Tài sản tăng nhanh nhưng giới siêu giàu Mỹ làm từ thiện không đủ nhanh
Giving Pledge hiện có 222 người tham gia trên khắp thế giới, nhưng chỉ một phần nhỏ tài sản thực sự được dùng để làm từ thiện.
Những người giàu nhất nước Mỹ gần đây nhận được nhiều lời khuyên về hoạt động từ thiện của họ, đặc biệt là từ khi đại dịch Covid-19 khiến tài sản của họ tăng mạnh trong khi phá hủy cả kinh tế. Lời phàn nàn mà họ gặp nhiều nhất là: “Bạn nên quyên góp tiền từ thiện nhanh hơn nữa”.
Kể từ khi ly dị với người giàu nhất thế giới vào năm 2019, bà MacKenzie Scott đã cho thế giới thấy cách để làm từ thiện nhanh hơn. Vợ cũ của người sáng lập ra Amazon.com đã quyên góp 8,5 tỷ USD trong vòng 12 tháng cho hàng trăm tổ chức từ thiện nhỏ thường bị các nhà tài trợ lớn bỏ qua.
“Những gì bà ấy làm cũng như cách tiếp cận của bà thật tuyệt vời. Tôi hy vọng sẽ có nhiều người hơn nữa làm theo cách này”, tỷ phú John Arnold nói. Ông Arnold từng làm quản lý quỹ đầu tư nhưng sau đó nghỉ hưu vào năm 2012 để dành toàn bộ thời gian cho hoạt động từ thiện.
MacKenzie Scott là tỷ phú Mỹ tích cực cho đi nhất trong thời gian gần đây. Ảnh: Bloomberg.
Tuy nhiên, chiến lược của bà Scott, có lẽ là chiến lược làm từ thiện nhanh nhất trong lịch sử, vẫn không thể đấu chọi lại với tốc độ gia tăng về tài sản của giới tỷ phú, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ khi định giá của các công ty này gần đây tăng chóng mặt. Năm 2019, bà tham gia Giving Pledge, một cam kết không ràng buộc về mặt pháp lý của nhóm người siêu giàu nhằm cho đi phần lớn tài sản của họ. Kể từ đó, giá cổ phiếu của Amazon tăng liên tục, đưa tài sản ròng của bà Scott tăng từ khoảng 37 tỷ USD lên 62 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Người giúp tạo ra Giving Pledge và cũng cam kết sẽ dùng gần như toàn bộ tài sản để làm từ thiện, tỷ phú Warren Buffett là một ví dụ rõ ràng hơn nữa. Trong 16 năm qua, mặc dù ông Buffett đã quyên góp một nửa cổ phần của mình tại Berkshire Hathaway, song tài sản của vị tỷ phú 90 tuổi này vẫn tăng hơn 2 lần lên 104 tỷ USD.
Trong một thông báo ngày 23/6, tỷ phú Warren Buffett cho biết ông đã từ chức người được ủy thác tại Quỹ Bill & Melinda Gates. Đồng thời, ông tuyên bố sẽ quyên góp 4,1 tỷ USD bằng cổ phiếu của Berkshire Hathaway cho 5 tổ chức từ thiện.
Cùng với đó, người giàu thứ 8 thế giới đưa ra lời biện hộ cho cách làm từ thiện từ tốn. Ông cho hay người vợ đầu tiên của mình, bà Susan, từng nói về việc quyên góp các khoản tiền lớn khi họ còn trẻ, khi tài sản ròng của họ chỉ bằng một phần rất nhỏ so với hiện nay. “Nhưng mãi sau này tôi mới làm như vậy vì khi đó tôi vẫn bị cám dỗ bởi lợi nhuận”. Năm 2006, vài năm sau khi bà Susan qua đời, ông Buffett, khi đó 75 tuổi, bắt đầu tăng tốc trong việc làm từ thiện.
Giá trị của số cổ phần mà ông cho đi, 41 tỷ USD, sẽ là 100 tỷ USD đối với các tổ chức nhận tiền quyên góp nếu ông ấy đợi đến tận bây giờ mới cho đi. “Vậy có phải là xã hội sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu tôi quyên góp số cổ phần đó muộn hơn không?”.
Tỷ phú Warren Buffett là người ủng hộ cách làm từ thiện từ tốn. Ảnh: Bloomberg. |
Số phận của hàng nghìn tỷ USD đang phụ thuộc vào cách mà nhóm 0,1% người siêu giàu trả lời câu hỏi này. Nhiều người trong nhóm người giàu nhất nước Mỹ cũng đã ký vào cam kết Giving Pledge, như Michael Bloomberg – nhà sáng lập ra Bloomberg LP, công ty mẹ của Bloomberg News.
Giving Pledge hiện có 222 người tham gia trên khắp thế giới, nhưng chỉ một phần nhỏ tài sản thực sự được dùng để làm từ thiện. Hơn nữa, nhiều tỷ phú mới nổi ngày nay có thể sống thêm nhiều thập kỷ nữa.
Mark Zuckerberg, đồng sáng lập 37 tuổi của Facebook, tham gia Giving Pledge cùng với vợ mình, Priscilla Chan, vào năm 2015, khi anh sở hữu khối tải sản 45 tỷ USD. Tổ chức Chan Zuckerberg Initiative của cặp vợ chồng này cho biết đã quyên tặng 2,7 tỷ USD từ năm 2015 đến tháng 10/2020, trong khi tài sản của Zuckerberg hiện nay là 126,8 tỷ USD.
Những tranh luận xung quanh việc cho đi nhiều hơn vào thời điểm hiện tại hơn là sau này xuất phát từ việc tài sản có thể tăng lên theo thời gian và những vấn đề mà các tổ chức từ thiện đang cố gắng giải quyết cũng vậy. Trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, một mục tiêu mà cả Jeff Bezos và Bill Gates đều hướng tới, thời gian chính là điểm cốt lõi. Giáo dục hay y tế cũng là những vấn đề cần nhiều thời gian để giải quyết.
Những cuộc tranh luận liên quan đến hoạt động từ thiện đã kéo dài nhiều thập kỷ qua. Năm ngoái, với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, đã thúc đẩy sự ra đời của một loạt sáng kiến nhằm khuyến khích các quỹ từ thiện và nhà tài trợ giàu có cho đi nhiều hơn và nhanh hơn. Nguyên nhân là một số người quá thất vọng về tốc độ cho đi của giới nhà giàu tại Mỹ dù tài sản của họ gia tăng nhanh chóng nhờ các biện pháp kích thích của chính phủ và lãi suất thấp kỷ lục.
Quá nhiều người giàu tại Mỹ đang tích trữ tài sản và không có nhiều tỷ phú sẵn sàng cho đi nhiều giống như bà Scott, theo Alan Davis, người điều hành quỹ từ thiện gia đình 150 triệu USD mà ông được thừa kế từ cha mẹ.