Tai họa từ thời trang nhanh: Thỏa niềm đam mê của người giàu, chất núi rác thải lên cuộc sống của những nước nghèo nhất

04/11/2022 15:16 PM | Kinh doanh

Tại bãi biển Chorkor, gần thủ đô Accra, Ghana, tầng tầng lớp lớp những bộ quần áo thời trang xuất xứ từ những quốc gia giàu có đang chất thành đống rác cao gần 2m. Một đôi sandal Crocs lấp ló ở đây, một chiếc áo thun polo Ralph Lauren màu xanh lam ở kia.

Người đứng đầu bộ phận quản lý chất thải của thành phố Accra, Ghana là Solomon Noi cho biết khi trời mưa, các đường nước và rãnh nước của thành phố sẽ đổ hàng đống đồ may mặc ra biển, sau đó, sóng sẽ đánh dạt phần lớn đống rác này vào đất liền. Ngày nào cũng vậy, Noi và các nhân viên vệ sinh vật lộn trong trận chiến mà họ không bao giờ thắng khi cố vận chuyển chất thải dệt may của Accra vào bãi chôn lấp.

Noi tính toán rằng 40% quần áo đã qua sử dụng đến cảng của Accra không được giặt lại hoặc thay mới. Chúng chỉ đơn giản là rác. Ông nói: “Chính phủ Ghana không có tiền và cơ sở hạ tầng để xử lý chất thải của những nền kinh tế phát triển.” Nhưng Noi cũng thừa nhận rằng giải pháp không chỉ đơn giản cứ cấm nhập khẩu là xong.

Những lời hứa suông

Đó là một thảm họa suốt nhiều thập kỷ trong quá trình sản xuất, vì quần áo ngày càng rẻ hơn, phong phú hơn và ngày càng có xu hướng chỉ dùng một lần. Mỗi năm, ngành công nghiệp thời trang sản xuất hơn 100 tỷ mặt hàng may mặc. Mỗi ngày, hàng chục triệu sản phẩm may mặc bị bỏ đi để nhường chỗ cho những sản phẩm mới. Chúng được cho vào thứ được gọi là thùng tái chế.

Ít ai biết rằng quần áo cũ hiếm khi được tái chế thành quần áo mới vì công nghệ và cơ sở hạ tầng không tồn tại để làm điều đó trên quy mô lớn. Thay vào đó, quần áo bị loại bỏ đi sẽ rơi vào chuỗi cung ứng đồ cũ toàn cầu nhằm kéo dài tuổi thọ của chúng, dù chỉ một chút thôi, bằng cách tái sử dụng chúng như giẻ lau, làm đệm hoặc vật liệu cách nhiệt.

Nhưng sự gia tăng của thời trang nhanh và sở thích của người mua sắm đối với số lượng hơn chất lượng đã dẫn đến tình trạng dư thừa quần áo giá trị thấp, có nguy cơ phá vỡ nền kinh tế của ngành thương mại và chắc chắn đang trở thành gánh nặng cho các nước đang phát triển.

4-11-1.jpg

Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, các nhãn hàng thời trang không muốn người tiêu dùng hiểu một thực tế không mấy vui vẻ rằng cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng phế thải dệt may toàn cầu chính là mua ít hơn nhưng chọn đồ chất lượng cao hơn và mặc chúng lâu hơn. Nói cách khác, giải pháp chính là kết thúc thời trang nhanh.

Đầu năm 2013, H&M trở thành nhà bán lẻ lớn đầu tiên bắt đầu chương trình thu gom quần áo đã qua sử dụng toàn cầu, đặt thùng gom đồ cũ tại hàng nghìn cửa hàng ở hơn 40 quốc gia. Sáng kiến này đã gây được tiếng vang trong bối cảnh nhận thức về môi trường ngày càng gia tăng.

Vài năm sau, chuỗi cửa hàng Thụy Điển này hợp tác với rapper người Anh M.I.A. để sản xuất một video âm nhạc ấn tượng, kêu gọi người xem tham gia phong trào để bỏ những bộ quần áo họ không còn thích nữa. "Mọi người đều thắng!", công ty cho biết trên blog của mình.

“H&M sẽ tái chế những bộ quần áo cũ của bạn và tạo ra sợi dệt mới. Đổi lại, bạn sẽ nhận được phiếu mua hàng để sử dụng tại H&M. Nhờ H&M, việc tái chế quần áo bạn không thích nữa chưa bao giờ dễ dàng hơn,” Elle UK tuyên bố vào tháng 1/2017.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi mọi người tin một món đồ sẽ được tái chế, họ sẽ không ngại ngần mà tiêu thụ nhiều hơn.

Các chuỗi thời trang nhanh lớn khác như Mango, Primark và Zara cũng làm theo với các chiến dịch của riêng mình. Những chiếc thùng thu gom quần áo cũ được trang trí với thông điệp lạc quan đã trở nên phổ biến: “Hãy tạo ra vòng lặp!”, "Tái chế ở đây!" và có lẽ quan trọng nhất là: "Thời trang trường tồn!"

