Tại sao cùng một người nhưng làm việc lúc tốt lúc tệ? Nắm vững từ khóa Đánh thức năng lực vô hạn để luôn thể hiện xuất sắc trong mọi tình huống!
Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi, tại sao trong công việc, có lúc mình tạo ra kết quả thật tồi tệ, nhưng lúc khác lại là một kết quả tuyệt vời? Có lúc bạn lập được những kỳ tích mà bạn chẳng bao giờ nghĩ mình có thể làm được. Vậy mà có những ngày chẳng có gì suôn sẻ, bạn làm rối tung những chuyện mà bình thường bạn thực hiện rất dễ dàng?
Cũng tương tự, tại sao ngay cả những vận động viên giỏi nhất, những người luôn làm mọi thứ thật xuất sắc lại có lúc không thể đưa bóng vào rổ hoặc không thực hiện được cú đánh đơn giản? Cùng là một người, lẽ ra ta phải có cùng cách xử lý vấn đề. Vậy, sự khác nhau là gì?
Tầm quan trọng của "trạng thái"
"Sự khác biệt ấy nằm ở trạng thái sinh lý - thần kinh của chúng ta", Anthony Robbins - chuyên gia hàng đầu nước Mỹ trong lĩnh vực huấn luyện khai phá năng lực con người nói. Trong cuốn sách "Đánh thức năng lực vô hạn", ông nhấn mạnh trạng thái ('state of mind' hay 'mood' trong tiếng Anh) là yếu tố định hình trải nghiệm và thành công của mỗi người.
Hầu hết các trạng thái của chúng ta cứ "bùng phát" một cách vô thức. Ta nhìn thấy sự vật, hiện tượng nào đó, rồi phản ứng lại theo trạng thái xuất hiện ngẫu nhiên tại thời điểm ấy. Đó có thể là trạng thái tích cực (tự tin, yêu thương, vui sướng, tin tưởng...) hay tiêu cực (bối rối, đau buồn, sợ hãi, lo lắng, buồn bã, thất vọng...).
Trên thực tế, một trạng thái tại một thời điểm có thể ảnh hưởng rất nhiều đến thành công và cuộc đời chúng ta. Bạn có thể rất thành thạo công việc, nhưng nếu bạn để mình rơi vào trạng thái tiêu cực trong một cuộc họp, bạn sẽ không phát huy được sự xuất sắc của mình.
Trong "Đánh thức năng lực vô hạn", Anthony Robbins khẳng định khả năng làm chủ trạng thái là điểm khác biệt giữa người thất bại và người thành công. Người thành công biết tự đưa mình vào những trạng thái tích cực. Họ biết chủ động làm chủ cảm nhận của mình thay vì phó mặc cho tác động từ bên ngoài.
Làm sao để làm chủ trạng thái?
Vậy, làm sao để làm chủ trạng thái?
Trong cuốn sách "Đánh thức năng lực vô hạn", Anthony Robbins giải mã trạng thái thành hai yếu tố chính - cũng là hai điều mà ta có thể tác động để tự đem lại trạng thái tích cực.
Đầu tiên, trạng thái sinh lý của bản thân. Như cách hít thở, tư thế, sự căng cơ... có tác động mạnh mẽ đến tâm trạng và hành vi của bạn. "Thậm chí những thay đổi nhỏ trên nét mặt hay điệu bộ cũng sẽ thay đổi cách chúng ta cảm nhận về tình huống, từ đó ảnh hưởng đến các đánh giá cuộc đời", Anthony Robbins nói.
Tôi còn nhớ về buổi thuyết trình hồi đại học, khi nhìn thấy mặt tôi căng như dây đàn, một người bạn đã khuyên tôi thử mỉm cười và nụ cười đó đã giúp tôi bớt căng thẳng hơn như thế nào. Chỉ một nụ cười đã thay đổi hoàn toàn hoàn buổi thuyết trình của tôi. Và hãy nhớ lại xem, có phải khi cơ thể tràn đầy sức sống, bạn sẽ nhận thức về thế giới hoàn toàn khác so với khi bạn mệt mỏi, đau ốm?
Một ví dụ khác, khi một ai đó mắc lỗi với bạn, nếu lúc đó cơ thể bạn đang ở trong trạng thái tích cực, lành mạnh, bạn sẽ dễ tha thứ hơn. Còn nếu bạn đang mệt mỏi, như bị cơn đau dạ dày hành hạ hay đang hạ đường huyết chẳng hạn, chắc chắn bạn sẽ phản ứng với người mắc lỗi theo cách "đáng sợ" hơn hẳn.
"Trạng thái sinh lý đã thay đổi cách bạn hình dung và trải nghiệm về thế giới", Anthony Robbins cho hay.
Vậy, ta có thể làm gì để thay đổi trạng thái sinh lý ngay lập tức? Hãy thay đổi cách hít thở, tư thế, biểu hiện trên gương mặt, cách vận động. Thay vì cúi đầu lầm lũi, ngồi thừ ra, hãy đứng thẳng người và nhìn thẳng về phía trước. Thay vì chau mày ủ rũ, hãy hít thở sâu và nở một nụ cười với mọi người xung quanh.
Yếu tố thứ hai, được Anthony Robbins đặc biệt nhấn mạnh, là sự chú ý của bạn vào mọi chuyện, là "câu chuyện" bạn kể cho chính mình về những gì đang xảy đến.
Không phải những sự kiện thực tế đang xảy ra, mà những gì bạn "trình diễn" trong đầu sẽ quyết định cách bạn cảm nhận về sự kiện đó. Bạn sẽ cảm thấy tích cực nếu bạn chú ý vào những điều tích cực, và ngược lại. Quan điểm nghe có vẻ thật lỗi thời, nhưng không phải ai cũng biết và áp dụng được.
