Tái định vị thành "Trợ thủ tài chính với AI" - các sếp MoMo đã nói gì?
Khi một thương hiệu đứng trước một cuộc chuyển dời, ắt hẳn lại có một bài toán "Tại sao? Làm thế nào?". Bước ngoặt không chỉ còn là ví điện tử mà trở thành trợ thủ tài chính với AI của MoMo cũng không phải ngoại lệ.
10 năm trước, tại quán nước mía vỉa hè số 40 Hoàng Việt, Quận Tân Bình, TP.HCM (trụ sở cũ của MoMo - PV), một nhóm kỹ sư hằng ngày say mê bàn ý tưởng về một ví điện tử. Họ mơ về tương lai người Việt không cần mang ví vẫn thoải mái ra đường.
10 năm sau, những người trẻ ngày nào giờ là sếp cấp cao của MoMo, cùng nhau đứng trước khán phòng rộng MCV Complex rộng gần 1.000 mét vuông, công bố bước ngoặt tái định vị giấc mơ ví điện tử đã cần mẫn gây dựng suốt một thập niên. MoMo giờ là ứng dụng tài chính phục vụ hàng chục triệu người, hơn 50.000 đối tác, hơn 70 ngân hàng và tổ chức tài chính.
1 thập kỷ từng được gọi là những kẻ mộng mơ, qua vài lần "chết đi sống lại" vẫn kiên định với giấc mơ "làm ví", giờ đây, họ lại cùng nhau nói về những hoài bão mới.
Bình dân hoá tài chính
"Chúng tôi không chỉ là ví điện tử nữa, mà là Trợ thủ tài chính với AI", ông Nguyễn Mạnh Tường, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc điều hành MoMo, tuyên bố trong sự kiện ra mắt định vị thương hiệu mới sáng 29/10.
Nói về chuyện lớn, đồng sáng lập MoMo bắt đầu từ chuyện nhỏ: "Người dùng giờ đây cần nhiều hơn một hình thức thanh toán tiện lợi". Như cách họ khởi nghiệp với suy nghĩ chân phương "làm sao chuyển tiền nhanh hơn, tiện hơn, rẻ hơn, vui hơn", MoMo tiếp tục với câu hỏi: "Làm sao để ai cũng có thể làm nhiều hơn với tiền". Tầm nhìn mới của MoMo không chỉ còn là thanh toán online, mà để một người dùng bình dân vẫn dễ dàng quản lý chi tiêu, tiết kiệm, mua bảo hiểm, đầu tư,... ổn định tài chính, từng bước tự chủ và tự do theo cuộc đời mình mong muốn.
Với AI là trụ cột công nghệ, MoMo tập trung mang các dịch vụ tài chính đến nhóm khách hàng chưa được phục vụ, những người dùng ít có cơ hội tiếp cận với tài chính truyền thống, từ đó thực hiện sứ mệnh bình dân hóa tài chính, thúc đẩy chuyển đổi số và đóng góp vào mục tiêu tài chính toàn diện của Việt Nam.
Ứng dụng AI, nhưng không phải "AI biết làm thơ, vẽ tranh"
Định vị mới "trợ thủ tài chính với AI", nhưng thực tế AI đã có mặt ở mọi hành trình của người dùng MoMo từ năm 2018, với chiến lược AI First - coi AI là động lực tăng trưởng chính.
"Người dùng không quan tâm đến việc chúng tôi ứng dụng AI ở đâu trong ứng dụng. Người dùng chỉ muốn nhu cầu của họ được phục vụ nhanh nhất", ông Thái Trí Hùng, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao, CTO MoMo chia sẻ cách MoMo tiếp cận và tích hợp AI vào siêu ứng dụng này. Đó là lý do MoMo đã âm thầm đầu tư, ứng dụng AI từ lâu và ở sau màn hình, cũng vì thế mà nhiều người không biết trải nghiệm mượt hơn, tài sản an toàn hơn, nhiều lớp bảo mật hơn… là có sự tham gia của AI.