Điều mà không chiến dịch nào thừa nhận là việc tái chế hàng dệt đã qua sử dụng thành quần áo mới ở quy mô công nghiệp vẫn chưa tồn tại. Trên toàn cầu, ít hơn 1% quần áo đã qua sử dụng thực sự được làm lại thành quần áo mới, theo Ellen MacArthur Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận của Vương quốc Anh.

Các nhà bán lẻ đã thề rằng những gì họ thu thập được sẽ không bao giờ được đưa vào bãi rác hoặc chất thải. Nhưng thực tế không màu hồng như vậy. Việc phần loại dòng chất thải này thuộc về một ngành công nghiệp môi giới và xử lý toàn cầu.

Nhập quần áo cũ như đánh canh bạc nhưng không đánh không được

Hoạt động kinh doanh của họ phụ thuộc vào việc xuất khẩu quần áo cũ sang các nước đang phát triển để làm hàng may mặc. Về lý thuyết, đây là hành động có lợi nhất khi họ có trách nhiệm với môi trường, bởi việc tái sử dụng các vật dụng sẽ tiêu tốn ít tài nguyên hơn so với việc tái chế chúng.

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh buôn bán vải vụn, thu mua quần áo bị vứt đi và biến chúng thành đồ có thể mặc lại là một công việc có tính cạnh trạnh cao. Biến động tiền tệ, chi phí vận chuyển tăng, xu hướng thời trang thay đổi có thể xoá sổ lợi nhuận hoặc đóng cửa thị trường chỉ sau một đêm.

Chất lượng ngày càng giảm nên quần áo bị mục sau một vài lần giặt. Các loại vải này là sự pha trộn phức tạp của các sợi tổng hợp rẻ tiền, khó tái sử dụng hoặc tái chế nhưng lại ngày càng được sử dụng nhiều đã khiến thị trường bão hòa.

Hoá ra, việc tái chế quần áo trở lại thành sợi để làm quần áo mới là một việc khó khăn Không chỉ gỡ cúc cài hay khoá kéo mà còn phải loại bỏ các loại vải pha trộn và thuốc nhuộm. Nhiều sản phẩm may mặc ngày nay có chứa từ ba loại sợi trở lên. Quần jean thể thao và quần jean bó thường bao gồm elastane - một loại sợi có nguồn gốc từ dầu mỏ co giãn rất khó tách rời. Bethell, một nhà môi giới quần áo đã qua sử dụng lớn đã hợp tác với Renewcell ở Thụy Điển, cho biết: “Những hỗn hợp này là một cơn ác mộng khủng khiếp. Elastane giống như xăng pha chì trong những năm 1970."

Có một lý do khiến các chuyên gia về chất thải cảnh báo rằng chúng ta không thể tiêu thụ theo cách bền vững: Việc tái chế sẽ luôn sử dụng nhiều năng lượng và tài nguyên hơn cũng như tạo ra nhiều chất thải hơn là tái sử dụng hoặc không tiêu thụ ngay từ đầu.

Kantamanto là chợ quần áo cũ lớn nhất ở Ghana, nằm ngay trung tâm thủ đô Accra. Theo tổ chức phi lợi nhuận Or Foundation, Kantamanto có thể là nền kinh tế bán lại và tái sử dụng lớn nhất trên thế giới, cứ 4 tháng lại tái sử dụng 100 triệu sản phẩm may mặc.

Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu và bán buôn bán lẻ ở đây không bao giờ biết họ đang phải trả tiền để nhận lại được gì cho đến khi các kiện hàng đến nơi. Janet Dansua, một nhà bán lẻ, người mua 4-5 kiện mỗi tháng cho biết: “Đó là một canh bạc.” Nếu nhận được quần áo có chất lượng tốt, họ sẽ có thể bán lại. Nếu không, họ sẽ chỉ có thêm những chiếc rẻ rách vô giá trị.

4-11-2.jpg

Ảnh: Bloomberg

Nhưng gánh nặng đáng sợ nhất của cuộc khủng hoảng chất thải dệt may lại rơi vào đầu của kayayei – những cô gái bốc vác thuê ở Ghana. Họ phải vận chuyển những kiện hàng gần 55kg trên đầu, đi qua những con hẻm nhỏ. Họ đi những chiếc dép xỏ ngón đã mòn và đôi khi buộc con nhỏ trên lưng.

100 kayayei được chụp X-quang vào năm ngoái được phát hiện đã hoàn toàn mất đường cong ở đỉnh cột sống. Xương nghiến vào xương, các bó dây thần kinh bị kẹt ở giữa. Sử dụng thuốc giảm đau càng làm tăng khả năng xảy ra tai nạn chết khi các tín hiệu đau đã bị tê liệt khiến những người phụ nữ nghiêng đầu và cơ thể sai cách mà không cảm nhận được.

Một kayayei tên Aisha Abdul Razak nói: “Tất cả chúng tôi đều mang thương tích. Nhưng nếu bạn không đi, bạn sẽ chết đói."

Tham khảo Bloomberg

Theo Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM