Tác giả ‘cha giàu, cha nghèo’ nói bao năm rồi, và không sai một ly: Nỗ lực thiếu suy nghĩ là GỐC RỄ của nghèo khó, không trị tận gốc làm sao chữa được ‘bệnh’!

08/05/2024 15:58 PM | Sống

Có phải mỗi ngày chúng ta mắc kẹt bởi vòng luẩn quẩn: Kiếm tiền, tiêu tiền và lại kiếm tiền nhưng vẫn "nghèo hoàn nghèo"?

Tỷ phú người Mỹ Robert Kiyosaki là một huyền thoại trong giới kinh doanh. Ông không xuất thân trong gia đình giàu có, sở hữu khối tài sản hàng triệu đô la. Ông cũng chẳng trúng số và hay trở nên giàu có chỉ sau một đêm.

Nhưng theo cách nói của ông, tất cả mọi thứ có được là do ông hiểu được bí mật của đồng tiền. Robert Kiyosaki thấy rằng, nhiều người bận rộn cả đời nhưng họ vẫn giống như những con lừa làm việc ở cối xay, đắm mình trong cảnh nghèo khó. Lý do là những người này không bao giờ hiểu: Tiền luôn ưu ái những người làm việc bằng trí óc.

Kiyosaki đã viết bí quyết làm giàu của mình vào cuốn sách bán chạy nhất có tên "Cha giàu, cha nghèo". Trong cuốn sách, ông đã chỉ ra rõ ràng: "Tài sản quan trọng nhất của chúng ta là tâm trí. Chỉ những hành động sau khi suy nghĩ mới có thể tạo ra của cải. Nỗ lực mà không suy nghĩ sẽ chỉ kéo dài sự nghèo đói của con người". 

Tại sao một số người làm việc hàng chục năm và cuối cùng không còn một xu dính túi? Bởi vì hành động mà không có trí tuệ thì vô ích, nỗ lực mà không suy nghĩ thì không bao giờ tạo ra được giá trị.

Từ “cha giàu, cha nghèo” rút ra bài học: Nỗ lực thiếu suy nghĩ là GỐC RỄ của nghèo khó - Ảnh 1.

Bao nhiêu người đang làm việc cật lực mà vẫn nghèo

Trong truyện, Kiyosaki kể về 2 người cha. Trong đó, "cha nghèo" chính là cha ruột của ông, một giáo sư đại học cả đời làm việc vất vả nhưng những năm cuối đời lại thất nghiệp và nợ nần chồng chất. Còn "cha giàu” chính là cha của người bạn tốt Mike, một doanh nhân lớn rất thành đạt và là người có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của ông.

Cả 2 người cha đều có thể chịu đựng gian khổ và sẵn sàng làm việc chăm chỉ nhưng cái kết cuộc đời của họ lại hoàn toàn khác nhau. Kiyosaki đã nhiều lần suy nghĩ về nguyên nhân gây ra sự khác biệt này. 

Trong mắt anh, người cha nghèo là người rất tận tâm. Cha ruột của tác giả thường đến trường dạy học hoặc ở lại học viết báo, đi làm đúng giờ, hoàn toàn tuân theo sự sắp xếp của lãnh đạo, cũng rất quan tâm đến học sinh và thường giảng dạy vì công cộng. Sau khi vay tiền và mua nhà, cha ruột của ông càng chăm chỉ, tập trung vào nghiên cứu học thuật và thức khuya viết báo cáo chỉ để nhận thêm tiền thưởng.

Nhưng rồi cuộc khủng hoảng kinh tế ập đến và nhà trường bắt đầu sa thải nhân viên. Thật không may, người cha nghèo bị mất việc vì có quá nhiều giảng viên như ông trong trường. Lúc này, Kiyosaki hiểu ra: người cha tội nghiệp bị loại chính là vì ông làm quá nhiều và nghĩ quá ít.

Tác giả cuốn sách nổi tiếng cho biết: "Ngoài công việc của mình, người cha nghèo của tôi không quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Cha tôi không nghiên cứu các xu hướng kinh tế, không chú ý đến những tin tức nóng hổi, cũng như không tìm hiểu về các lĩnh vực khác. Cuối cùng, năng lực có hạn không thể chịu đựng được bất kỳ sự thay đổi hay rủi ro nào".

