Tại sao giới đầu tư Phố Wall vẫn đổ về Trung Quốc bất chấp chiến tranh thương mại hay dịch Covid-19?

15/10/2020 11:30 AM | Xã hội

Thị trường tài chính béo bở tại Trung Quốc khiến nhà đầu tư Phố Wall phớt lờ những cảnh báo từ giới chính trị Mỹ.

Trong vài năm trở lại đây, mối quan hệ Trung-Mỹ đang ngày càng căng thẳng nhưng những tập đoàn tài chính lớn của Phố Wall vẫn đổ về Trung Quốc. Họ tiếp tục nâng số nhân viên làm việc cũng như mở thêm văn phòng tại các trung tâm tài chính lớn của nền kinh tế số 2 thế giới. 

Từ JP Morgan Chase cho đến Goldman Sachs, nhiều công ty tài chính Mỹ vẫn tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc bất chấp sự căng thẳng leo thang giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Nguyên nhân của câu chuyện vô cùng dễ hiểu, các tập đoàn Mỹ muốn tiếp cận thị trường tài chính trị giá 47 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Hơn nữa, cơ hội tiếp cận thị trường này chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay bất chấp sức ép từ các nhà hoạch định chính sách.

Tại sao giới đầu tư Phố Wall vẫn đổ về Trung Quốc bất chấp chiến tranh thương mại hay dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Trên thực tế, các tập đoàn Phố Wall đã chờ đợi cơ hội này từ 20 năm nay và những xung đột nhất thời hay dịch bệnh chẳng thể ngăn cản họ đến với lợi nhuận. Thậm chí dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 90% trong vài năm trở lại đây, Phố Wall ngược lại vẫn rất hứng thú với thị trường lớn nhất thế giới này.

Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) vào năm 2001, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết mở cửa thị trường tài chính. Kể từ đây, nhiều tập đoàn tài chính nước ngoài đổ về Trung Quốc nhiều hơn và chính quyền Bắc Kinh cũng đã có những động thái mở cửa như cho phép người nước ngoài sở hữu dưới 50% cổ phần hay các quỹ tài chính có thể quản lý tài sản cho giới nhà giàu.

Thế nhưng phải đến năm 2020, thị trường tài chính Trung Quốc mới thực sự mở cửa cho Phố Wall. Các hiệp định thương mại song phương khiến những tổ chức tài chính Mỹ có thể quản lý tài sản cho bất kỳ người Trung Quốc nào, qua đó giúp họ tiếp cận được với lượng lớn nhà giàu mới nổi ở thị trường này.

Hiện phần lớn tầng lớp trung lưu và nhà giàu mới nổi tại Trung Quốc vẫn chỉ có hữu hạn các kênh đầu tư như gửi ngân hàng, bất động sản hay chứng khoán. Thậm chí rất nhiều hộ gia đình vẫn giữ thói quan tích lũy tiền mặt. Chính yếu tố này đã trở thành cơ hội lớn cho các quỹ đầu tư nước ngoài với dịch vụ đa dạng và lãi suất hấp dẫn.

Tại sao giới đầu tư Phố Wall vẫn đổ về Trung Quốc bất chấp chiến tranh thương mại hay dịch Covid-19? - Ảnh 2.

Cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc được các doanh nghiệp quốc tế nắm giữ (nghìn tỷ Nhân dân tệ)

Ngoài ra, nhiều công ty nước ngoài cũng đã được phép mua cổ phần chi phối hoặc tiếp nhận hoàn toàn các doanh nghiệp địa phương, một dấu hiệu tích cực cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang nới lỏng thị trường.

Theo nhiều dự báo, các thị trường tại Trung Quốc như mảng quản lý tài sản có thể tăng trưởng trở thành thị trường lớn thứ 2 thế giới vào năm 2023, qua đó thu hút rất mạnh đối với Phố Wall.

Tất nhiên, những tập đoàn tài chính nước ngoài vẫn phải tuân thủ một số quy định hạn chế như buộc phải giữ trung tâm số liệu khách hàng ở Trung Quốc hay phải xin cấp phép khi tham dự những mảng kinh doanh đặc biệt.

Theo CEO Benjamin Quinlan của công ty tư vấn Quinlan & Associates, các công ty tài chính của Trung Quốc hiện cũng đang trỗi dậy nhanh chóng và nếu các tập đoàn Phố Wall không nhanh chân, họ sẽ rất dễ dàng mất lợi thế. Ví dụ 8 công ty chứng khoán hàng đầu Trung Quốc hiện đã chiếm 40,3% thị phần và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên nếu các nhà đầu tư Phố Wall không gia tăng được lợi thế vốn có của mình.

Trong khi nhiều doanh nghiệp Phương Tây vẫn phải cho nhân viên làm việc tại nhà thì hàng loạt các tập đoàn tài chính Phố Wall chi nhánh Trung Quốc đã hoạt động bình thường trở lại. Sự hồi phục nhanh và đi trước của Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng kích thích các công ty tài chính quốc tế tích cực mở rộng hơn tại đây.

AB

Cùng chuyên mục
XEM