thuế thu nhập cá nhân. Hiểu nôm na, luật quy định rằng cứ một khoản tiền nào mà bạn nhận được từ sếp của mình thì sẽ được tính vào phần 'thu nhập chịu thuế'. Tiền phụ cấp vẫn bị coi là 'tiền do sếp trả cho', vì thế vẫn không thoát được thuế thu nhập cá nhân.

Điều này được thể hiện rõ ràng trong Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công:

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

"Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

………..

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:...

đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:

đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

đ.4.3) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài".

Quy định trên ghi rõ nếu số tiền phụ cấp bạn nhận được ít hơn một mức quy định hiện hành của Nhà nước thì bạn sẽ không phải đóng thuế tiền phụ cấp.

Tuy nhiên, thực tế thì nhiều công ty đã bỏ qua con số này. Vì thế, tin buồn là sẽ có rất ít cơ hội để phần tiền phụ cấp bạn nhận được thoát khỏi việc phải đóng thuế. Như vậy, dù là khá nhỏ so với lương, tuy nhiên phần phụ cấp mang tính chất công ty ‘khích lệ’ này sẽ vẫn phải tính vào thu nhập chịu thuế.

Chuyện tương tự cũng sẽ xảy ra với những thực tập sinh, sinh viên làm thêm khi đang đi học hay sinh viên mới ra trường mà được công ty ‘trả lương’ theo kiểu phụ cấp.

Ví dụ, nếu phụ cấp hàng tháng của một thực tập sinh là 1 triệu đồng thì khi nhận về, bạn sẽ chỉ được cầm 900.000 đồng chẳng hạn. Hay như anh A thời sinh viên cũng từng trải qua 3 tháng thực tập không lương tại một ngân hàng thương mại có tên tuổi với số tiền trợ cấp hàng tháng là 1 triệu đồng. Kết thúc kỳ thực tập, sau khi đã trừ hết tất cả các loại thuế, phí, số tiền cầm về nhà cuối cùng chỉ ngót ngét 2 triệu đồng.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM