Tách mảng cám đóng góp 80% doanh thu của Masan MEATLife đồng thời huy động vốn hơn 7.000 tỷ đồng, tỷ phú Quang đang có tham vọng gì với mảng thịt chế biến?
Mặc dù chỉ đóng góp thiểu số vào doanh thu của Masan MEATLife, nhưng tỷ trọng của mảng thịt đang tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, mảng kinh doanh này đã có lãi mỏng trong nửa đầu năm 2021.
CTCP Masan MEATLife (MML) đang có kế hoạch tái cấu trúc và tách mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi; đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng mảng kinh doanh thịt. Công ty nổi tiếng với sản phẩm thịt mát MEATDeli (ra mắt năm 2019) và thương hiệu cám Bio-zeem (ra mắt năm 2015).
Phát hành gần 7.300 tỷ đồng trái phiếu, trả bằng cổ phần MNS Feed
Để có nguồn lực về vốn thực hiện kế hoạch này, Masan MEATLife muốn phát hành lượng trái phiếu riêng lẻ tổng giá trị 7.284 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là các cổ đông công ty (chốt quyền ngày 31/8/2021) và đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 2%/năm, thanh toán một lần khi đáo hạn.
MML cho biết sẽ thanh toán trái phiếu bằng cổ phần MNS Feed – đây chính là công ty con phụ trách toàn bộ mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. MML có thể chuyển quyền sở hữu tối đa toàn bộ số cổ phần đang lưu hành của MNS Feed do công ty sở hữu (tương đương 99,99%) cho trái chủ, tất cả lãi liên quan đến trái phiếu sẽ bị hủy bỏ. Mức giá chuyển đổi là 10.000 đồng/cp MNS Feed, sẽ được điều chỉnh tương ứng khi công ty này phát hành cổ phần để trả cổ tức hoặc phát hành cổ phần tăng vốn.
Dựa trên danh sách cổ đông lớn của MML tại ngày 31/12/2020, chúng ta có thể hình dung 3 người mua chính trong đợt phát hành sắp tới: Masan Group (nắm 78,74% cổ phần MML), Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (nắm 9,12% cổ phần MML) và VN Consumer Meat II (nắm 7,09% cổ phần MML). Các cổ đông này chiếm tới 94,95% cổ phần Masan MEATLife, qua đó có thể mua tối đa 6.881 tỷ đồng trái phiếu.
Masan MEATLife có lãi là nhờ thức ăn chăn nuôi
Cấu trúc của Masan MEATLife
MNS Feed chính là đơn vị vận hành mảng thức ăn chăn nuôi của MML – một hệ thống 13 nhà máy sản xuất, tổng công suất gần 3,3 triệu tấn mỗi năm.
Trên thực tế, mảng cám xưa nay nay vẫn là "nồi cơm" của Masan MEATLife. Mảng thịt chỉ mới phát sinh doanh thu trong hơn 2 năm qua, kể từ khi nhà máy Meat Hà Nam đi vào hoạt động.
Năm 2020, doanh thu thức ăn chăn nuôi đóng góp khoảng 85% tổng doanh thu của MML. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 949 tỷ đồng trong khi mảng thịt vẫn lỗ nặng những năm đầu. Hay nói cách khác, Masan MEATLife có lãi trong hai năm qua là nhờ mảng cám.
Khi tách riêng mảng thức ăn chăn nuôi và mảng kinh doanh thịt, MML dường như đang muốn nhìn mọi thứ trên một lăng kính rõ ràng hơn.
"Khi các nền tảng hoạt động tách biệt và tập trung hơn, các mảng kinh doanh được kỳ vọng sẽ được định vị tốt hơn để phát triển thành các công ty hàng đầu trong tương quan với các công ty cùng ngành trên thế giới", báo cáo của HĐQT MML nêu.
Tham vọng doanh thu tỷ đô mảng thịt chế biến
Khi bắt đầu triển khai mảng thịt, MML ngắm vào thị trường thịt heo quy mô 10 tỷ USD của Việt Nam nhưng vẫn còn phân mảnh. Công thức này giống hệt như cái cách Masan thâm nhập và thống trị ngành nước mắm.
Quy mô của mảng thịt của MEATLife bao gồm hai nhà máy chế biến tại Hà Nam và Long An cùng có công suất 1,4 triệu con/năm, tương đương 140.000 tấn/năm. Hai dự án có tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 10 ha tại mỗi tổ hợp. MNS Meat cũng sở hữu một trang trại tại Nghệ An công suất 250.000 heo hơi mỗi năm. Năm 2020, công ty mua lại 51% 3F VIET, qua đó bổ sung thêm mảng kinh doanh thịt gà.
Doanh thu mảng thịt tăng trưởng mạnh và đóng góp ngày càng lớn vào kết quả kinh doanh của MML. Nửa đầu năm nay, mảng thịt và trang trại đem về doanh thu 2.063 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi và chiếm gần 20% tổng doanh thu. Nhưng điều đáng chú ý nằm ở việc mảng thịt và trang trại của MML đã có lãi mỏng, so với cùng kỳ năm ngoái lỗ nặng. Đây là tín hiệu hết sức sáng sủa.
MML có một kế hoạch táo bạo sau với mảng thịt chế biến sau khi tách riêng. Cụ thể vào năm 2020, công ty này muốn có trong tay 10% thị phần thịt heo của Việt Nam, tương ứng doanh thu từ 35.000 – 45.000 tỷ đồng, cân bằng giữa thịt mát và thịt chế biến.
MML cũng cho biết biên lợi nhuận gộp có thể đạt từ 30 – 35%, biên EBIT từ 20 – 25%. So với thời điểm hiện tại, biên lợi nhuận gộp của toàn công ty chỉ đang xấp xỉ 17% (bao gồm cả chăn nuôi và thịt chế biến).
Rõ ràng, ban lãnh đạo MML kỳ vọng vào tỷ suất sinh lời của mảng thịt tốt hơn rất nhiều so với mảng cám. Việc tách riêng do đó có thể cung cấp cho nhà đầu tư những chỉ số đánh giá hợp lý hơn với từng hoạt động kinh doanh.
Từ tháng 5/2021, Bloomberg đưa tin Masan Group đang lên kế hoạch huy động tới 1 tỷ USD cho mảng thức ăn chăn nuôi. Thông tin thời điểm đó cho rằng Masan cân nhắc về việc có thể phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng với hoạt động kinh doanh này.