AI của MoMo sẽ không gây trầm trồ vì biết làm thơ, vẽ tranh, sáng tạo, còn con người vẫn phải rửa chén quét nhà. AI của MoMo tập trung vào các bài toán nhỏ có tính ứng dụng cao cho người dùng và doanh nghiệp. Hệ thống chăm sóc khách hàng của MoMo từ khi ra mắt chatbot với sự hỗ trợ của AI đã giảm 75% số lượng khiếu nại hàng tuần, mức độ hài lòng của khách hàng tăng lên 23%. Hệ thống MoMo AI Protection làm sạch thông tin xác thực người dùng, ngăn chặn hàng hàng trăm nghìn cuộc tấn công theo hình thức lừa đảo thao túng tâm lý.
Mỗi tính năng trên ứng dụng MoMo đều có sự tham gia của ít nhất 2 model AI. AI có ngay từ khi người dùng bật ứng dụng MoMo, biết điều họ muốn (và ngay cả khi chưa biết muốn gì). AI đánh giá khả năng tài chính, bảo vệ tài sản, gợi ý những sản phẩm tốt nhất cho người dùng. Tất cả đều khiêm nhường đến mức vô hình - CTO MoMo chia sẻ.
Đưa tài chính đến với người dùng yếu thế
"Ngoài kia đang có hàng chục triệu người có thu nhập không ổn định, không chính thức hoặc thu nhập chưa cao. Nhưng họ luôn có nhu cầu tài chính cá nhân đa dạng", ông Đỗ Quang Thuận, Phó Tổng Giám đốc thường trực MoMo nói về bài toán thời kỳ mới. Khi cầu khó gặp được cung, MoMo lúc này sẽ là cầu nối giữa các ngân hàng, định chế tài chính với người dùng yếu thế.
Nhóm người thu nhập trung bình tới thấp cần sản phẩm tài chính chi phí thấp. "Lời giải của MoMo là tận dụng công nghệ, đặc biệt là AI để cải tiến năng suất lao động, cắt giảm chi phí trong tất cả các khâu, từ bán hàng cho đến chăm sóc khách hàng, giảm chi phí vận hành và đưa sản phẩm tài chính đến người dùng mức giá hợp lý nhất", đại diện MoMo chia sẻ.
Ví Trả Sau là những ví dụ điển hình trong sứ mệnh "bình dân hóa" tài chính của MoMo. Hơn 236.990 nghìn người dân Việt, phần lớn chưa có lịch sử tín dụng hay tài sản thế chấp, nhờ Ví Trả Sau đã tiếp cận với khoản tiền để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hàng ngày như đi chợ, trả tiền điện nước, đi lại.
Trợ thủ chuyển đổi số cho doanh nghiệp
"MoMo cũng mong muốn trở thành "Trợ thủ chuyển đổi số cho doanh nghiệp", hỗ trợ các SMEs kết nối, giữ chân khách hàng và bán hàng hiệu quả, an toàn thông qua việc cung cấp các giải pháp thanh toán số và tài chính toàn diện, đơn giản hoá cách vận hành bằng AI", ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó Tổng Giám đốc Cấp cao, Phụ trách Khối Giải pháp Tiếp Thị và Phân phối MoMo, chia sẻ.
Với tầm nhìn mới, nền tảng MoMo với công nghệ cốt lõi là AI sẽ là trợ thủ chuyển đổi số, marketing, vận hành… để giúp đối tác tiếp cận khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi, gamification, trang doanh nghiệp, trang bán hàng,...
Sứ mệnh đồng hành chuyển đổi số cùng doanh nghiệp cũng đặt ra nguyên tắc làm sản phẩm, sự đặc biệt trong cách tiếp cận công nghệ cho doanh nghiệp của MoMo. "Công nghệ phải đơn giản, "ai cũng có thể dùng được" nhưng có mức ảnh hưởng lớn, tập trung vào trải nghiệm vượt bậc.", ông Tiến nhấn mạnh.
Tìm hiểu thêm về định vị thương hiệu mới của MoMo tại đây