Tại sao cưới càng to càng dễ ly hôn?
Bạn đừng ghen tỵ với những đám cưới linh đình của "nhà người ta", chưa chắc họ đã kết thúc có hậu đâu.
Đối với mọi cặp đối có ý định kết hôn, một đám cưới hoành tráng là điều mà hầu như các cô gái đều mơ ước. Những bộ váy trong mơ, bữa tiệc thịnh soạn, dàn khách mời hoành tráng hay cuộc vui nguyên ngày đều là những thứ được giới truyền thông và văn hóa nhiều nước cổ xúy.
Tuy nhiên, khảo sát của hãng Qualtrics năm 2019 cho thấy 45% số cặp đôi 18-53 tuổi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất sau những đám cưới tốn kém. Tất nhiên, họ đã phải trả giá cho những bữa tiệc tốn kém đó khi 47% số cặp đôi tổ chức cưới to cho biết đang xem xét ly hôn vì chuyện tài chính. Trong khi đó, chỉ có 9% số cặp đôi không cưới to nghĩ đến chuyện ly hôn vì tài chính.
Ảnh minh họa
Không chỉ gặp thách thức về tiền bạc, các cặp đôi tổ chức cưới linh đình còn cặp khá nhiều rắc rối trong hôn nhân chỉ vì chi phí kết hôn. Khoảng ¾ số cặp đôi tổ chức cưới to cho biết họ đã cãi nhau vì những khoản chi phí liên quan đến gia đình nhà vợ/chồng mà họ cho rằng bất hợp lý. Trong khi đó với những gia đình không cưới to, chỉ có khoảng 20% cặp đôi tranh cãi nhau vì vấn đề này.
Tồi tệ hơn, khoảng 36% cặp đôi cưới to thường xuyên cãi vã lẫn nhau về chuyện tiền bạc, bất kể là liên quan đến chi phí đám cưới hay các chi phí khác. Con số này chỉ là 11% đối với những gia đình tổ chức kết hôn đơn giản.
Ngoài ra, những cặp đôi cưới đơn giản cũng chi tiêu khôn ngoan hơn những gia đình thích tổ chức cưới to. Khoảng 40% những cặp đôi cưới đơn giản tiết kiệm được khoản tiền mừng nhận được trong khi con số này chỉ là 10% với những cặp vợ chồng cưới lớn. Phần lớn những gia đình tổ chức cưới linh đình thường dùng tiền mừng để thanh toán nợ vay cho đám cưới hoặc dùng cho chuyến du lịch trăng mật sang chảnh.
Điều thú vị là không như nhiều cặp vợ chồng tưởng tượng, chi phí lớn nhất mà các gia đình mới cưới chi cho hôn nhân là những chuyến du lịch trăng mật chứ chẳng phải bản thân lễ cưới. Theo khảo sát, khoảng 27% chi phí đám cưới được các cặp vợ chồng dành cho tuần trăng mật, 22% cho đồ ăn thức uống trong đám cưới và 17% cho chi phí địa điểm, tổ chức…
Một điều trớ trêu là khi yêu, con người ta hay trở nên mù quáng. Khoảng 45% số cặp đôi tại Mỹ không bàn luận về những khoản nợ với bạn đời cho các chi phí cưới hỏi vì họ cho rằng thế là không lãng mạn, không yêu nhau thực sự. Chỉ có 13% số cặp đôi dũng cảm đề cập đến vấn đề này trước khi cưới.
Ngược lại, khoảng 31% số cặp đôi Mỹ nói chuyện với nhau về tiền bạc sau khi cưới, qua đó tăng cao khả năng tranh chấp lẫn ly hôn.
Chi tiêu kết hôn càng cao tỷ lệ ly hôn càng lớn
Trước đó vào năm 2018, nghiên cứu của Giáo sư kinh tế Andrew Francis Tan và Hugo M Mialob đã cho thấy những đám cưới to cuối cùng thường có kết không đẹp. Theo đó những cặp đôi mua nhẫn đắt hơn 2.000 USD cho kết hôn thường có tỷ lệ ly hôn cao hơn 1,3 lần so với những gia đình chi trong khoảng 500-2.000 USD, đồng thời tỷ lệ bị stress về tài chính cũng cao hơn đến 3 lần.
Tương tự với lễ kết hôn, những đám cưới tốn hơn 20.000 USD sẽ dễ ly hôn hơn những buổi lễ dưới 1.000 USD.
Tất nhiên, những nghiên cứu và khảo sát trên chỉ mang tính tương đối và còn tùy thuộc vào tình hình xã hội, thu nhập, văn hóa của từng trường hợp. Với những gia đình có thu nhập cao hay các đại gia, một đám cưới to là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt tại Châu Á, những gia đình có nhiều mối quan hệ xã hội buộc phải tổ chức đám cưới lớn để duy trì xã giao.
Trong những trường hợp này, tài chính không phải là vấn đề lớn nhất dẫn đến các cuộc tranh cãi nhưng chúng cũng khiến các cặp đôi gặp stress nặng hơn so với những trường hợp kết hôn đơn giản.
Tất nhiên thu nhập càng cao thì ly hôn vì tài chính càng nhỏ