"Cách thức và những điều bạn mường tượng, suy diễn - cũng như cách thức và những điều mà bạn tự trò chuyện với chính mình - sẽ tạo nên trạng thái và theo đó cách hành xử của bạn", Anthony Robbins nói. Cho nên khi bạn gặp một tình huống cụ thể, hãy chú ý đến "câu chuyện" bạn kể cho chính mình. Bạn sẽ chọn kể ra "câu chuyện" nào trong tâm trí mình? Là sự tiêu cực hay những cơ hội?
Hãy lấy một ví dụ trong "Đánh thức năng lực vô hạn" để làm rõ hơn vấn đề. Trong một trận bóng bầu dục, đến giữa hiệp thì đội bóng trường đại học Hawaii thua với tỉ số không tưởng 0 - 22. Bạn có thể tưởng tượng trạng thái lúc đó của các cầu thủ. Trong giờ nghỉ giải lao, khi bước vào phòng thay đồ, họ bước đi thất thểu, mặt cúi gằm, vẻ mặt buồn nản. Huấn luyện viên của họ nhận ra rằng trừ khi ông giúp họ thay đổi trạng thái, nếu không họ sẽ chắc chắn thua trong hiệp thứ hai. Ông đã lôi ra một tấm áp phích dán những bài báo tổng hợp về những đội bóng dù "ở chiếu dưới" trong các trận đấu nhưng vẫn giữ bình tĩnh và giành chiến thắng.
Bằng cách đó, ông gieo vào đầu các cầu thủ "câu chuyện" về khả năng chiến thắng ngược dòng, thay vì "câu chuyện" thất bại thảm hại. Điều gì đã xảy ra? Đội bóng đó đã lấy lại phong độ trong hiệp hai và chơi một trận để đời. Họ đã giành chiến thắng với tỉ số 27 - 22.
Kể một "câu chuyện" khác vào tâm trí có thể thay đổi trạng thái từ thất vọng nản lòng sang trạng thái tràn đầy hy vọng và quyết tâm, từ đó tạo nên thay đổi không ngờ. Vậy, tại sao không kể những "câu chuyện" phấn khởi, lạc quan thay vì chú ý vào sự thất bại?
Cũng giống như khi đến một buổi tiệc, nếu bạn hướng sự chú ý của mình đến một cuộc cãi vã, buổi tiệc đó trong mắt bạn sẽ ồn ào, ngột ngạt và đáng thất vọng. Nhưng nếu hướng đến những người đang trò chuyện vui vẻ cùng nhau, bạn cũng có những cảm nhận đầy tích cực về buổi tiệc đó.
Theo Anthony Robbins, dù tình huống bên ngoài có tệ đến đâu, bạn vẫn có thể truyền đạt nó theo cách sẽ mang lại cảm nhận tích cực. Sự chú ý và "câu chuyện" bạn chọn kể cho chính mình về mọi sự xung quanh là yếu tố quyết định cảm nhận tích cực đó.
--
Như vậy, bằng cách tác động vào trạng thái sinh lý và sự chú ý, bạn có thể điều khiển được trạng thái của mình, từ đó tạo nên những trải nghiệm tốt đẹp. Mọi hành vi của con người trong cuộc đời đều là kết quả của trạng thái. Thấu hiểu và làm chủ trạng thái, thông qua tình trạng cơ thể và sự tập trung - là chìa khóa để tạo nên những trải nghiệm tích cực. Nên nhớ rằng, những trạng thái của bạn vào những thời khắc quan trọng thực sự có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời bạn. Nên nếu bạn muốn thành công, hãy tìm cách làm chủ "mood" của mình.
Anthony Robbins liên tưởng sự làm chủ này như việc chăm sóc một khu vườn. Nếu tâm trí bạn là một khu vườn, bạn sẽ chọn gieo những hạt giống tốt lành hay là để mặc cho cỏ dại mọc tràn lan vô tội vạ? Bạn làm chủ cảm nhận tích cực của mình hay để nó "lạc trôi" theo bất cứ điều gì xảy đến? "Nếu chúng ta không định hướng tâm lý và trạng thái của mình một cách có ý thức, môi trường xung quanh sẽ khiến ta rơi vào trạng thái lộn xộn. Theo đó, kết quả nhận được có thể thật là thảm hại", Anthony Robbins nói.
Hãy bảo vệ cánh cửa tâm trí mình, bằng cách gieo những "hạt giống" tích cực từ trạng thái sinh lý. Hãy để những cảm nhận tích cực đưa những phép màu của cuộc sống đến với bạn.
Đánh Thức Năng Lực Vô Hạn (Unlimited Power) là một quyển sách mang tính "cách mạng" dành cho trí não, từng bước hướng dẫn bạn phát huy tối đa năng lực của bản thân. Cuốn sách chứa đựng hàng loạt những hình mẫu về việc định hướng tư duy, vận động cơ thể và cách thức giao tiếp với người khác để tạo ra những thành tựu vượt bậc.
Anthony Robbins là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực huấn luyện khai phá năng lực con người, là diễn giả được chào đón nồng nhiệt trên khắp thế giới và một trong những tác giả có sách bán chạy nhất toàn cầu. Sách của ông thường tập trung về chủ đề giúp người đọc tự hoàn thiện và khai phá năng lực bản thân. Anthony Robbins từng làm việc với các nguyên thủ quốc gia và những tên tuổi lớn trong ngành giải trí, thể thao và kinh doanh; từng cố vấn cho các chuyên viên quản trị của IBM, AT&T, American Express, McDonnell-Douglas… Nhưng không chỉ hỗ trợ những doanh nhân hay ngôi sao lớn, Anthony Robbins còn dành tình cảm đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh, sinh viên.