Thực tế, trên đời có quá nhiều người giống “cha nghèo”. Họ đi làm đúng giờ mỗi ngày, chạy đua với thời gian để hoàn thành công việc trong ngày. Và ngày qua ngày nối tiếp nhau như vậy. Trong vòng quay bất tận này, họ sống kiệt sức nhưng ngày tháng trôi qua vẫn chẳng khá hơn là bao.

 Mọi người dường như không có thời gian rảnh rỗi, tất cả những gì họ làm là lao động một cách máy móc, tạo ra rất ít giá trị. Kiểu siêng năng kém hiệu quả này chỉ tiêu tốn năng lượng thể chất và làm tê liệt tâm trí, không thể chuyển nó thành tiền.

Trong sách, Kiyosaki cũng kể câu chuyện về một người bạn học cấp ba. Người bạn cùng lớp này làm 3 công việc và chỉ ngủ 5 tiếng/ngày. Người bạn đó rất chăm chỉ nhưng sau nhiều năm vẫn không được thăng chức vì làm công việc lao động chân tay cực kỳ đơn giản.

Sự thật quá đau lòng, những nỗ lực vô ích không bao giờ có thể đổi được bằng tiền thật. Xét cho cùng, nỗ lực mù quáng chỉ là một chuyển động theo thói quen của cơ bắp, về cơ bản là một nỗ lực nhằm tránh sự gắng sức tinh thần phức tạp hơn. Kết quả của việc từ bỏ suy nghĩ và làm việc chăm chỉ chỉ có thể khiến chúng ta sống bận rộn nhưng nghèo khổ.

Trên con đường làm giàu, suy nghĩ luôn quan trọng hơn sự chăm chỉ

Đại học Hokkaido đã thực hiện một "thí nghiệm kiến lười biếng" nổi tiếng. Các nhà nghiên cứu quan sát đàn kiến và phát hiện ra rằng trong khi hầu hết những con kiến đang bận rộn làm việc thì luôn có một vài con kiến lười biếng, không làm gì cả. Nhưng khi gặp nguy hiểm, kiến lười có thể phản ứng nhanh chóng và dẫn dắt đàn kiến thoát ra khỏi vòng vây. Hóa ra những con kiến lười biếng không thực sự lười biếng mà dành toàn bộ sức lực tìm tòi và suy nghĩ.

Không chỉ trong tự nhiên, mà cả cạnh tranh giàu nghèo trong xã hội loài người, cuối cùng chỉ những người có tư duy mới giành chiến thắng.

Từ “cha giàu, cha nghèo” rút ra bài học: Nỗ lực thiếu suy nghĩ là GỐC RỄ của nghèo khó - Ảnh 2.

Trong sách, Kiyosaki kể về một sự việc thú vị thời thơ ấu của mình. Năm 9 tuổi, để kiếm tiền tiêu vặt, ông đã gọi điện cho Mike và chuẩn bị làm một điều gì đó lớn lao. Ông và bạn của mình thu thập nhiều vỏ kem đánh răng, đun nóng và nấu chảy, đổ vào khuôn đựng tiền xu, sau đó sấy khô để lấy ra khỏi khuôn.

Nhưng khi làm ra mẻ đồng xu 5 xu đầu tiên, sự việc đã bị cha của Kiyosaki phát hiện. Người cha nghèo mắng họ rất nặng nề, nhưng người cha giàu rất vui vẻ nói: “Mặc dù việc làm này không được khuyến khích, nhưng thể hiện việc các con đã bộ não của mình để kiếm tiền”.

Kiyosaki ghi nhớ câu nói này và không bao giờ quên suy nghĩ về nó trong những nỗ lực tiếp theo của mình. Khi còn làm thư ký cho một công ty dầu mỏ, ông thường nghỉ ngơi để nghiên cứu xu hướng chứng khoán trong ngành dầu mỏ. Khi bán hàng cho một công ty lớn bán máy in, ông sẽ nghiên cứu các phương pháp giao tiếp hiệu quả. 

Sau khi mở công ty đầu tư riêng, Kiyosaki lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác nhau, nghiên cứu xu hướng thị trường và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong cuộc đời mình, ông kiếm được nhiều tiền không phải bằng cách đầu tư mà bằng cách dùng trí tuệ để đổi lấy tiền.

Trong cuốn sách, Kiyosaki đã hơn một lần trích dẫn một câu nói nổi tiếng của người cha giàu: "Người nghèo làm việc vì tiền, người giàu bắt tiền làm việc cho mình". Và chỉ có khả năng tư duy thì con người mới kiểm soát tiền bạc.

Phân tích kỹ lưỡng sự việc, hiểu biết sâu sắc lòng người, nắm bắt quy luật và bản chất, nhận thức về xu hướng,... Chính những điều này mới ẩn chứa cơ hội làm giàu. Chỉ bằng cách mở cánh cửa tâm trí, người ta mới có thể mở được cánh cửa giàu có.

Thoát khỏi bẫy "lồng chuột"

Sự khác biệt quan trọng nhất giữa con người không phải là của cải vật chất hay địa vị xã hội. Chính phẩm chất và trình độ bên trong giúp phân biệt người vĩ đại và người tầm thường. Đây là lý do vì sao có người làm việc chăm chỉ nhưng chẳng đạt được gì; có người tỏ ra nhàn nhã nhưng luôn kiếm được nhiều tiền.

Trong sách, Kiyosaki đã đề xuất một chiếc "lồng chuột" nổi tiếng. Nghĩa là một người nghèo khổ và bận rộn giống như con chuột bị nhốt trong chuồng, không thể thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại. Nếu muốn trốn thoát khỏi nhà tù, Kiyosaki đưa ra 3 gợi ý sau.

1. Việc tìm được vàng quan trọng hơn việc đào vàng

Khi du lịch tới Peru, Kiyosaki gặp một thợ mỏ vàng giàu có. Ưu điểm lớn nhất của người thợ không phải là đào mỏ vàng mà là tìm ra mỏ vàng. Người thợ nói: "Khi tôi còn trẻ, tôi sẽ không tiếp tục làm việc với mức lương vài đô la một giờ. Tôi sẽ luôn nghĩ cách tìm ra mỏ vàng".

Sau nhiều năm, những người làm cùng anh vẫn miệt mài nhưng anh đã trở nên giàu có nhờ khả năng tìm mỏ vàng. Kiyosaki tin rằng để chấm dứt vòng luẩn quẩn của nghèo đói và bận rộn, trước tiên chúng ta phải bắt đầu bằng việc thay đổi suy nghĩ của mình.

Một khi ý tưởng kiếm tiền trở nên cứng nhắc, con người chỉ có thể bị mắc kẹt trong một cái kén nhận thức. Một nhà văn cấp cao từng hỏi Kiyosaki tại sao doanh số bán sách của cô luôn kém như vậy. Bài viết của cô rõ ràng được đánh giá cao nhưng thị trường lại không đón nhận.

Kiyosaki gợi ý, cô không nên chỉ theo đuổi lĩnh vực chuyên môn mà hãy ra ngoài và học tiếp thị. Đáng tiếc, người viết bài đã bác bỏ điều này, rất cố chấp, cuối cùng không đạt được đột phá.

Có nhiều con đường đến Rome và việc kiếm tiền cũng vậy. Chỉ với tâm hồn cởi mở và lòng dũng cảm để thử, chúng ta mới có thể mở ra nhiều hướng, nhứm tới mục tiêu cuối cùng là làm giàu.

Từ “cha giàu, cha nghèo” rút ra bài học: Nỗ lực thiếu suy nghĩ là GỐC RỄ của nghèo khó - Ảnh 3.

2. Để làm chiếc bánh mì cần có công thức trong đầu

Trong cuốn sách, Kiyosaki đưa ra một ví dụ tương tự. Kiếm tiền cũng giống như làm bánh mì. Chỉ bằng cách ghi nhớ nhanh công thức trong đầu, bạn mới nhanh chóng làm được món bánh mì đó. 

