Tại sao Coteccons lãi ròng 38 tỷ đồng mà nộp thuế TNDN tới 43 tỷ đồng?

17/11/2022 13:49 PM | Kinh doanh

Trong thông báo phát đi ngày 16/11, Coteccons cho biết, doanh nghiệp đã nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 43 tỷ đồng cho kết quả kinh doanh của năm 2021 với lợi nhuận trước thuế là 38 tỷ đồng.

Việc dự trữ tồn kho (nguyên vật liệu, hàng hóa, thành phẩm,..) hay bán hàng cho nợ là những hoạt động thường xuyên diễn ra trong quá trình luân chuyển vốn lưu động của một doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thể sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư tài chính thu về lợi ích kinh tế.

Để dự phòng phần giá trị tổn thất của hàng tồn kho, khoản phải thu hay khoản đầu tư được đánh giá/ dự báo có khả năng giảm giá trị, kế toán đưa ra quy định về trích lập dự phòng.

Lấy ví dụ, khi giá thép liên tục giảm từ đầu năm đến nay, Hòa Phát sẽ gặp tình huống đơn giá nhập của hàng tồn kho bị cao hơn đơn giá thị trường đang giao dịch. Điều này có nghĩa là nếu bán ra lượng tồn kho trong kỳ, Hòa Phát sẽ bị lỗ.

Chưa cần bán ra thực tế, đến kỳ lập báo cáo tài chính, Hòa Phát sẽ phải đánh giá lại giá trị hàng tồn kho theo giá thị trường. Từ đó xác định chênh lệch và ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Tại sao Coteccons lãi ròng 38 tỷ đồng mà nộp thuế TNDN tới 43 tỷ đồng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamplus

Việc trích lập dự phòng làm phát sinh ra một khoản chi phí tương ứng cho doanh nghiệp, ngược lại khi hoàn nhập dự phòng tạo ra khoản doanh thu tương ứng cho doanh nghiệp.

Trong thực tiễn hạch toán, việc trích lập/hoàn nhập chi phí dự phòng đồng thời với ghi nhận chi phí/doanh thu tạo nên rất nhiều tình huống thú vị trên BCTC của doanh nghiệp. 

Một trường hợp điển hình là Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, với việc trích lập, hoàn nhập dự phòng cho khoản đầu tư vào các công ty con, BCTC của HAGL thường xuất hiện những khoản mục "lạ", gây khó hiểu với người ngoài ngành như chi phí "âm" hay Lỗ trước thuế nhưng Lãi sau thuế.

Tại sao Coteccons lãi ròng 38 tỷ đồng mà nộp thuế TNDN tới 43 tỷ đồng? - Ảnh 2.

Trích BCTC kiểm toán hợp nhất Hoàng Anh Gia Lai 2021 - đơn vị tính: ngàn VND

Mới đây, không ít người tò mò khi một doanh nghiệp trong ngành xây dựng, Coteccons cho biết họ đã nộp thuế TNDN 43 tỷ cho kết quả kinh doanh của năm 2021 với lợi nhuận trước thuế là 38 tỷ đồng.

Ngày 16/11, Coteccons đã gửi đi thông báo trấn an các nhà đầu tư. Trong đó cho biết, hai khoản phải thu của dự án có chủ đầu tư là Vạn Thịnh Phát từ 2020 trở về trước đã được trích lập dự phòng 100%.

Cụ thể, khoản phải thu đối với dự án Alpha Hill là 34 tỷ, đã thực hiện trích lập dự phòng 34 tỷ. Khoản phải thu đối với dự án IFC Tower One là 7,9 tỷ, đã thực hiện trích lập 7,9 tỷ.

Ban điều hành Coteccons cũng đã chủ động trích lập dự phòng 961 tỷ cho các khoản phải thu của khách hàng mà Công ty đã ghi nhận doanh thu từ năm 2020 trở về trước.

Đối với việc trích lập dự phòng, công ty vẫn đang phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định, công ty đã nộp thuế TNDN 43 tỷ đồng cho kết quả kinh doanh của năm 2021 với lợi nhuận trước thuế là 38 tỷ đồng. Tuyệt đối không phải vì mục đích để lợi nhuận âm nhằm không phải nộp thuế như tin đồn đang lan truyền trên mạng xã hội.

Tại sao Coteccons lãi ròng 38 tỷ đồng mà nộp thuế TNDN tới 43 tỷ đồng? - Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa

Từ thông tin Coteccons chia sẻ, có thể nhìn ra một số điều sau:

Thứ nhất , với những khoản nợ xấu liên quan nhóm Vạn Thịnh Phát, đã được trích lập 100% cho nên dù có không thể thu hồi được, doanh nghiệp cũng sẽ không chịu thiệt hại thêm.

Thứ hai, nếu thu hồi được nợ quá hạn, sẽ giúp Coteccons có được khoản thu nhập khi hoàn nhập dự phòng.

Thứ ba, những tin đồn (nếu có) về việc Coteccons trích lập dự phòng phải thu khó đòi nhiều lên để không phải nộp/nộp thuế TNDN ít đi là không có căn cứ về mặt số liệu, cũng không phù hợp với quy định và thực tiễn.


Về mặt quy định, hiện nay việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng (giảm giá hàng tồn kho, phải thu khó đòi, giảm giá khoản đầu tư) đang được Bộ tài chính quy định trong thông tư số 48/2019/TT-BTC ban hành ngày 8/8/2019. Đây là quy định được coi là kim chỉ nam đối với các doanh nghiệp trong việc trích lập và hạch toán dự phòng, trong đó có dự phòng phải thu khó đòi.

Dự phòng nợ phải thu khó đòi là dự phòng phần giá trị tổn thất của các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán và khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng không thu hồi được đúng hạn.

Điều 6, Thông tư 48 quy định, mức trích lập dự phòng bằng 30% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm; 50% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm; 70% giá trị đối với khoản nợ phải thu quá hạn từ 2 năm đến dưới 3 năm; 100% giá trị đối với khoản nợ phải thu từ 3 năm trở lên.

(*Không áp dụng với trường hợp các doanh nghiệp viễn thông, bán lẻ,... các khoản phải thu của các doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản,...)

Điều 3 Thông tư 48 quy định, các khoản dự phòng quy định tại Thông tư này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị hàng tồn kho, các khoản đầu tư không cao hơn giá trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm.

Như vậy, không phải doanh nghiệp muốn trích lập dự phòng như thế nào, bao nhiêu cũng được chấp nhận khi quyết toán thuế TNDN.

Về mặt thực tiễn doanh nghiệp, hãy xem lại BCTC năm 2021 được kiểm toán của Coteccons. Nhiều người sẽ thấy thắc mắc khi doanh nghiệp phải nộp thuế TNDN đến 43,3 tỷ đồng cho lợi nhuận chỉ 38 tỷ đồng?

 - Ảnh 1.

Trích từ BCTC hợp nhất kiểm toán 2021 của CTD (Phần bôi đậm màu vàng là số liệu 2021)

Chìa khóa để trả lời câu hỏi này nằm ở độ "vênh" giữa Thu nhập tính thuế theo quy định Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với Lợi nhuận kế toán của công ty. Nói một cách đơn giản, để tính ra số thuế TNDN phải nộp trong kỳ người ta dùng căn cứ là thu nhập tính thuế, được xác định bằng hiệu số giữa doanh thu và chi phí được trừ.

Ở đây 38 tỷ đồng là con số lợi nhuận kế toán trước thuế của Coteccons chứ không phải thu nhập tính thuế năm 2021 của DN. Vì vậy, số thuế TNDN phải nộp đương nhiên không phải bằng 38 tỷ đồng nhân với thuế suất TNDN.


Một điểm nữa, có thể nhận thấy thực ra lợi nhuận sau thuế của Coteccons chỉ nhỏ hơn lợi nhuận trước thuế 14 tỷ đồng, trong khi thuế TNDN là 43 tỷ đồng. Tại sao vậy?

Bởi vì có sự xuất hiện của Thu nhập thuế TNDN hoãn lại, đây là một khoản mục thường xuất hiện trên BCTC của các DN lớn và khá thú vị nhưng lại thường bị bỏ qua.

Nó ra đời từ độ "vênh" giữa thu nhập tính thuế theo quy định Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với Lợi nhuận kế toán của công ty. Độ"vênh" này là một điều tất yếu, xuất hiện ở hệ thống hạch toán kế toán của các quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam.

Hãy tưởng tượng, không phải mọi chi phí kế toán trong kỳ đều được cơ quan thuế chấp nhận là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Có chi phí vĩnh viễn bị loại bỏ, chẳng hạn những chi phí không hợp lý, hợp lệ, hợp pháp.

Lại có những chi phí chỉ bị loại bỏ "tạm thời" do khác biệt về mục tiêu. Nó sẽ được "hoàn lại" vào kỳ sau, tạo nên thu nhập thuế TNDN hoãn lại.

Tại sao Coteccons lãi ròng 38 tỷ đồng mà nộp thuế TNDN tới 43 tỷ đồng? - Ảnh 5.

Hình ảnh minh họa

Một ví dụ sau đây có thể giúp bạn đọc hình dung. Công ty A có một khoản nợ trị giá 5 tỷ đồng, tại ngày lập BCTC năm 2021 đã quá hạn thanh toán 7 tháng.

Theo Thông tư 48, khoản nợ quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm trích lập dự phòng 30% giá trị, tương đương công ty A phải trích lập dự phòng 1,5 tỷ. Nhưng trong quá trình đòi nợ, công ty A cảm thấy khả năng tài chính của khách hàng rất kém, nhiều khả năng sẽ chỉ thu được tối đa 2,5 tỷ đồng.

Trong khi đó năm nay công ty A lại đang kinh doanh tốt, lãi nhiều, nên Ban lãnh đạo quyết định trích lập dự phòng luôn 2,5 tỷ đồng cho món này. Chi phí năm 2021 vì khoản trích lập mà tăng thêm 2,5 tỷ đồng.

Đương nhiên, trích bao nhiêu là việc của công ty, nhưng khi quyết toán thuế TNDN, chi phí dự phòng trong 2021 được chấp nhận chỉ là 1,5 tỷ đồng, theo đúng quy định.

Một năm sau, khoản nợ vẫn chưa thu hồi được, theo quy định sẽ trích dự phòng đến 50% (với khoản nợ quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm), tương đương 2,5 tỷ đồng. Khi này, công ty sẽ không phải trích lập dự phòng nữa (do đã trích 2,5 tỷ từ năm ngoái).

Nhưng chi phí để tính thuế lại được ghi nhận thêm 1 tỷ dự phòng (do năm ngoái mới chỉ ghi nhận 1,5 tỷ). Như vậy, trong năm 2022 BCTC của công ty sẽ phát sinh khoản mục Thu nhập thuế TNDN hoãn lại, làm tăng lợi nhuận sau thuế cho doanh nghiệp.

An Vũ

Từ khóa:  ctd , coteccons
Cùng chuyên mục
XEM