Tại sao giá Bitcoin liên tiếp thủng đáy xuống mức thấp nhất năm 2022?
Giá Bitcoin có thể xuống ngưỡng 25.000-30.000 USD trong những tuần tới.
Trong phiên 9/5/2022, giá Bitcoin đã xuống mức thấp kỷ lục 33.451,60 USD, tương đương mức giảm hơn 50% trong 6 tháng qua. Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021.
Cùng với đà giảm của Bitcoin là hàng loạt những đồng tiền số khác khiến thị trường ngập trong sắc đỏ. Chỉ trong 5 vừa qua, Bitcoin đã mất gần 16% giá trị trong khi hàng loạt các đồng tiền nổi tiếng khác như Ethereum, Binance Coin cũng mất giá mạnh.
Thống kê của Coinmarketcap cho thấy có đến 89/100 đồng tiền số có tổng giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường bị giảm giá của Bitcoin.
Theo hãng tin Bloomberg, dưới đây là 3 nguyên nhân chính khiến tiền số giảm giá mạnh:
1. Mất giá vì FED?
Mới đây, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất nửa điểm phần trăm và điều này tác động mạnh đến cả thị trường chứng khoán lẫn tiền số. Việc FED cùng nhiều ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ chống lạm phát đã khiến các nhà đầu tư lo lắng hơn, quay sang đổ tiền vào các tài sản trú ẩn như vàng hay bất động sản.
Bên cạnh đó, mối tương quan giữa tiền số và chứng khoán cũng trở nên mật thiết khi giá Bitcoin và chỉ số Nasdaq 100 đều đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại vào tháng 11/2021 để rồi giảm dần từ đó.
"Tiền số đang có xu hướng di chuyển cùng với thị trường chứng khoán hiện nay", trưởng phòng phân tích Michael Oliver tại Momentum Stuctural Analysis nhận định.
Theo chuyên gia phân tích Edward Moya của hãng Oanda, chỉ số Nasdaq đã giảm 21% từ đầu năm đến nay và Bitcoin cũng tương tự.
Tồi tệ hơn, chuyên gia Moya cho rằng rất nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền vào Bitcoin trong năm 2021 khi giá ở khoảng 32.000-36.000. Bởi vậy nếu giá xuống dưới 30.000 USD có thể tạo nên một đợt bán tháo Bitcoin cắt lỗ.
2. Liên tiếp những tin xấu
Năm 2021 là năm thăng hoa của Bitcoin khi liên tiếp những tin tích cực xuất hiện, từ sự bùng nổ của ứng dụng Cash App hay Robinhood cho phép nhà đầu tư nhỏ lẻ chơi tiền số cho đến ngày càng nhiều hãng chấp nhận sử dụng, thanh toán bằng Bitcoin. Thậm chí lần đầu tiên trên thế giới, một quốc gia là El Salvador chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền số này.
Vậy nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường tiền số lại khá ảm đạm. Những lời cam kết về một đồng tiền tương lai chẳng xảy ra như dự đoán và mọi người bắt đầu cho rằng sẽ cần thời gian lâu hơn để có thể sử dụng tiền số.
Ngay cả Al Salvador hiện cũng đang lâm vào rủi ro vỡ nợ hàng trăm triệu USD đáo hạn vào đầu năm 2023 do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) từ chối cấp vốn vay do lo ngại tính an toàn của tiền số tại nước này. Trong khi đó, trái phiếu phát hành bằng tiền số của El Salvador cũng chẳng có ai mua suốt 5 tháng nay, bất chấp những lời hứa hẹn đẹp đẽ từ chính phủ.
"Nhiều nhà đầu tư tin rằng việc sử dụng Bitcoin sẽ mất thời gian lâu hơn so với dự tính. Hiện nay tâm thái chung của thị trường là chờ đợi hơn là mua vào", chuyên gia Moya nhận định.
Hiện nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi xem tiền số sẽ được công nhận như thế trong "Thế giới ảo" mà Facebook phát triển, đồng thời xem xét khả năng chính phủ Mỹ ban hành quy định mới về thị trường này.
3. Không là "vàng số"
Trong thời kỳ đỉnh cao, nhiều nhà đầu tư đã từng tung hô Bitcoin có thể trở thành "vàng số", thành tài sản trú ẩn thay cho các kênh truyền thống như vàng, bạch kim...
Thế nhưng theo Chris Kline, đồng sáng lập Bitcoin IRA thì chuyện đó đã không xảy ra khi thị trường tiền số mất giá mạnh, song hành cùng với giai đoạn chứng khoán rung lắc vừa qua. Những rủi ro của nền kinh tế về lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng và xung đột địa chính trị Ukraine đã khiến nhà đầu tư từ bỏ chứng khoán, tiền số để đổ vào vàng, trái phiếu chính phủ hay bất động sản.
"Một số nhà đầu tư đang cân nhắc những lựa chọn khác, thậm chí rút vốn khỏi thị trường để giữ tài sản bằng đồng USD", ông Kline nhận định.
Vào tháng 11/2021, giá Bitcoin đã đạt mức đỉnh 69.000 USD nhưng hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng chúng sẽ giảm xuống ngưỡng 25.000-30.000 USD trong những tuần tới trước khi tăng trở lại vào cuối năm nay khi nền kinh tế hồi phục tốt hơn.
*Nguồn: CBS News, Bloomberg