Để đạt được điều này, con người cần có khả năng tư duy toàn diện thông qua việc học tập ở nhiều lĩnh vực. Suy cho cùng, trong một xã hội đang thay đổi nhanh chóng, không có nhiều cơ hội để bạn “dành thời gian”. Thời gian giống như ngôi sao băng vụt qua, ai di chuyển nhanh thì có thể bắt được.

Vậy Kiyosaki đã làm gì? Kể từ khi bắt đầu làm việc, ông đã không giới hạn mình trong một ngành hoặc vị trí nhất định. Ông luôn sử dụng thời gian rảnh rỗi để đăng ký tham gia các lớp học, buổi hội thảo và thực hiện các hoạt động đầu tư quy mô nhỏ. Khi trở thành nhà đầu tư, để nắm bắt những điểm nóng trong các ngành khác nhau, ông đã học thêm các khoá ngắn hạn tại trường đại học.

Dần dần, trong đầu ông hình thành một hệ thống tri thức, ngày càng có nhiều cách kiếm tiền, rút ngắn thời gian kiếm tiền. Charlie Munger đã nói: Nếu muốn kiếm được nhiều tiền, bạn phải thiết lập một hệ thống tư duy đa dạng. 

Từ “cha giàu, cha nghèo” rút ra bài học: Nỗ lực thiếu suy nghĩ là GỐC RỄ của nghèo khó - Ảnh 4.

3. Loại bỏ những ồn ào xung quanh

Kiyosaki kể rằng xung quanh chúng ta luôn có một nhóm “gà” kêu lên “Trời sập” mỗi ngày. Bạn muốn thay đổi công việc nhưng họ nói thay đổi là mạo hiểm; bạn muốn làm việc chăm chỉ nhưng họ lại nói rằng công ty không có tương lai…

Ngay cả khi bạn đã quyết định, việc nghe thấy lập luận quá bi quan như vậy sẽ khiến mọi suy nghĩ phải dừng lại trước khi hành động.

Bạn của Kiyosaki là Richard từng thích một bất động sản, dự định mua với giá thấp và bán nó với giá cao để kiếm bộn tiền. Xu hướng thị trường lúc đó cũng rất thuận lợi cho việc đầu tư bất động sản. Nhưng ngay sau khi Richard trả tiền đặt cọc, anh nghe người hàng xóm nói: “Đầu tư vào bất động sản sẽ rất tệ”.

Anh đột nhiên mất niềm tin và ngay lập tức hủy bỏ giao dịch mua nhà, kết quả là anh ta đã bỏ lỡ một khoản đầu tư tuyệt vời. 

Chỉ khi tất cả những suy nghĩ được chuyển thành hành động, chúng ta mới có thể hoàn thành vòng khép kín của việc tích lũy của cải. Vì vậy, chúng ta phải loại bỏ sự can thiệp bên ngoài, củng cố sự tự tin và dũng cảm thực hiện.

Nhiều người có công thức định kỳ áp dụng như sau: Thức dậy, đi làm, kiếm tiền, thanh toán hóa đơn, cân đối sổ sách, tiếp tục kiếm tiền,... Hãy nhìn lại chính mình, có phải chúng ta đang bị mắc kẹt trong công thức này. Mỗi ngày, chúng ta chỉ kiếm tiền, tiêu tiền và lại kiếm tiền. Chúng ta coi sự bận rộn là năng suất, không còn thời gian hay công sức để suy nghĩ.

Kết quả là tất cả họ đều sống như những con robot trên bàn làm việc, không thể kiếm được tiền từ công việc trí óc của mình. Trên thực tế, những người thực sự muốn kiếm tiền và có khả năng kiếm tiền sẽ không bao giờ keo kiệt trí tuệ của mình.

Như Kazuo Inamori đã nói: "Tư duy mạnh mẽ và thấu đáo là động lực thúc đẩy sự thành công trong sự nghiệp". Chỉ khi bạn sẵn sàng chịu khó suy nghĩ thì bạn mới có thể nếm được vị ngọt của việc kiếm tiền.

Theo Toutiao

Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM