Tại sao đám cưới đang ngày càng giống những cú lừa?
Thị trường đám cưới hiện nay đang có hiện tượng "Thông tin bất cân xứng" (Asymmetric Theory). Theo đó một bên giao dịch mà ở đây là người bán có nhiều thông tin hơn người mua, qua đó đẩy giá được sản phẩm lên trên mức giá thực của nó.
Trên góc độ tài chính, những đám cưới ngày nay chẳng khác gì những vụ lừa đảo khi các dịch vụ tổ chức buộc cặp đôi trả một đống tiền nhưng kết quả thu về có thể không hoàn hảo như bạn vẫn nghĩ. Báo cáo đám cưới toàn cầu của Wedding Wire năm 2019 cho thấy 28% số cặp đôi mắc nợ vì đám cưới cùng vô số những rủi ro sau khi những người yêu nhau về chung nhà.
Trò lừa đảo?
Tại Mỹ, bình quân chi phí hết hôn sẽ vào khoảng 38.700 USD, bao gồm 29.200 USD cho riêng lễ cưới. Thậm chí tại những khu vực đắt đỏ như trung tâm thành phố New York, chi phí tổ chức lễ cưới có thể lên đến 50.000 USD.
Dưới đây là một số chi phí "cơ bản" cho 1 đám cưới tại Mỹ:
-Thuê hội trường tổ chức: 14.006 USD (tùy địa điểm)
-Đồ ăn: 68 USD/khách
-Phí thuê stylish cho đám cưới: 1.973 USD
-Thuê DJ chơi nhạc: 1.124 USD
-Thuê ban nhạc biểu diễn: 3.900 USD
-Thuê nhiếp ảnh gia: 2.400 USD
-Tiền đèn và trang trí: 1.400 USD
-Tiền hoa: 1.800 USD
-Thiệp cưới: 550 USD
-Váy cưới: 1.700 USD (tùy loại trang phục)
-Bánh kém cưới: 555 USD
-Phí tư vấn: 550 USD
Điều thú vị ở đây là trên quan điểm tài chính, các cặp đôi không cần thiết phải tổ chức xa hoa cho lễ cưới chỉ để chứng minh rằng họ thật sự yêu nhau. Việc chi quá nhiều tiền cho đám cưới chỉ có lợi cho các nhà tổ chức và khiến các cặp đôi nợ nần nhiều hơn.
Ví dụ một chiếc bánh kem đơn giản chỉ với 4 USD là đủ nhưng các nhà tổ chức thiết kế thêm cho sang trọng và đẹp đẽ nâng giá của chúng đến gần 500 USD. Hay một người bạn có thể chụp ảnh miễn phí cho bạn nhưng studio sẽ thuyết phục bạn rằng đám cưới chỉ có một lần và nên thuê thợ với giá 2.440 USD để cho ra các tác phẩm đẹp.
Kỳ quặc hơn, dịch vụ váy cưới với những chiếc váy cô dâu có giá thuê lên đến 2.000-3.000 USD dù chẳng có bắt buộc nào cũng được thuê về để mặc 1 lần duy nhất trong đời. Với giá tiền đó họ hoàn toàn có thể mua những chiếc váy đẹp chẳng kém mà có thể thể dùng nhiều lần.
Câu hỏi đặt ra là tại sao nhất thiết phải thuê những chiếc váy đó? Phải chăng vì mọi đám cưới đều mặc nó hay chỉ có mặc như vậy mới chứng tỏ tình yêu đôi lứa?
Thế rồi đến dàn nhạc hay MC trên sân khấu. Một đám cưới hoàn toàn có thể nhờ bạn bè hay sử dụng âm nhạc có sẵn, nhưng các nhà tổ chức thuyết phục các cặp đôi rằng họ cần tốn đến gần 4.000 USD cho các bài biểu diễn mua vui cho thực khách.
Nghe có vẻ kỳ nhưng đám cưới lại đang dần trở thành thứ để quảng bá, giao tiếp xã hội hơn là một buổi lễ ấm cúng thực sự, nơi các cặp đôi chúc mừng sự hạnh phúc khi thành vợ chồng.
Thay vì một bữa cơm thân mật hay một đám cưới nhỏ với người thân quen, các đám cưới ngày nay tràn ngập khách mời mà cô dâu chú rể hiếm khi tiếp chuyện được quá 15 giây. Buổi lễ trở thành nơi đóng tiền ăn cơm của các khách mời với phong bì và tục lệ mà chẳng có chút không khí hạnh phúc hay kỷ niệm nào.
Số tiền trên thậm chí còn chưa bao gồm chi phí cho tuần trăng mật và mua nhẫn cưới. Thế rồi các cặp đôi còn phải tổ chức các lễ đính hôn, những tiệc mừng độc thân cuối cùng và vô số các buổi tiệc liên hoan ăn mừng khác. Nếu tính tổng thì mỗi cặp đôi Mỹ sẽ phải tốn bình quân lên tới gần 100.000 USD để có một đám cưới theo đúng các thủ tục mà chuyên gia tư vấn đề nghị.
Nếu bạn dư dả về tài chính thì việc chi tiêu nhiều cho đám cưới chẳng có gì phải bàn. Cho dù có bị lừa thì với số tài sản lớn, cặp vợ chồng vẫn có thể hạnh phúc sau đó. Thế nhưng nghiên cứu của Market Watch cho thấy 36% số cặp đôi vay vợ để tổ chức đám cưới. Thậm chí khoảng 32% số cặp mới cưới thừa nhận họ phải đi vay mượn để có thể tổ chức đám cưới vượt kinh phí ban đầu.
Xin được nhắc nhở rằng dù tổng thu nhập của cặp đôi có lớn hơn so với một người độc thân thì chi tiêu của họ cũng nhiều hơn. Các chi phí cho cuộc sống, con cái, giáo dục… sẽ nhiều hơn rất nhiều so với một người độc thân với chi tiêu chỉ riêng cho bản thân.
Sự bất hợp lý về thị trường
Trên thực tế, thị trường đám cưới hiện nay đang có hiện tượng "Thông tin bất cân xứng" (Asymmetric Theory). Theo đó một bên giao dịch mà ở đây là người bán có nhiều thông tin hơn người mua, qua đó đẩy giá được sản phẩm lên trên mức giá thực của nó.
Trong một thị trường tự do, người tiêu dùng tin rằng bất kỳ sản phẩm nào cũng có cái giá tương ứng. Sự cân bằng cung cầu sẽ đưa giá sản phẩm về mức cân bằng cần thiết, qua đó làm tham chiếu cho người mua. Ví dụ khi bạn đi chợ mua một cân táo, bạn sẽ biết nó đắt hay rẻ vì đã từng mua chúng ở nhiều nơi khác.
Tuy nhiên với những cặp đôi, họ có khá ít kinh nghiệm về các dịch vụ cưới và cũng chẳng có ai cưới quá nhiều để hiểu rõ về thị trường. Vậy là họ dựa vào kinh nghiệm từ những cặp đôi khác, từ lời khuyên của công ty cung ứng dịch vụ để rồi chấp nhận một mức giá định sẵn mà chẳng rõ nó có hợp lý hay không.
Việc bất cân xứng về thông tin khiến các dịch vụ cung ứng váy cưới, nhiếp ảnh, bánh cưới… có thể tự tạo mặt bằng chung về giá và đẩy chúng lên cao. Quan niệm bạn chỉ cưới 1 lần duy nhất trong đời khiến người tiêu dùng chấp nhận chi tiêu và khi mọi người đều tổ chức đám cưới theo cách này, việc làm đám cưới nhỏ ấm cúng trở thành khác biệt và dễ nhận nhiều chỉ trích.
Đến tận đây có lẽ nhiều người bắt đầu sợ kết hôn hay làm đám cưới. Tuy nhiên những phân tích trên chỉ trên quan điểm tài chính và chúng khuyến khích các cặp đôi kết hôn dựa trên tình hình tài chính thay vì chạy theo trào lưu. Suy cho cùng, ai rồi cũng sẽ phải tìm đến một nửa hạnh phúc của đời mình và sống hạnh phúc cùng gia đình vẫn tốt hơn là thoải mái độc thân.