Tại sao Facebook, Google, Apple… ngày càng “phát phì” sau mỗi cuộc khủng hoảng?

11/04/2023 13:32 PM | Kinh doanh

Những cuộc giải cứu giữa khủng hoảng luôn mang lại cho các gã khổng lồ nhiều lợi ích.

Tại sao Facebook, Google, Apple… ngày càng “phát phì” sau mỗi cuộc khủng hoảng? - Ảnh 1.

Cú sập của Ngân hàng Thung lũng Silicon đã mang đến cho thị trường nhiều sóng gió. Tuy nhiên, khi số phận đã an bài, người ta có thời gian để nhìn lại xem ai là người hưởng lợi nhiều nhất. Và có nhiều điều có thể khiến bạn bất ngờ.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu bên trong ngân hàng rất được giới công nghệ Mỹ yêu thích tưởng như sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho lĩnh vực được coi là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, chiến dịch giải cứu mạnh tay của Chính phủ Mỹ không chỉ ngăn điều tồi tệ xảy ra mà còn giúp mang đến những món quà “khủng” cho các Big Tech.

Khi thị trường bình tĩnh trở lại và giá các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn bật tăng, các nhà đầu tư chẳng có lý do gì để không trút bỏ gánh nặng. Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý. Các nhà đầu tư cần hiểu rõ tiền từ các gói cứu trợ đang hướng tới đâu.

Không phải bây giờ mà từ 2 thập kỷ trước, sóng gió đã mang lại lợi ích cho những gã khổng lồ hiện hữu bên cạnh tạo dư địa cho những “kẻ mới nổi”. Những cái tên hưởng lợi từ các cuộc giải cứu giữa khủng hoảng lại chính là những công ty lớn đang tồn tại. Điều này nghe có vẻ không giống với cách chủ nghĩa tư bản vận hành nhưng đó là thực tế khó chối cãi.

Tại sao Facebook, Google, Apple… ngày càng “phát phì” sau mỗi cuộc khủng hoảng? - Ảnh 2.

Lần này cũng vậy. Sau khi Chính phủ Mỹ vào cuộc ngày 10/3 để giải cứu SBV, cổ phiếu các doanh nghiệp vốn hóa lớn đã có một trong những đợt tăng giá tốt nhất từ trước tới nay. Tất cả 5 công ty hàng đầu của Mỹ đều hưởng lợi. Đây vốn là nhóm công nghệ và chiếm tới 20% thị trường chứng khoán – tỷ lệ cao nhất kể từ những năm 1960 và lớn gấp đôi so với hơn một thập kỷ trước.

Cùng với những đợt giải cứu, sự cạnh tranh cũng suy giảm. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ can thiệp để hỗ trợ sau khi thị trường sụp đổ năm 1987, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng một cách đáng kể. Thời điểm đó, quy mô thị trường chứng khoán chỉ bằng một nửa nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng, ở đỉnh năm 2020, nó đã lớn gấp đôi. Người ta có thể nghĩ rằng thị trường mở rộng sẽ tạo dư địa cho nhiều tay chơi mới nổi lên hơn. Tuy nhiên, điều đó không còn đúng ở Mỹ.

Số lượng các công ty Mỹ nằm trong top 10 từ thập kỷ này sang thập kỷ khác đang tăng điều đặn. Những năm 1990, con số này chỉ là 3 nhưng đã tăng lên 6 vào những năm 2010. Con số cũng cao hơn hẳn so với các nước khác.

Ngoài ra, 5 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ cũng lớn hơn đáng kể so với 5 doanh nghiệp xếp ngay sau chúng. Chỉ riêng 2 công ty lớn nhất đã chiếm gần một nửa vốn hóa thị trường của top 10, tăng 35% so với khi đại dịch nổ ra. Apple, ở vị trí số 1, lớn gấp 6 lần so với UnitedHealth Group, ở vị trí thứ 10. 3 thập kỷ trước, Exxon ở vị trí số 1 nhưng chỉ lớn hơn gấp đôi so với BellSouth, công ty ở vị trí thứ 10.

Có nhiều lời giải thích cho sự trỗi dậy của Big Tech, bao gồm lợi thế và sự bùng nổ trên môi trường số, nơi họ có thêm nhiều khách hàng mà chi phí tăng chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, hiệu ứng mạng không đủ để giải thích tại sao 3 trong số 4 ngành công nghiệp lớn của Mỹ (và không chỉ liên quan tới công nghệ), lại nằm trong tay một vài công ty. Các chiến dịch giải cứu khủng của chính phủ chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho những gã khổng lồ này.

Trong quá khứ, lĩnh vực công nghệ thường có những biến đổi chóng mặt. Có những cái tên nổi lên theo từng giai đoạn của kỷ nguyên máy tính, từ thời đại nguyên sơ đến kỷ nguyên máy tính cá nhân, Internet và điện thoai thông minh. Tuy nhiên, khi công nghệ bước vào kỷ nguyên đột phá như AI, người làm chủ cuộc chơi vẫn là những cái tên cũ như Microsoft và Alphabet. Và sự tồn tại của những gã khổng lồ cũng đồng nghĩa với sự suy giảm của những tay chơi mới nổi.

Tham khảo: FT

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM